Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh góp ý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng và Luật Kinh doanh bảo hiểm

10:05, 27/05/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 27/5, các ĐBQH nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); đồng thời tiến hành thảo luận ở hội trường về các dự thảo Luật. 
[links()]
Xem xét điều chỉnh một số nội dung dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)
 
Góp ý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Huỳnh Thị Ánh Sương cho rằng, việc ban hành Luật là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 
 
Về quy định điều kiện 100% cá nhân trong tập thể hoàn thành nhiệm vụ được giao trong việc xét danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, “đơn vị Quyết thắng” quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 27 dự thảo, theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, cần rà soát, xem xét điều chỉnh tỷ lệ cá nhân trong tập thể, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ để phù hợp với thực tế.
 
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. ẢNH: CẨM BÌNH
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh dự Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. ẢNH: CẨM BÌNH
Về nội dung điều kiện “Tập thể lao động xuất sắc” đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các hội, đoàn thể tỉnh, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện thuộc tỉnh để làm tiêu chuẩn xét tặng Huân chương các loại, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị xem xét theo hướng quy định tiêu chuẩn tập thể “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” được cơ quan có thẩm quyền công nhận thay cho tiêu chuẩn được công nhận “Tập thể lao động xuất sắc” để xét tặng huân chương các loại nhằm vừa đảm bảo tiêu chí, điều kiện, vừa phù hợp với thực tiễn, quy định về thủ tục và thống nhất thực hiện.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). ẢNH: QUỐC HỘI
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên thảo luận về Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). ẢNH: QUỐC HỘI
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) đã nhiều lần được cơ quan trình, cơ quan thẩm tra tổ chức xin ý kiến. Hôm nay tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, góp ý sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện rõ chính kiến của ĐBQH, có nhiều góp ý cụ thể xuất phát từ thực tiễn.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của các ĐBQH, hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
 
Cần điều chỉnh quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm
 
Phát biểu ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh, bày tỏ thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo Luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. 
 
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh, thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh, thảo luận dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). ẢNH: CẨM BÌNH
Liên quan đến nội dung về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề nghị bổ sung nội dung về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và thỏa thuận mức độ rủi ro là thành phần chủ yếu trong hợp đồng bảo hiểm. Vì hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng mẫu do bên bảo hiểm chủ động đưa ra. Do đó, các điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc các thỏa thuận đưa ra yêu cầu điều chỉnh nội dung hợp đồng khi có yếu tố làm thay đổi mức độ rủi ro như tại Điều 23 thường theo hướng có lợi cho bên bảo hiểm. 
 
“Nếu bên mua bảo hiểm không thỏa thuận kỹ về các nội dung này thì sẽ không dự lượng hết những rủi ro, dẫn đến khi xảy ra tình huống dẫn đến hủy hợp đồng quy định tại Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng quy định tại Điều 23, thì bên mua bảo hiểm sẽ chịu nhiều thiệt thòi”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương nói.
 
Do vậy, đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho rằng, cần điều chỉnh quy định về nội dung chủ yếu của hợp đồng bảo hiểm để các bên thỏa thuận phù hợp với từng đối tượng bảo hiểm, đảm bảo nguyên tắc minh bạch, thiện chí, tự nguyện, bình đẳng giữa các bên trong giao dịch dân sự.
 
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). ẢNH: QUỐC HỘI
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành Phiên thảo luận về Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). ẢNH: QUỐC HỘI
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm, tính chủ động, sự nỗ lực của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo, sự tham gia tích cực của các cơ quan hữu quan trong quá trình nghiên cứu, tiếp thu, giải trình. Cơ bản các vị ĐBQH nhất trí với báo cáo chỉnh lý, giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều nội dung của dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
 
Đối với 2 vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án để ĐBQH thảo luận, Đoàn Chủ tịch thấy còn một số ý kiến khác nhau, nên đề nghị các ĐBQH tham gia đóng góp ý kiến bằng văn bản với 2 vấn đề này.
 
Vì đây là một luật có tính chuyên môn cao, khó, phức tạp cả về khái niệm, phạm vi tác động đến nhiều đối tượng, dễ có cách hiểu khác nhau. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các cơ quan chuyên môn tổng hợp đầy đủ các vị ĐBQH và tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này.
 
CẨM BÌNH - HOÀNG ANH
 
 
 
 

.