Xây dựng văn hóa giao thông

09:11, 01/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Trên các tuyến đường, không khó để bắt gặp người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của một số người chưa cao...
 
[links()]
 
Tại khu vực trung tâm TP.Quảng Ngãi, có nhiều trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), nhất là tình trạng dừng xe chờ đèn đỏ tại các ngã tư, ngã ba.
 
Người đi xe máy ở đằng sau vọt lên phía trước “chễm chệ” đứng trên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Với ôtô thì có nhiều trường hợp đi vào đường cấm lưu thông vào các khung giờ tại một số tuyến đường có các trường học trên địa bàn TP.Quảng Ngãi như Phan Chu Trinh, Nguyễn Tự Tân, Trương Định...
 
Thực tế cho thấy, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân hiện nay chưa cao, nhất là đối với một bộ phận thanh niên mới lớn. Đây là những thanh niên thích thể hiện mình nên chạy xe lạng lách, đánh võng trên đường, không đội mũ bảo hiểm, chở 3 hay 4 người, vì thế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao. Ngoài ra, nhiều người tham gia giao thông “chỉ biết cho mình”, nên cứ thấy bất cứ chỗ trống là lại chen lên, cố đi vào... Rồi có nhiều trường hợp người đi bộ cũng vi phạm TTATGT, thản nhiên vượt đèn đỏ, sang đường một cách tùy tiện.
 
Thuật ngữ “văn hóa giao thông” đã hình thành từ rất lâu, cũng là cụm từ được rất nhiều người nhắc đến, từ người tham gia giao thông cho đến học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nhưng tham gia giao thông như thế nào để thể hiện sự văn hóa thì không phải ai cũng nắm rõ và thực thi nghiêm túc.
 
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, thì "văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo TTATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”.
 
Để giải quyết vấn đề tai nạn giao thông, ngoài các giải pháp về cơ sở hạ tầng, giảm mật độ phương tiện giao thông cá nhân, nhất thiết phải xây dựng văn hóa giao thông để hình thành thói quen giao thông văn minh. Tại Nghị quyết số 48/NQ-CP, Chính phủ đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025 là: "Kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm TTATGT vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp".
 
Quá trình xây dựng văn hóa giao thông văn minh, hiện đại đòi hỏi cần nhiều thời gian, với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương. Song, một yếu tố hết sức quan trọng hiện nay là mỗi một người dân phải tự nâng cao ý thức, tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác.
 
PHẠM DANH
 

.