Thực hiện dân chủ ở cơ sở thực chất, hiệu quả, tránh hình thức

02:03, 23/03/2022
.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, sáng 23/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
[links()]
 
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh Duy Linh)
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. (Ảnh Duy Linh)
Trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước; bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động và trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.
 
Dự thảo Luật có các điểm mới, gồm: bổ sung nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…
 
Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Trong việc xác định địa bàn nào là cơ sở, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định thôn, tổ dân phố cũng là đơn vị cơ sở để người dân thực hiện dân chủ bởi tuy thôn, tổ dân phố không phải là một cấp chính quyền cơ sở nhưng đây là thiết chế có tính chất tự quản quan trọng nhất của cộng đồng dân cư, là nơi gần dân nhất, thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhất.
 
Về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, một số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ là Luật này chỉ quy định có tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhưng để bảo đảm tương xứng, cân bằng với các loại hình dân chủ ở cơ sở khác, đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một chương riêng quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong đó có thể luật hóa một số nội dung về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (doanh nghiệp) hiện được quy định trong nghị định của Chính phủ.
 
Bên cạnh đó, đa số ý kiến cho rằng, về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở yêu cầu tập trung nghiên cứu xây dựng và ban hành các quy chế dân chủ cho ba loại hình cơ sở là xã, phường, thị trấn; doanh nghiệp nhà nước và cơ quan hành chính sự nghiệp. Các loại hình cơ sở khác căn cứ vào quy chế của ba hình loại cơ sở trên để vận dụng thích hợp. Do đó, dự thảo Luật nên tập trung quy định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với doanh nghiệp nhà nước, là nơi trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn lực của Nhà nước, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước và kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
 
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, rất nhiều loại hình, chủ thể. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đầu tư kỹ lưỡng, tiếp thu giải trình, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến. Dự án Luật này cần được kế thừa các quy định của Luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương quan điểm lớn của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở một cách thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, phô trương.
 
Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này cần điều chỉnh đầy đủ toàn diện việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, bao gồm: xã, phường, thị trấn, các cộng đồng dân cư ở tổ dân phố, thôn, làng bản, ấp…; các tổ chức, cơ quan, đơn vị; các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế. Vì vậy, dự án Luật cần quy định đầy đủ các mối quan hệ trong từng loại đơn vị cơ sở, nhưng không quy định lại những nội dung đã được các Luật chuyên ngành khác quy định.
 
Bên cạnh đó, các chính sách của dự án Luật cần làm rõ các yếu tố cơ bản trong quan hệ thực hiện dân chủ ở cơ sở để làm căn cứ cho việc quy định các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm tính chính xác, phù hợp, khả thi.
 
Thảo luận tại phiên họp, về các loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở, dự thảo Luật không điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại những cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù như: Quốc hội, Hội đồng nhân dân, hệ thống Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân... Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, cần quy định các nguyên tắc chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
 
Đối với Đảng, Quốc hội và các tổ chức chính trị-xã hội, ngoài việc thực hiện Luật thì còn có điều lệ của các tổ chức, do đó cần bổ sung chương quy định đối với các tổ chức đặc thù này, song nên lưu ý việc quy định như thế nào để bảo đảm các tổ chức này không đứng ngoài Luật. Và thực tế cho thấy, dân chủ trong Đảng sẽ là nòng cốt, căn bản để lan tỏa thực hiện dân chủ ngoài xã hội; dân chủ trong hệ thống cơ quan dân cử cũng sẽ là yếu tố căn cốt để thực hiện dân chủ ở ngoài xã hội.
 
Theo PV/Nhandan.vn
 

.