Góp ý dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

07:05, 31/05/2022
.
(Baoquangngai.vn)- Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, chiều 31/5, Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy đã chủ trì Phiên thảo luận tại tổ, để cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
[links()]
Bổ sung biện pháp để bảo đảm an toàn cho người bị bạo hành 
 
Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, cần thiết phải bổ sung quy định về vấn đề bạo lực đối với đối tượng người thiểu số tính dục (nhóm LBGTQ+, bao gồm những người đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới, liên giới tính, đa dạng giới...), nhằm đảm bảo quyền con người theo Hiến pháp 2013. 
 
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An tham gia thảo luận.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Thị Hồng An tham gia thảo luận. ẢNH: CẨM BÌNH
 
Việc bổ sung đối tượng áp dụng là người nước ngoài cư trú ở Việt Nam tại Khoản 2, Điều 2, theo đại biểu Trần Thị Hồng An là điểm mới, bảo đảm phương pháp tiếp cận dựa trên quyền con người, tuy nhiên chưa thuyết minh đầy đủ trong hồ sơ. Để đảm bảo tính khả thi của dự án Luật trong việc áp dụng các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú ở Việt Nam (do sự khác biệt về văn hóa, lối sống, rào cản về ngôn ngữ), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa các quy định áp dụng cho người nước ngoài cư trú ở Việt Nam liên quan đến các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình mà chưa đến mức bị xử lý hành chính hoặc hình sự…
 
Góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị, Khoản 1 cần bổ sung đối tượng tham gia hòa giải là “các thành viên trong gia đình” cho đầy đủ và rõ nghĩa.
 
Theo đại biểu Vũ Thị Liên Hương, tại Khoản 5, Điều 33 dự thảo Luật quy định: “Người bị cấm tiếp xúc phải giữ khoảng cách với người bị bạo lực gia đình trong suốt thời gian áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc từ 50m trở lên, trường hợp có vật ngăn cách bảo đảm an toàn cho người bị bạo lực gia đình thì không áp dụng khoảng cách tối thiểu”. Tuy nhiên, theo Khoản 2, Điều 41 quy định: “2. Cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình bao gồm: a) Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng dân cư; b) Cơ sở khám bệnh, cơ sở chữa bệnh; c) Cơ sở trợ giúp xã hội; d) Trung tâm trợ giúp pháp lý; đ) Các cơ sở khác”.
 
“Như vậy, đối với trường hợp gia đình và các đối tượng bạo lực, bị bạo lực có nhà, nơi sinh hoạt gần các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình, thì việc quy định khoảng cách “từ 50m trở lên” hoặc dù ở nơi cách xã hơn 50m, nhưng nếu không có biện pháp hỗ trợ cũng sẽ khó đảm bảo an toàn cho người bị xâm hại. Vì vậy, quy định chỉ về khoảng cách là chưa đầy đủ. Đề nghị nghiên cứu bổ sung các biện pháp đối với quy định cấm tiếp xúc để bảo đảm an toàn cho người bị bạo hành, ví dụ: Như hình thức quản thúc người bạo lực, hay bố trí lực lượng bảo vệ người bị hại...”, đại biểu Vũ Thị Liên Hương đề xuất.
 
Các đại biểu Quốc hội tham gia họp tổ vào chiều 31/5. ẢNH: CẨM BÌNH
Các đại biểu Quốc hội tham gia họp tổ vào chiều 31/5. ẢNH: CẨM BÌNH
 
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương cũng đặt vấn đề, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền ở cấp xã thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động có liên quan đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn xã sẽ do cấp huyện hay cơ quan, tổ chức nào thực hiện? Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật.
 
Cụ thể các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở 
 
Góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng nêu rõ các quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ cần phải thể chế hóa một cách đầy đủ trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa thể chế hóa một các đầy đủ các quan điểm trên. Trong đó, có phương châm “dân thụ hưởng”; vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân… Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục thể chế hóa các nội dung trên.
 
Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh (bên phải), tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. ẢNH: CẨM BÌNH
Phó Chánh án TAND tỉnh Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh (bên phải), tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. ẢNH: CẨM BÌNH
 
Theo đại biểu Lương Văn Hùng, Điều 1 dự thảo Luật quy định phạm vi điều chỉnh Luật gồm 3 vấn đề lớn: Nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, dự thảo Luật chỉ quy định hình thức công khai, lấy ý kiến nhân dân, hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân chứ chưa quy định một các chính thức về hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung 1 điều luật quy định về “Hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở”. 
 
Cụ thể như sau:  “Điều 4. Các hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở. 1. Dân chủ trực tiếp, gồm: a) Nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch UBND cấp xã những nơi thực hiện mô hình chính quyền địa phương nếu đủ điều kiện; b) Quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; c) Quyền giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú… 2. Dân chủ đại diện thông qua: a) Hoạt động giám sát của HĐND các cấp; b) Vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã; c) Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; d) Ban Công tác Mặt trận khu dân cư.
 
CẨM BÌNH
 

.