Góp thêm nét xưa cho phố thị vào xuân

09:01, 26/01/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Với những hình thức cho chữ khác nhau trong năm mới, các ông đồ đã và đang làm "sống dậy" những giá trị văn hóa của dân tộc, tô điểm thêm nét đẹp có từ xa xưa cho ngày xuân.

TIN LIÊN QUAN

“Sống dậy” nét văn hóa đẹp

Đã từng có thời gian, người ta gần như quên đi nét đẹp xin, cho chữ vào ngày Tết. Đó là khi hình ảnh ông đồ trở nên cô đơn, lạc lõng giữa dòng người trên phố mà nhà thơ Vũ Đình Liên đã từng nhắc đến: “Ông đồ vẫn ngồi đấy. Qua đường không ai hay…”

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nét đẹp này đang dần được những ông đồ “thời hiện đại” tái hiện lại ở các chợ hoa xuân. Thú xin chữ treo ngày Tết trở nên đơn giản hơn nhiều khi mọi người vừa có thể du xuân, dạo phố, vừa tìm đến “ông đồ” để gửi gắm những tâm tư, ước vọng trong năm mới.

Tại chợ hoa xuân Quảng Ngãi, vài năm trở lại đây thường xuyên xuất hiện những ông đồ trẻ, thu hút sự chú ý của đông đảo người đi du xuân dừng lại xem và xin chữ.

Những ông đồ này, đa phần là sinh viên Quảng Ngãi đang theo học tại các trường đại học khắp nơi trong cả nước, tranh thủ về quê ăn Tết để cho chữ.

Một ngày cuối tháng Chạp, mặc cho mưa gió thất thường, em Võ Đình Trọng, 23 tuổi, ở xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) vẫn cần mẫn đẩy chiếc xe thùng tự chế, tiện dụng, với đầy đủ các dụng cụ như giấy, mực để mang niềm vui đến cho khách.

 

Cận cảnh chữ của ông Bằng trên quả dưa hấu
Em Võ Đình Trọng cho chữ ở hội hoa xuân.

Trọng đang là sinh viên năm cuối, chuyên ngành kiến trúc dân dụng, Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Với vốn kiến thức được học tại trường cộng với năng khiếu trời phú, anh bạn không bỏ qua cơ hội được thể hiện niềm đam mê mãnh liệt của bản thân khi xuân về.

Trong bộ áo the, chân đi giày Tây, tay đút túi quần, tay viết thư pháp, Trọng mang phong cách của một ông đồ hiện đại. Trước khi đến với chợ hoa xuân, Trọng sưu tầm nhiều chữ có ý nghĩa về ngày Tết, về hiếu nghĩa với tổ tiên, cha mẹ, cuộc sống… để khách hàng tha hồ lựa chọn.

Sau khi khách chọn nội dung, thỏa thuận xong, Trọng ngồi vào chiếc bàn nhỏ mang theo, chỉ vài ba phút, bàn tay uyển chuyển đã kiến tạo nên từng con chữ như phượng múa rồng bay khiến người thưởng ngoạn thích thú.  

“Em cứ ngỡ hình ảnh ông đồ chỉ còn lại trong thơ của Vũ Đình Liên nhưng thật bất ngờ khi ông đồ xuất hiện ở quê mình. Em đã xin chữ về treo trong những ngày đầu năm mới gửi gắm ước mơ học hành đỗ đạt”, em Trần Quang Anh, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn phấn khởi nói.

Với các loại thư pháp được viết, vẽ bằng chữ Việt, trên các loại giấy với nhiều màu sắc, kích cỡ, Trọng khiêm tốn nhận lại khoảng 50 nghìn đồng. Không ít khách hàng còn mang cả tượng đá hoặc các đồ dùng trang trí trong nhà cần xin chữ đến để Trọng vẽ.

Theo Trọng, để viết được chữ thư pháp đẹp, em phải viết bằng cả tâm - ý - trí - lực. Với những ai yêu thích bộ môn này đều hiểu rằng thư pháp không chỉ rèn tay mà còn rèn cả tâm. Trọng  chủ yếu viết thư pháp bằng chữ Việt, bởi đây là chữ viết của dân tộc, dễ hiểu, dễ cảm, dễ nhớ và gần gũi với mọi người.

“Từ ngày viết thư pháp nhuần nhuyễn, năm nào về quê nghỉ Tết, em cũng nuôi ý định tái hiện hình ảnh ông đồ nhằm điểm xuyến thêm nét đẹp văn hóa Tết cho quê hương mình. Mặc dù không mang nặng hình thức kinh doanh, nhưng không ngờ, người đến mua và đặt chữ rất đông”, Trọng bộc bạch.

Biến tấu cùng thư pháp

Cùng với việc ghìn giữ nét đẹp của thư pháp bằng cách cho, xin chữ ở hội hoa xuân, những năm gần đây, phong trào khắc, vẽ chữ thư pháp trên quả dưa hấu được đông đảo người dân đón nhận. Đây là một trong những biến tấu đặc sắc của thư pháp trong nhịp sống hiện đại.

Ông Trương Anh Bằng, 60 tuổi, hiện đang sống ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi) là một ông đồ lâu năm, được nhiều người trong giới thư pháp đánh giá cao.

Ông Bằng tỉ mẫn với từng đường nét trên quả dưa hấu.
Ông Bằng tỉ mẫn với từng đường nét trên quả dưa hấu.

Ngoài việc tham gia vào các hội, nhóm thư pháp trong tỉnh, vào mỗi dịp Tết đến xuân về, ông Bằng vẫn hay cho chữ tại chợ hoa xuân, chùa Thiên Ấn, công viên Ba Tơ.

Cách đây 3 năm, trong một dịp tình cờ, phát hiện khả năng của ông, anh Nguyễn Thanh Tịnh, 38 tuổi, phường Lê Hồng Phong (TP.Quảng Ngãi) đã mời ông về vẽ chữ thư pháp tại cửa hàng dưa hấu của mình, ở đường Quang Trung. Nhờ vào tài năng bẩm sinh, kinh nghiệm trong nghề của ông Bằng mà cửa hàng của anh Tịnh luôn đông nghịt khách hàng.

Mỗi ngày, trung bình ông Bằng có thể vẽ trên 100 quả, bằng chất liệu sơn, kim tuyến, với các chữ  như: “Vạn sự như ý, phúc, lộc, thọ…” hay hình con gà, rồng, phụng tùy theo yêu cầu của khách.

“Ở đường Quang Trung này có nhiều cửa hàng bán dưa hấu và vẽ chữ như ông Bằng lắm nhưng tôi thích nét vẽ của ông Bằng hơn, nó vừa mềm mại, uyển chuyển phóng túng nhưng đầy cốt cách của một ông đồ lớn tuổi. Năm nào tôi cũng đặt hàng trước chục quả để vừa bày biện bàn thờ gia tiên và biếu nội, ngoại”, bà Lê Thị Cẩm Thành, 40 tuổi, phường Lê Hồng Phong cho biết.

Cận cảnh chữ của ông Bằng trên quả dưa hấu
Cận cảnh chữ "Phúc - Lộc - Thọ" của ông Bằng trên quả dưa hấu.

Tiền bán dưa theo ký thì cửa hàng ông Tịnh hưởng. Còn tiền vẽ chữ thư pháp ông Bằng nhận cho riêng mình. Với mỗi quả, ông Bằng nhận 40 nghìn đồng và kiếm được kha khá mỗi dịp Tết.

“Vừa được thõa mãn niềm đam mê, gìn giữ được cái nghề mình đã nuôi dưỡng, rèn luyện mấy chục năm, vừa có thêm thu nhập mà công việc lại không quá nặng nề hay di chuyển nhiều, chỉ cần ngồi một chỗ và vẽ chữ... tôi cảm thấy vui lắm. Bởi lẽ, sức khỏe của mình giờ không còn như thời trai tráng nữa”, ông Bằng nói.

Quảng Ngãi đang chuyển mình bước vào một mùa xuân mới, những ông đồ trẻ như Trọng hay lớn tuổi như ông Bằng vẫn đang nỗ lực mài giũa nét bút, tất bật cho chữ, góp thêm nét xưa cho phố thị lúc vào xuân.

Họ đã lặng lẽ tìm kiếm nguồn sáng tạo giữa những nét vẽ, đơn giản chỉ để môn nghệ thuật truyền thống không bị mai một đi trước cuộc sống hiện đại.


Bài, ảnh: Thiên Hậu



 


.