Sức mạnh của tinh thần đoàn kết (Kỳ 1)

05:10, 24/10/2022
.

 

(Baoquangngai.vn)- Giải phóng huyện Ba Tơ vào ngày 30/10/1972 mang tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn. Chiến thắng cách đây nửa thế kỷ đã để lại nhiều bài học giá trị, tô thắm truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân các dân tộc Quảng Ngãi trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết để làm nên những trang sử vàng.
[links()]

 

Ba Tơ, nơi ra đời của Đội du kích Ba Tơ huyền thoại, tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5; là nơi diễn ra Cuộc khởi nghĩa lịch sử vào ngày 11/3/1945. Năm 1972, quân và dân huyện Ba Tơ phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu 5 chiến đấu quyết liệt với địch, giải phóng huyện nhà, trở thành một trong những huyện giải phóng sớm nhất ở miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 
  
GS.TS, Đại tá Lương Minh Cao - nguyên Tham mưu trưởng Trung đoàn 52 Tây Tiến, là người tham gia giải phóng Ba Tơ. Đã 50 năm trôi qua, từ lúc còn là người lính trẻ, sôi nổi, hăng hái tham gia vào những cuộc chiến sinh tử với kẻ thù, nay đã ngoài 75 tuổi, nhưng khi nhắc đến 2 từ “Ba Tơ”, vẫn làm ông luôn bồi hồi, xúc động. Với vị đại tá già này, Ba Tơ như quê hương thứ 2 của ông, với bao kỷ niệm không thể xóa nhòa.
 
Ảnh: Tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Ảnh: Tư liệu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Khi được hỏi vì sao Ba Tơ là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử Quân khu 5 và của Quảng Ngãi, Đại tá Lương Minh Cao lý giải, Ba Tơ có vị trí địa lý quân sự rất đặc biệt. Từ Ba Tơ có thể đi Minh Long, Giá Vực (Quảng Ngãi), An Lão (Bình Định). Từ vùng rừng núi hiểm trở này có thể khống chế khu vực đồng bằng Mộ Đức, Đức Phổ, Tư Nghĩa và TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi). Hơn nữa, Ba Tơ nằm giữa thung lũng rộng khoảng 3 - 5km, xung quanh là các dãy núi cao Động Ta, Cao Muôn, Nước Niên... bao bọc. “Quân khu 5 thấy rõ giá trị của quận lỵ Ba Tơ về mặt quân sự; đồng thời cũng thấy được những khó khăn khi ta xác định mục tiêu, sử dụng lực lượng và cách đánh trong điều kiện địa hình sông núi hiểm trở”, Đại tá Cao chia sẻ.
 
Khoanh một vòng tròn đỏ trên bản đồ huyện Ba Tơ, ông Vũ Tùng Vi - nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Tơ phụ trách phía trước trong Chiến dịch giải phóng Ba Tơ bảo rằng, giải phóng Ba Tơ là quyết tâm của Khu ủy 5, bởi Ba Tơ là địa bàn có ý nghĩa to lớn với Quân khu 5. Ba Tơ là cửa ngõ nối các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên. Nơi đây tiếp giáp với Bình Định, Kon Tum. Rồi từ Ba Tơ có thể khống chế đồng bằng Đức Phổ, Mộ Đức, chia cắt đường số 1. “Trong kháng chiến chống Mỹ, Ba Tơ án giữ đường vận chuyển chiến lược từ miền Bắc vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Vì vị trí quan trọng của Ba Tơ, nên Quân khu 5 quyết tâm giải phóng địa phương này. Điều này sẽ góp phần khơi thông tuyến đường từ Bắc vào Nam, chuyển cán bộ cách mạng và phương tiện, vũ khí đến các tỉnh Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước về sau”, ông Vi nhấn mạnh.
  
Cùng với vị trí quan trọng về thế trận chiến lược quân sự, vùng đất Ba Tơ là nơi sinh sống của phần lớn đồng bào Hrê, một dân tộc có bề dày chinh phục tự nhiên và không chịu khuất phục trước mọi khó khăn, gian khổ. Điều đó lý giải vì sao Ba Tơ là nơi khởi đầu cho phong trào khởi nghĩa trong kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự ra đời của Đội du kích Ba Tơ, tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5 và là địa phương đầu tiên của Quảng Ngãi và Khu 5 được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc. Thực tiễn chiến tranh đã minh chứng, dù quân địch có mạnh đến đâu, được bố trí phòng thủ chặt chẽ bằng việc thành lập các ấp dồn dân, tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng, nhưng cũng không thể nào dập tắt được tinh thần bất khuất, một lòng theo cách mạng của đồng bào Hrê.
 
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Ba Tơ có vai trò rất quan trọng đối với cách mạng.  Trong ảnh: Thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) hôm nay nhìn từ trên cao.        Ảnh: T.TRUNG
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, huyện Ba Tơ có vai trò rất quan trọng đối với cách mạng. Trong ảnh: Thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) hôm nay nhìn từ trên cao. Ảnh: T.TRUNG
Theo Đại tá Lương Minh Cao, đã tròn nửa thế kỷ trận đánh Ba Tơ đi vào lịch sử, nhưng trên giáo án, giảng đường hay các công trình nghiên cứu quân sự, Chiến dịch giải phóng Ba Tơ luôn được minh chứng cho bài học về nghệ thuật tác chiến, cũng như tình nghĩa quân dân son sắt.
 
Vị đại tá đã ngoài 75 tuổi cho hay, trong chiến dịch giải phóng Ba Tơ, bộ đội địa phương và du kích Ba Tơ kết hợp với các “đội công tác” luôn trao đổi tình hình địch, bàn bạc và phối hợp tác chiến chặt chẽ. Các mũi tiến công đều có du kích dẫn đường và tham gia tác chiến, giúp cho Trung đoàn 52 Tây Tiến làm nên chiến thắng. “Mùa mưa, nước sông dâng cao, được tin bộ đội địa phương thiếu lương thực, dù Trung đoàn 52 Tây Tiến cũng gặp khó khăn, nhưng đã san sẻ lương thực “no đói có nhau”. Trung đoàn 52 Tây Tiến còn gửi tặng bộ đội địa phương Ba Tơ súng cối 60 ly, B40 và đạn dược để cùng nhau tác chiến. Sống trong sự đùm bọc của nhân dân, đoàn kết gắn bó quân dân, đó chính là sức mạnh to lớn để có được chiến thắng này”, Đại tá Cao nhớ lại.
 
Tình quân dân keo sơn cũng được ông Vi nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Ông Vi bảo, sự đùm bọc, sẻ chia của đồng bào Hrê đã tiếp thêm động lực cho những người lính “quyết chiến, quyết thắng”. “Ngày đó, huyện Ba Tơ bị địch rải chất độc hóa học, trồng cây gì cũng khó, người dân thiếu thốn mọi bề. Thế nhưng, khi cần thì người dân luôn sẵn sàng mang thức ăn ít ỏi còn lại ra giúp đỡ bộ đội ta. Cùng với đó, hàng nghìn người dân tham gia tải lương thực, tải đạn phục vụ trận chiến. Đoàn kết quân dân luôn là yếu tố quan trọng cho thắng lợi”, ông Vi đúc kết.
 
Trong các cuộc trò chuyện với ông Phạm Viết Nho, khi ông còn là Bí thư Huyện ủy Ba Tơ hay lúc đã nghỉ hưu, “lòng dân” luôn là từ ông tâm đắc nhất. Ông dẫn chứng, năm 1970, đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ đồng lòng tự nguyện xin Thủ tướng Phạm Văn Đồng được đổi họ của mình thành họ Phạm để tỏ lòng tôn kính đối với một người con của quê hương Quảng Ngãi, một người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Tự hào được mang họ Bác Phạm Văn Đồng, đồng  bào Hrê ở huyện Ba Tơ đã đoàn kết một lòng, chung tay chiến thắng kẻ thù và xây dựng cuộc sống mới.
 
“Từ khi mang họ Bác Phạm Văn Đồng, đồng bào dân tộc Hrê ở Ba Tơ đã thực hiện lời dặn dò của cố Thủ tướng mỗi lần về thăm là: Đoàn kết một lòng theo Đảng, Bác Hồ cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước”, ông Nho bày tỏ.
 

 Phát huy truyền thống anh hùng

 

Người dân trong tỉnh xem những hình ảnh tư liệu về giải phóng Ba Tơ được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa và Giáo dục cộng đồng huyện Ba Tơ. Ảnh: BẢO MINH
Người dân trong tỉnh xem những hình ảnh tư liệu về giải phóng Ba Tơ được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa và Giáo dục cộng đồng huyện Ba Tơ. Ảnh: BẢO MINH
Trong căn nhà sàn rợp bóng cây xanh ở thị trấn Ba Tơ, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Thanh Nghìn không giấu được niềm tự hào khi huyện chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng. Trong câu chuyện của ông, truyền thống anh hùng của quê hương luôn được nhắc đến đầy trân trọng. “Những chiến công trong công cuộc giải phóng dân tộc và thành tựu trong xây dựng quê hương luôn có dấu ấn của sự phát huy truyền thống anh hùng, bắt đầu từ khởi nghĩa Ba Tơ”, ông Nghìn nhấn mạnh.
 
Tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ công nhận 6 xã, thị trấn của huyện Ba Tơ, gồm: Ba Chùa (nay đã sáp nhập vào thị trấn Ba Tơ và xã Ba Dinh), Ba Động, Ba Giang, Ba Thành, Ba Vinh và thị trấn Ba Tơ là An toàn khu của Trung ương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Vinh dự này thêm một lần nữa khẳng định, Ba Tơ là địa bàn trọng yếu, nơi đã từng nuôi giấu, bảo vệ các chiến sĩ cách mạng, bảo vệ các cơ quan, tổ chức đảng.
Nội dung: H.TRIỀU - H.ANH - X.THIÊN
Thiết kế, trình bày: L.H
-------------
Kỳ 2: Quân dân một lòng
 
 
 
 
Xuất bản lúc: 05:10, 24/10/2022