Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia ý kiến về các dự án giao thông

05:06, 06/06/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 6/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư: Dự án Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; dự án Đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; các dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).
[links()]
Thảo luận tại Tổ 9 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.
 
Tham gia thảo luận tại Tổ 9 có Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi); Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam); Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang); Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định). Đại biểu Trương Quốc Huy - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam điều hành nội dung phiên họp.
 
Quang cảnh phiên họp tại Tổ 9. ẢNH: QUỐC HỘI
Quang cảnh phiên họp tại Tổ 9. ẢNH: QUỐC HỘI
 
Phù hợp và cần thiết
 
Phát biểu thảo luận tại tổ, đa số đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư 2 dự án đường vành đai tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với những lý do đã nêu tại Tờ trình Chính phủ, nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua và phù hợp với Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025; trong đó yêu cầu “khẩn trương chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và cơ bản hoàn thành các dự án đường vành đai 3, 4 của khu vực động lực Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh”.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý vào nội dung thảo luận. ẢNH: QUỐC HỘI
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương góp ý vào nội dung thảo luận. ẢNH: QUỐC HỘI
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư xây dựng cho 5 dự án này thì nhân dân tất cả các vùng, miền sẽ rất phấn khởi, vui mừng và tin tưởng. Về chiến lược quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, 5 dự án này đều phù hợp và cần thiết và đã có trong quy hoạch.
 
Chỉ có 3 dự án xây dựng công trình đường bộ Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, hiện nay các tỉnh đang làm quy hoạch, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần sắp xếp sao cho phù hợp không gian quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch chung có quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
 
Liên quan đến hình thức đầu tư, trong đó với phương án thiết kế sơ bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thẩm tra hình thức đầu tư ở 2 dự án đường vành đai của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đều rất rõ. Còn 3 dự án còn lại là dự án Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột áp dụng theo hình thức đầu tư công, dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được áp dụng theo hình thức đối tác công tư và đã có các nhà đầu tư đăng ký.
 
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu xem xét, cho ý kiến về phương án thiết kế sơ bộ, về nguồn vốn, về tiến độ hoàn thành các dự án…
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, 3 dự án còn lại này có 5 nguồn vốn đầu tư: Vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025; nguồn vốn từ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế; nguồn ngân sách địa phương tham gia; nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2021; nguồn vốn năm 2026 ưu tiên bố trí trong giai đoạn 2026 - 2030.
 
Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cam kết rõ và thực hiện nghiêm túc việc đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo cuộc sống người dân chịu ảnh hưởng của các dự án.
 
Sớm phân bổ nguồn vốn để triển khai thực hiện
 
Tham gia thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy thống nhất sự cần thiết thực hiện các dự án giao thông do Chính phủ trình, để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong vùng và phát triển liên vùng trong từng khu vực. 
 
Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương trong vùng dự án (nơi dự án đi qua) khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện theo phân quyền. Tiến hành rà soát hiện trạng, thực hiện tốt chính sách đền bù, tái định cư, giải phóng mặt bằng, hạn chế những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; bảo đảm tiến độ về giải phóng mặt bằng để sớm triển khai thực hiện dự án.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu tại phiên thảo luận. ẢNH: QUỐC HỘI
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu tại phiên thảo luận. ẢNH: QUỐC HỘI
Theo đại biểu Đặng Ngọc Huy, Chính phủ cần đánh giá và xác định thật kỹ lưỡng về phương thức đầu tư theo đối tác công tư (PPP), để đảm bảo tính khả thi, thu hút được nguồn lực xã hội, hạn chế tình trạng phải điều chỉnh sang phương thức đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Vì điều này sẽ tạo áp lực về nguồn ngân sách và ảnh hưởng đến các chương trình, dự án khác được đầu tư từ nguồn ngân sách (nhất là bảo đảm nguồn lực ngân sách để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia). 
 
"Chính phủ sớm bố trí vốn bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các dự án thành phần và thực hiện đúng tiến độ dự án theo kế hoạch, nhưng phải bảo đảm chất lượng công trình, phát huy hiệu quả sử dụng vốn. Đồng thời, cần tính toán về khả năng thu hồi vốn, nhất là đối với các tuyến đường có lượng lưu thông ít để có phương án thực hiện cụ thể", đại biểu Đặng Ngọc Huy nói.
 
Liên quan đến quy mô dự án, đại biểu Đặng Ngọc Huy đề nghị Chính phủ phải tính toán đến quy mô đầu tư, thiết kế số làn xe phù hợp với nhu cầu lưu thông hiện tại và khả năng phát triển, yêu cầu cầu trong tương lai. Từ đó sử dụng nguồn đầu tư hiệu quả, bảo đảm phát triển hệ thống giao thông phục vụ phát triển.
 
HOÀNG TÂN - HOÀNG ANH
 

.