Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

03:06, 14/06/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. 
[links()]
Luật cần đảm bảo bao quát hết các nhóm đối tượng
 
Tham gia thảo luận, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, đại biểu Trần Thị Hồng An cho rằng, những nội dung về cộng đồng dân cư bàn và quyết định tại Điều 13 và nội dung về nhân dân tham gia ý kiến có quyết định các nội dung tham gia của từng chủ thể khác nhau tại Điều 23 của dự thảo Luật là chưa đầy đủ. 
 
Vì vậy, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung dự thảo các văn bản chính sách pháp luật có tác động đến trẻ em, tác động về giới, tác động đối với dân tộc. Đồng thời bổ sung công tác bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, bình xét hộ gia đình khó khăn về nhà ở, hộ gia đình tiếp nhận các chính sách vay, những chính sách ưu đãi của nhà nước… vào quy định của dự thảo luật. 
 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An phát biểu tại hội trường sáng 14/6. ẢNH: H.TÂN
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An phát biểu tại hội trường sáng 14/6. ẢNH: H.TÂN
 
Liên quan đến việc thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, ngoài đối tượng, nội dung thực hiện dân chủ được quy định tại Chương III của dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng An bày tỏ quan tâm đến nhóm đối tượng hiện đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài công lập tại các làng trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người già neo đơn. Theo đại biểu Trần Thị Hồng An, những đối tượng này được quyền tiếp cận thông tin; được biết các chế độ sinh hoạt, kết quả sử dụng, các khoản đóng góp, các khoản tài trợ của các mạnh thường quân; được thông tin về kinh tế - xã hội…
 
Từ những phân tích trên, để đảm bảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở khi ban hành bao quát được hết các nhóm đối tượng, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung các nhóm đối tượng, nội dung tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền tiếp cận con người của mọi công dân Việt Nam.
 
Quy định chế tài cụ thể để đảm bảo dân giám sát, dân thụ hưởng
 
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ. 
 
Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên. 
 
Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng góp ý vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. ẢNH: H.TÂN
Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi Lương Văn Hùng góp ý vào dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. ẢNH: H.TÂN
 
Đại biểu Lương Văn Hùng nhấn mạnh, cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nghiên cứu bổ sung một điều Luật (sau Mục 5 về nhân dân giám sát tại Chương II) để thể chế hóa cơ chế dân thụ hưởng vào dự thảo Luật. Đó là các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin, cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội… đối với nhân dân địa phương. 
 
Quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân. Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân. 
 
Đồng thời phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng. Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng. Cùng với đó là xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.
 
Góp ý về các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, theo đại biểu Lương Văn Hùng, Điều 1 quy định phạm vi điều chỉnh của Luật gồm 3 vấn đề lớn là: Nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định hình thức công khai, lấy ý kiến nhân dân, hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân, nhưng chưa quy định một cách chính thức về hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, đề nghị bổ sung một điều luật ngay sau Điều 3 (về nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở). 
 
Đại biểu Lương Văn Hùng đề xuất, các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở như sau: Dân chủ trực tiếp, gồm quy định về việc người dân tham gia bầu lãnh đạo chính quyền địa phương; quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; quyền giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú... Dân chủ đại diện thông qua hoạt động giám sát của HĐND các cấp; vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng và Ban Công tác Mặt trận khu dân cư.
 
Đại biểu thảo luận sôi nổi, thẳng thắn
 
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cảm ơn các ý kiến phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, tâm huyết, phong phú, thực tiễn và khoa học của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật thực hiện dân chủ cơ sở. Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa, nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật cũng như các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện các nhóm chủ thể tác động để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật thực hiện dân chủ đạt chất lượng cao.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận. ẢNH: QUỐC HỘI
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận phiên thảo luận. ẢNH: QUỐC HỘI
 
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 151 ý kiến ĐBQH thảo luận tại tổ, trong phiên họp sáng 14/6 có 20 ĐBQH phát biểu ý kiến, có 3 ĐBQH tranh luận, không khí tranh luận sổi nổi, trí tuệ, dân chủ, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm cao, các ý kiến ĐBQH bao quát toàn diện các nội dung của dự án luật.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, qua thảo luận ý kiến của các ĐBQH nhất trí cao sự cần thiết phải ban hành dự án Luật quan trọng này, thống nhất với nhiều nội dung cơ bản của dự án luật. Đồng thời các đại biểu cũng phân tích, làm rõ thêm những nội dung còn có ý kiến khác nhau cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nữa và tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, bảo đảm tính thống nhất, khả thi của các quy định trong dự thảo Luật này nói riêng và các luật khác trong hệ thống pháp luật nói chung.
 
HOÀNG TÂN - HOÀNG ANH
 

.