Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững

03:08, 11/08/2022
.
(Baoquangngai.vn)-  Sáng 11/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững". Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành đồng chủ trì hội nghị. 
[links()]
 
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 
 
Tại điểm cầu Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành và lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; đại diện 20 doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
 
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp gặp phải thời gian qua; cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các doanh nghiệp với công tác phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức; chúc mừng các doanh nghiệp đã vượt khó vươn lên, đạt nhiều kết quả đáng trân trọng.
 
Trên cơ sở nhận diện thời cơ, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những điểm nghẽn trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ"; góp phần phát triển kinh tế - xã hội nói chung, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững.
 
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.
 
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều chính sách, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.
 
Nhờ việc kiểm soát dịch bệnh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.
 
Đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh với trên 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 
 
Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37 % so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường du lịch và vận tải hàng không nội địa phục hồi tương ứng là gần 100% và 85%. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt trên 216 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD... Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực. 
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Ngãi
 
Tại hội nghị, lãnh đạo các hiệp hội, hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch; đồng thời, nêu lên các khó khăn, vướng mắc và mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ, giải quyết các điểm nghẽn và tiếp tục đề ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó trong thời gian tới.
 
Sau khi lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp và giải đáp của các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các ý kiến, tâm huyết của cộng đồng doanh nghiệp, sự trao đổi thẳng thắn của đại diện các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị. 
 
Thời gian qua, chúng ta đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước; chia sẻ với các khó khăn, thách thức và cả hy sinh, mất mát mà các doanh nghiệp gặp phải trong thời gian qua; chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, có những doanh nghiệp thua lỗ, rút lui nhưng cơ bản các doanh nghiệp phát triển được trong bối cảnh vừa qua, đạt nhiều kết quả rất đáng trân trọng; kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống, "đồng cam cộng khổ" cùng đất nước và nhân dân, khẳng định truyền thống của dân tộc ta là càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, "biến nguy thành cơ".
 
Thủ tướng cũng mong muốn, tin tưởng các doanh nghiệp sẽ đoàn kết, đồng lòng, quyết tâm vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển; cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng cam cộng khổ, chia sẻ với nhân dân, đất nước để vượt qua khó khăn hiện nay. Góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập sâu rộng quốc tế thực chất và hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị
 
Chỉ ra những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp với các nhiệm vụ đặt ra là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm các cân đối lớn. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch như thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động... Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng thành công Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số. Cùng với đó tập trung giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, an toàn cho người dân, cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tạo việc làm cho người dân.
 
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương rà soát lại những khó khăn, vướng mắc của doang nghệp, từ đó có kế hoạch, giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc. Thúc đẩy giải ngân ngốn vốn đầu tư công để dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội trong đó có nguồn lực của doanh nghiệp. Tiếp tục làm tốt công tác nắm bắt tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh.
 
Cùng với nhiệm vụ trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch Covid-19, trước mắt tập trung làm tốt nhiệm vụ tiêm vắc xin cho các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo và đào tạo lại nguồn lao động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
 
Đối với các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp cần phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động kết nối, giúp các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay. Các doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc lại doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghệp hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững trên tinh thần “lợi ích thì hài hoà, rủi ro cùng chia sẻ”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
H.P

.