Phải giải quyết rác thải tận gốc

06:07, 27/07/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tử tế với Sa Cần. Tử tế với Mỹ Khê. Tử tế với Sa Kỳ. Hãy chung tay làm sạch biển... Những phong trào và khẩu hiệu kêu gọi hành động cùng “hợp sức” dọn rác thải ven biển Quảng Ngãi đã tạo nên hiệu ứng tích cực trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ biển, bảo vệ đại dương xanh - sạch - đẹp.
 
[links()]
 
Không thể phủ nhận kết quả mang lại từ các phong trào dọn rác ven biển mà các sở, ngành, địa phương, các hội, đoàn thể, các nhóm thiện nguyện phát động lâu nay. Cách làm này đã “giải phóng” hàng trăm tấn rác thải ùn ứ dọc vùng ven biển Quảng Ngãi, hạn chế được nạn ô nhiễm môi trường, cũng như từng bước tạo thói quen “sống xanh” của cư dân ven biển. 
 
Các tình nguyện viên tham gia thu gom rác ở bãi biển Sa Kỳ. Ảnh: TL
Các tình nguyện viên tham gia thu gom rác ở bãi biển Sa Kỳ. Ảnh: TL
Thế nhưng, vấn đề đặt ra là, liệu việc kêu gọi dọn rác dọc biển có giải quyết dứt điểm được tình trạng rác thải hay chỉ là giải quyết phần nổi của vấn đề rác thải ven biển? Vùng biển xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) vốn là “điểm nóng” của ô nhiễm rác thải. Ở đây, từng có những “chiến dịch” dọn rác quy mô lớn, có sự tham gia của đông đảo người dân, doanh nghiệp, lực lượng vũ trang và cán bộ địa phương. Sau khi dọn sạch, trả lại bãi cát trắng không lẫn rác thải, thì trong thời gian rất ngắn, ở dọc biển Tịnh Kỳ lại đầy rác! Ngay sau đó, lại có thêm một chiến dịch dọn rác mới để “giải phóng” ô nhiễm rác thải ở vùng biển này. Các vùng biển khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. 
 
Như vậy, chuyện chỉ đơn thuần là kêu gọi dọn rác có phải là cách để ngăn được tình trạng rác thải tấn công làm nhiễm bẩn biển? Nhiều chuyên gia môi trường cho rằng, để giải quyết dứt điểm bài toán ô nhiễm rác thải vùng biển, thì mấu chốt của vấn đề là làm sao kiểm soát được nguồn thải ban đầu để đưa rác đi theo... đúng quy trình. Một khi không tìm ra và quản chặt nguồn thải, thì rất khó để giảm thiểu ô nhiễm rác thải vùng biển. Bởi rác thải khi được người dân vứt bừa bãi ra sông, suối, kênh rạch, ao hồ, sớm muộn gì cũng “tống” ra biển. Nghĩa là, biển phải hứng rác thải triền miên. Chuyện “quản rác” này cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cơ sở và đơn vị đảm nhiệm quản lý môi trường. Phải làm sao để người dân chọn đúng nơi để tập kết rác. 
 
Quản rác và dọn rác phải song hành. Nhiều khi đòi hỏi chuyện quản rác phải căn cơ hơn, chặt chẽ hơn. Chuyện dọn rác ở biển, mà quên rác ở đầu nguồn vẫn tuồn ra sông, ra biển mỗi ngày thì chỉ như dọn rác phần ngọn. Hơn nữa, phải làm sao để người dân thay đổi, không còn vứt rác bừa bãi ra môi trường nữa. Đó mới là những giải pháp căn cơ.
 
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Nghị định quy định mức xử phạt mới với hành vi vứt rác thải không đúng quy định. Việc vứt rác thải trên vỉa hè, lòng đường, vứt rác thải nhựa như chai lọ xuống ao hồ, kênh rạch có thể bị xử phạt từ 1- 2 triệu đồng. Nghị định 45 có hiệu lực bắt đầu từ 25/8/2022 sẽ góp phần giúp biển xanh - sạch - đẹp, nếu được thực thi quyết liệt.
 
UYÊN ANH
 
 

.