Khẩn trương triển khai các biện pháp để ứng phó với bão số 5

12:09, 11/09/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Sáng 11/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh để triển khai công tác ứng phó bão số 5. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh Trần Phước Hiền chủ trì cuộc họp tại điểm cầu UBND tỉnh. 
[links()]
 
Theo Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Nhâm Xuân Sỹ, hồi 7 giờ ngày 11/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 110,4 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Trị -Quảng Ngãi khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
 
Tại Quảng Ngãi, do ảnh hưởng của bão số 5 tại trạm đảo Lý Sơn đã có gió mạnh cấp 7, giật cấp 10; tại Dung Quất có gió cấp 6, giật cấp 7. Lượng mưa 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh phổ biến trong khoảng 80-150 mm, riêng huyện đảo Lý Sơn 244mm.
 
Dự báo, ngày và đêm nay, vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn) có gió cấp 7-8, giật cấp 9 - 10, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 11-12; sóng biển cao từ 4,0 -5,0m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển có gió cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10, đặc biệt lưu ý huyện Bình Sơn và TP.Quảng Ngãi.
 
Trong đất liền từ nay đến ngày 12/9, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 150-300mm/đợt, phía Bắc tỉnh từ 200-400 mm.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
 
Với dự báo trên, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh xác định vùng trọng điểm ảnh hưởng của bão số 5 được xác định là 22 xã ven biển và huyện Lý Son. Trong đó, vùng có nguy cơ cao chịu gió mạnh là các xã ven biển thuộc huyện Bình Sơn, TP.Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn. Tại huyện Lý Sơn theo báo cáo địa phương đã sẵn sàngg phương án di dời 145 hộ dân/375 nhân khẩu khi co yêu cầu.
 
Trọng điểm mưa lớn có nguy cơ gây sạt lở đất, lũ quét là các xã thuộc huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng. Qua rà soát, tại các địa phương này có 43 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Hiện các huyện đang rà soát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở cao và sẵn sàng triển khai di dời, sơ tán dân theo phương án đã được phê duyệt gồm 2.101 hộ/8.064 khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ cao.
 
Về công tác tàu thuyền, theo báo cáo nhanh của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, tính đến 6 giờ sáng nay, số tàu cá của tỉnh đang hoạt động trên các vùng biển là 289 tàu/3.438 lao động. Tất cả các tàu đều đã nhận được thông tin về hướng di chuyển của bão. Tại các bến neo đậu của tỉnh, hiện có trên 5.600 tàu cá trong và ngoài tỉnh đang neo đậu tránh trú bão. Trong đó, neo đậu tại các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá trên địa bàn tỉnh là 1.718 tàu và 51 lồng nuôi thuỷ sản.
 
Tàu vào bờ tránh trú bão và tranh thủ bán hải sản
Tàu vào bờ tránh trú bão và tranh thủ bán hải sản
 
Sau khi nắm tình hình từ các địa phương, đơn vị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh Trần Phước Hiền nhấn mạnh, bão số 5 diễn biến rất phức tạp, chính vì vậy, yêu cầu các địa phương, đơn vị cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để triển khai ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra; tuyệt đối không chủ quan lơ là. Đặc biệt, việc ứng phó với bão, lũ năm nay có nhiều điểm mới khác với các năm, đó là thực hiện nhiệm vụ kép “2 trong 1” vừa phòng, chống bão vừa phòng, chống dịch Covid-19. Lưu ý các sở ngành, địa phương phải có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ song song này.
 
Yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh, các sở ngành, địa phương sau cuộc họp khẩn trương xuống địa bàn được phân công, nhất là các địa bàn trọng điểm đã được xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, sạt lở đất để kiểm tra, hỗ trợ cơ sở triển khai các công việc liên quan theo phương án đã được phê duyệt, hoàn thành công tác này trước 15 giờ ngày 11/9/2021.
 
Các cơ quan chức năng và địa phương ven biển giữ liên lạc với tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để tránh trú; tổ chức hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền tại các bến đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi có sóng, gió lớn. Trong đó lưu ý việc tàu vận tải biển, tàu cá ngư dân neo đậu khu vực cửa Sa Cần, vùng biển Dung Quất phải đảm bảo an toàn. 
 
Đối với các ngư dân ngoài tỉnh và trong tỉnh đưa phương tiện vào bờ neo đậu có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch Covid-19, yêu cầu các lực lượng chức năng và địa phương phải tổ chức xét nghiệm test nhanh Covid-19, thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch tại khu riêng biệt, đảm bảo các vấn đề về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu, vệ sinh, y tế đối với các khu tập trung ngư dân này.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đề nghị Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh, các cơ quan truyền thông theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin thường xuyên, kịp thời về diễn biến bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất để lãnh đạo tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN các cấp và người dân biết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa, bão. Các địa phương tăng cường công tác thông tin về mưa, lũ và các biện pháp phòng, tránh lũ, sạt lở đất đến từng khu dân cư để người dân chủ động thực hiện. Sẵn sàng vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời tổ chức ứng phó thiên tai theo phương án đã được phê duyệt...
 
Sau cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 5 tại một số địa phương ven biển của tỉnh.
N.ĐỨC- M.HOA

 


.