Mộc mạc... vạn thọ

02:02, 02/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một loài hoa vàng ươm sắc nắng mang tên vạn thọ. Loài hoa ấy chỉ nở vào dịp Tết cổ truyền rồi bền bỉ giữ nguyên hương sắc cho đến tận tháng hai, nên thấy hoa là như thấy Tết ùa về...

Mộc mạc, giản dị và dễ trồng nên chưa năm nào hoa vạn thọ “lỗi hẹn” với người dân quê tôi. Dù có những năm thời tiết trở lạnh, mai không nở đúng mùa, hướng dương, thược dược cũng “đủng đỉnh” chờ hết Tết mới chịu trổ bông, thì vạn thọ vẫn cứ trung thành nở hoa đúng hẹn.

Nhớ ngày xưa, khi hoa Tết chưa nhiều như bây giờ, hoa vạn thọ từng là hoàng hoa một thuở. Tháng chín đi qua, tháng mười vừa tới, mọi người trong xóm đã í ới chia nhau hạt giống hoa về nhà gieo trồng. Ở miền Trung quê tôi, có một kinh nghiệm lưu truyền từ nhiều đời, rằng vạn thọ phải ươm hạt vào giữa tháng Mười thì hoa mới nở kịp ngay ngày đầu năm mới.

Mộc mạc, bình dị, hoa vạn thọ lặng lẽ đi qua bao mùa Tết và giữ nét chân quê cho không khí xuân quê nhà.                     Ảnh: Ý THU
Mộc mạc, bình dị, hoa vạn thọ lặng lẽ đi qua bao mùa Tết và giữ nét chân quê cho không khí xuân quê nhà. Ảnh: Ý THU


Hoa vạn thọ mộc mạc, chân quê, nên không cần chậu sành, sứ cầu kỳ, chỉ cần vài khoảnh đất trống trong vườn là đã đủ chỗ cho vạn thọ nảy mầm, vươn xanh. Chờ cho những chiếc lá hình răng cưa khẽ nảy mầm, vươn lên khỏi mặt đất, mọi người mới bắt đầu “tuyển” những cây đẹp cho vào chậu, số còn lại được mang đi vun trồng dọc sân vườn, hàng rào, cổng ngõ.

Tròm trèm một tháng nâng niu, khi vạn thọ cao gần bằng hai gang tay người lớn, người người, nhà nhà lại đồng loạt rủ nhau bấm đọt, tỉa bỏ hết các chồi con mọc quanh nách lá. Tỉ mỉ bấm từng ngọn vạn thọ xanh rì, nội tôi vừa trìu mến bảo tôi, trồng vạn thọ mà không “nỡ” bấm đọt, thì cây chẳng thể nào đẻ nhánh và ra hoa đều, đẹp. Hoa vạn thọ bình dân, dễ trồng thật đấy, nhưng để tạo được một cây hoa dáng đẹp, đẻ nhánh sum suê, thì cần phải có đôi tay của người yêu hoa giàu kinh nghiệm, tỉ mỉ ở khâu này...

Không phụ công người chăm bẵm, đợi chờ; vừa qua khỏi ngày rằm tháng Chạp, từng nụ hoa vạn thọ đã bắt đầu hé ra những cánh hoa vàng, cam... tươi tắn. Rồi chờ đến Tết sẽ nở bung tứ phía thành những đóa hoa vạn thọ tròn đầy, viên mãn rạng rỡ đón nắng xuân. Không chỉ góp sắc cho xuân, mùi thơm nồng nàn đặc trưng của lá, của hoa vạn thọ còn lặng lẽ theo gió thoảng đưa khắp đường làng, ngõ xóm.

Mùi vạn thọ quê nhà mộc mạc vậy đó, thế mà thơm suốt những năm tháng ấu thơ tôi. Đó là những ngày mà Tết đến, cả làng quê tôi chỉ toàn một màu hoa vạn thọ. Mùa hoa Tết trong tôi khi ấy không có nhiều loại hoa đủ mọi sắc màu như bây giờ, mà chỉ gói gọn trong những chậu vạn thọ vàng cam theo chân ông nội ra thăm mộ cuối năm, theo đôi bàn tay cha trịnh trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên, theo đôi bàn tay mẹ xinh xắn đặt trên bàn trà, bên cạnh khay đựng mứt thơm lừng, ấm cúng...

Rồi từng mùa xuân qua rất nhanh, bây giờ hoa vạn thọ không còn là loại hoa được nhà nhà trồng và chưng Tết phổ biến như ngày xưa nữa. Những ngày cuối tháng Chạp, đi ngang qua những chợ hoa, những gian hàng hoa vạn thọ cứ lặng lẽ, khiêm nhường bên những giống hoa đắt tiền, nhiều màu sắc. Dẫu vậy, vạn thọ vẫn là một loài hoa được nhiều nhà dành cho một vị trí trang trọng trên bàn thờ gia tiên, hoặc ngay trước cổng nhà để nghinh xuân.

Đứng giữa những chậu mai, phong lan sang trọng, kiêu sa, vạn thọ vẫn nổi bật lên với vẻ đẹp nhã nhặn, bình dị không lẫn đi đâu được. Cứ thế, vạn thọ lặng lẽ đi qua bao mùa Tết, lặng lẽ giữ nét chân quê cho ngày Tết bây giờ. Hương vạn thọ thanh tao, sắc vạn thọ mộc mạc như nhắc nhớ mọi người về giây phút đoàn viên, sum họp:“Ai ơi dẫu có đi xa/ Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng Mười"...

        Ý THU

 


.