Sức mạnh của tinh thần đoàn kết (Kỳ 2)

04:10, 25/10/2022
.

 

(Baoquangngai.vn)- Với vị trí chiến lược quan trọng của Ba Tơ, nên địch bố trí lực lượng và phương tiện đáng kể nhằm bảo vệ phòng tuyến này. Để phá vỡ mắt xích trong hệ thống phòng thủ của địch, với quyết tâm giải phóng Ba Tơ, quân và dân ta đã phải trải qua cuộc chiến đấu kéo dài 45 ngày đêm mới tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân địch nơi đây. Trong cuộc chiến khốc liệt này, thêm một lần nữa tình quân dân lại tỏa sáng.

Sau 45 ngày đêm (từ 15/9 - 30/10/1972), quân và dân Ba Tơ đã dũng cảm kiên cường phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực liên tục tấn công và giành thắng lợi hoàn toàn. Chiến thắng Ba Tơ năm 1972 đã ghi thêm vào lịch sử tỉnh Quảng Ngãi một chiến công vang dội. Trận đánh tiêu diệt chi khu quận lỵ Ba Tơ và trung tâm biệt kích Đá Bàn là trận đánh tiêu diệt lớn, đánh diệt gọn cứ điểm lớn bao gồm cả quản lý, chi khu phòng thủ rất kiên cố của địch. Ta đã giáng một đòn mạnh, làm rung chuyển hệ thống phòng ngự chiến thuật của địch, góp phần giải phóng hoàn toàn huyện đầu tiên của Quảng Ngãi.

 
Tại phòng trưng bày các tư liệu về Chiến dịch giải phóng Ba Tơ, ở Trung tâm Văn hóa và Giáo dục cộng đồng huyện Ba Tơ, có một lá cờ mang dòng chữ “Hy sinh vì Tổ quốc - Quyết giải phóng Ba Tơ” đã nhuốm màu thời gian. Đây là tinh thần quyết tâm của Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi gửi gắm, động viên đơn vị chủ lực của Quân khu 5, trực tiếp là Trung đoàn 52 Tây Tiến tham gia trận đánh giải phóng Ba Tơ vào tháng 10/1972.
 
Ông Vũ Tùng Vi, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ phụ trách phía trước trong Chiến dịch giải phóng Ba Tơ kể lại, sau một thời gian Quân khu 5 điều động Trung đoàn 52 Tây Tiến vào Ba Tơ chuẩn bị chiến trường cho chiến dịch giải phóng, thì đến chiều 14/9/1972, Phó Tư lệnh Quân khu 5 Võ Thứ chuẩn bị phát lệnh tấn công. Lúc bấy giờ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi Trần Đình Triển cùng tham gia Lễ xuất quân của lực lượng Quân khu 5 đã thay mặt cho Tỉnh ủy Quảng Ngãi trao lá cờ “Hy sinh vì Tổ quốc - Quyết giải phóng Ba Tơ” cho Trung đoàn 52 Tây Tiến. Đồng chí Chỉ huy Trung đoàn nhận lá cờ, hứa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
 
“Đồng chí Võ Thứ quán triệt chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy 5 giao cho Trung đoàn 52 Tây Tiến nhiệm vụ phải giải phóng cho được Ba Tơ trong thời gian sớm nhất. Lúc đó, chúng tôi nhận thấy Quân khu 5 đã hạ quyết tâm giải phóng Ba Tơ. Lực lượng của Quân khu được triển khai khá lớn, để phục vụ cho chiến dịch giải phóng Ba Tơ”, ông Vi nhớ lại. 
    
Trong những ngày mở đầu chiến dịch, trên địa bàn huyện Ba Tơ mưa tầm tã gây lũ lớn. Tình hình chiến sự diễn ra rất ác liệt. Nhắc về chiến dịch 50 năm trước, cựu chiến binh Trần Thanh Cầm, hiện ở tổ dân phố Nam Hoàn Đồn, thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), vẫn nhớ như in những khó khăn mà quân giải phóng phải đối mặt. Khi ấy, ông Cầm là đội viên tham gia Đội công tác phía trước trong Chiến dịch giải phóng Ba Tơ năm 1972. Ông Cầm nhớ lại, tôi được phân công tham gia với Đại đội 6, Trung đoàn 52 Tây Tiến. Đơn vị của tôi đánh vào ấp Hoàn Đồn. Chúng tôi bám trụ, đánh địch một ngày một đêm tại trận địa. 
 
Diễn biến vô cùng ác liệt, quân địch thả bom cày nát hết khu vực nơi đơn vị chúng tôi bám trụ. Trung đoàn 52 Tây Tiến phải tăng cường lực lượng, quyết tâm đánh thắng địch trên hướng tấn công phụ trách. Ngày 16/9/1972, đơn vị chúng tôi phải vượt suối Nước Ren, người sau bám lưng người trước để vượt suối đang nước lớn trong đêm tối. Sáng hôm sau, chúng tôi dồn toàn bộ hỏa lực tấn công vào quận lỵ Ba Tơ. Sau đó, chúng tôi tiếp cận khu vực Hoàn Đồn, đưa người dân nơi đây ra khu giải phóng.
 
Cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê (bên phải) cùng đồng đội thăm lại Di tích Chiến thắng Đá Bàn, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ).  Ảnh: HỮU PHÁT
Cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê (bên phải) cùng đồng đội thăm lại Di tích Chiến thắng Đá Bàn, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ). Ảnh: HỮU PHÁT
Nhìn những hình ảnh, kỷ vật tại phòng trưng bày các tư liệu về Chiến dịch giải phóng Ba Tơ, cựu chiến binh Đinh Ngọc Đê cứ ngỡ trận chiến đấu với quân thù như mới diễn ra hôm qua. Trong trí nhớ của người lính già, nguyên Đại đội phó Đại đội 298, những cuộc tiến công của quân ta ngày ấy luôn có sự đồng lòng, góp sức của người dân địa phương.
 
Ông Đê kể, đơn vị chúng tôi được cấp trên điều động 2 trung đội tiếp viện cho Chiến dịch giải phóng Ba Tơ. Tôi cùng với du kích các xã Ba Giang, Ba Tô bao vây địch phía tây quận lỵ Ba Tơ. Thực lực của địch tại Ba Tơ lúc đó rất mạnh, nên cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. “Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, quân dân một lòng, Chiến dịch giải phóng Ba Tơ cuối cùng đã thành công”, ông Đê nói với giọng đầy tự hào.
 
Nhắc về chiến thắng Ba Tơ cách đây 50 năm, GS.TS, Đại tá Lương Minh Cao, nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 52 Tây Tiến khẳng định, giá trị lịch sử to lớn và vô cùng sâu sắc của giải phóng Ba Tơ là tình đoàn kết, gắn bó giữa Trung đoàn 52 Tây Tiến với quân dân Ba Tơ. “Những hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí các chiến binh Trung đoàn 52 Tây Tiến là hình ảnh các chị, các mẹ, nam nữ thanh niên cùng nhau chăm lo cho bộ đội, xung phong tải đạn, chuẩn bị lương thực cho bộ đội tiến công. Giữa nguy nan, nhưng tiếng cười luôn rộn ràng, ánh mắt ai cũng lạc quan và luôn tin vào chiến thắng. Vậy mới thấy, lòng dân Ba Tơ là “an toàn khu” quan trọng nhất của mỗi người lính sống và chiến đấu nơi đây”, Đại tá Cao bộc bạch.
 
Cũng theo Đại tá Cao, dù đã đi qua nhiều vùng đất, chiến đấu trên khắp các chiến trường, nhưng khi nghe 2 từ “mắm cái” là tôi nghĩ ngay đến Ba Tơ, đến Quảng Ngãi. “Sau khi đánh chiếm Ba Tơ, Trung đoàn 52 Tây Tiến đã phải điều chỉnh ngay đội hình từ tiến công sang phòng ngự để giữ vững Ba Tơ cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
 
Hơn 2 năm đóng quân tại đây, chúng tôi được người dân nhường cơm sẻ áo. Và mắm cái, đặc sản của vùng biển Quảng Ngãi, luôn được các chị, các mẹ cho bộ đội rất nhiều”, Đại tá Cao giải thích. Nhắc đến đây, đôi mắt Đại tá Cao bỗng rưng rưng. “Sau những trận chiến đấu ác liệt, chúng tôi trở về gặp các mẹ. Câu đầu tiên chúng tôi nghe thấy từ đôi môi đang móm mém nhai trầu là đứa nào còn, đứa nào mất vậy con”, giọng vị đại tá già run run kể.
 
Năm 1972, ông Phạm Thanh Nghìn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, vừa tròn 16 tuổi. Ngày ấy, chàng trai trẻ người Hrê này dạy học tại xã Ba Cung (Ba Tơ). Nhớ về những ngày diễn ra Chiến dịch giải phóng Ba Tơ, ông Nghìn kể với giọng đầy hào hứng. Ngày ấy, ông Nghìn là thầy giáo “2 trong 1”, khi ông được bộ đội ta tin tưởng, cấp cho một khẩu súng, nên ông vừa dạy, vừa làm du kích. Những đêm mưa lớn, trời tối đen như mực, bộ đội ta khó xác định hướng di chuyển. Là người địa phương, ông Nghìn rất rành đường nên đã trực tiếp dẫn bộ đội làm công tác thông tin liên lạc đến những vị trí thuận lợi để truyền thông tin. “Với vùng rừng núi, sông suối dày đặc, hiểm trở như Ba Tơ, khi bộ đội chủ lực tác chiến trên địa bàn, thì sự hỗ trợ của lực lượng tại chỗ, đồng bào địa phương rất quan trọng. Có thể nói, sự đùm bọc, chở che và tiên phong dẫn đường của đồng bào các dân tộc huyện Ba Tơ đã góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt”, ông Nghìn bày tỏ.
 
Trong Chiến dịch giải phóng Ba Tơ, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ và người dân đã không tiếc xương máu để làm nên chiến thắng lịch sử. Câu chuyện của mỗi người từng góp mặt trong chiến dịch này sẽ làm dày thêm trang sử hào hùng của quê hương và giúp chúng ta thêm hiểu, vì sao lực lượng cách mạng luôn đứng vững trên mảnh đất này.
 
Nội dung: H.TRIỀU - H.ANH - X.THIÊN
Thiết kế, trình bày: L.H
 
-------------------
Kỳ cuối: Sáng mãi hào khí Ba Tơ
 
 
[links()]
 
 
Xuất bản lúc: 04:10, 25/10/2022