Nhớ màu xuân cũ

02:02, 05/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Người cựu chiến binh đưa tôi lên đồi cỏ tranh lau lách. Gió đông thổi những lượt cuối trước khi kéo gió xuân tràn về. Trong gió lạnh và mưa phùn, chúng tôi đi mãi, qua những trảng rừng rộng, qua những con đường mòn một thời, nay đã đầy cỏ dại.

“Đây là trận địa diễn ra những trận đánh ác liệt của quân chủ lực trên địa bàn Đức Phổ - Quảng Ngãi từ Mậu Thân năm 68. Còn kia là nơi chúng tôi đưa anh em thương binh về để cõng lên Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Và dọc trên con đường đó cũng là nơi chôn cất anh em mình hy sinh” - người cựu chiến binh vừa nói và hồi tưởng.

Hoa xuân Nghĩa Hà.
Hoa xuân Nghĩa Hà.


Trên khắp đất nước, biết bao người lính đã ngã xuống khi còn rất trẻ. Bấm thời gian, các anh đã nằm lại với rừng 45 năm, vài năm nữa là tròn nửa thế kỷ, gần bằng một đời người. Cuộc sống  vẫn chảy mãi không ngừng. Chuyện của những người nằm xuống, có người nhớ, có người quên. Và nhà báo là những người lặn lội khắp nơi và đi rất xa để tìm kiếm những cuộc đời, những câu chuyện đã cũ, nhưng tên tuổi được lịch sử khắc ghi. Trên các trang báo Tết, tờ báo nào cũng không thể thiếu chuyện về những người đã hy sinh để giáo dục truyền thống, để tri ân, để tự hào về một thế hệ đã sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do. Vậy đó, nhà báo vẫn là những người đi níu giữ bao mùa xuân cũ.

“Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa/Một chiều xuân anh đã hẹn hò”, lời bài hát của cố nhạc sĩ Châu Kỳ, cũng là đề tài muôn thuở của nhà báo. Ngày xuân của hiện tại, trên phố hoa nở, muôn người khoe áo mới. Vậy nhưng, không thể thiếu những câu chuyện về mùa xuân cũ. Xuân Mậu Thân năm 1968, cả đất nước bùng nổ vì trong tiếng pháo là những tràng súng AK, rồi bao người lần lượt vào thành phố không còn quay về. Mùa xuân của những ngày đầu giải phóng sau năm 1975, đất nước còn bộn bề khó khăn, nhưng mọi nhà vẫn vui, sum họp và quây quần trong hương trà Ba Đình, đĩa kẹo Hải Châu, khói thuốc Tam Đảo.

Rồi mùa xuân của những năm bao cấp nối dài, dòng người xếp hàng trước cửa hàng bách hóa tổng hợp để mua đường, mua đậu. Lũ trẻ mặc áo cụt, đi chân đất, đầu không mũ, lao đi nhặt pháo lép. Xóm làng rộn rã âm thanh của ngày Tết. Đó là tiếng búa đóng bánh nổ chát chát; tiếng xạch xạch của cả xóm đánh trứng trong nồi để đổ bánh trái tim; tiếng dội xuống bàn ầm ầm của những gia đình nhồi bột bánh bó.

“Hôm qua em đi tỉnh về, hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, bài hát “Chân quê” được phổ thơ của Nguyễn Bính, cũng là câu chuyện của Tết…giờ đã bay đi ít nhiều. Nông thôn giờ nhang nhác giống phố. Phố đến tận mọi miền. Quê không còn nhiều hình ảnh Tết mộc mạc một thời. Vậy nên nhà báo cứ phải đi thật nhiều để tìm lại chuyện những mùa xuân cũ. Mùa xuân mà mỗi gia đình cùng hùn tiền mổ một con heo béo ú khoe nhau nghệ thuật đổ bánh nở toe, làm mứt trắng mịn… Thời cuộc sống gian khó, nhưng tình người thì rất ấm nồng.

“Nhà báo là thư ký của thời đại”, nhưng có lẽ, nhà báo còn là những người hoài niệm, tiếc nuối và níu giữ những mùa xuân cũ đang lững thững như bóng mây trôi qua cuộc đời này.


HÀ ANH
 


.