Thắm mãi sắc mai

10:02, 06/02/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mai là biểu tượng của sự may mắn, thịnh vượng. Vậy nên, mỗi độ Tết đến, xuân về, nhiều gia đình thường chọn cây mai để chưng trong nhà. Nhưng để cây mai có cơ hội khoe sắc vàng dịp Tết, ít ai biết được người trồng mai đã phải đánh vật với cái tính “đỏng đảnh” của loài hoa này như thế nào.

TIN LIÊN QUAN

Duyên nợ với mai

“Tôi họ Mai, tên Từ nhưng chẳng “từ” được mai. Nhiều lúc thấy nó khó trồng, tính nghỉ nhưng không đành”, ông Mai Văn Từ, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) trải lòng về nghề trồng mai.

 

Dù giá bán khá cao, nhưng hoa mai vẫn được nhiều khách hàng tìm mua mỗi khi Tết đến Xuân về.
Dù giá bán khá cao, nhưng hoa mai vẫn được nhiều khách hàng tìm mua mỗi khi Tết đến Xuân về.


Với những ai đã từng trồng hoặc chơi mai, sẽ hiểu được nỗi niềm của lão nông này. Bởi, mai không khó trồng nhưng lại dễ nở sai hẹn. Ngay như vườn mai thế nhà ông Từ, dù có đến 1.000 chậu nhưng chưa đến 150 chậu đơm búp, kịp khoe sắc Xuân Bính Thân này. So với một số loại hoa như cúc, hồng, thược dược, ly... thì tỷ lệ này quá thấp, hiệu quả kinh tế của mai vì thế cũng thấp hơn rất nhiều. Bởi, một chậu mai thế 7– 10 năm tuổi chỉ có giá năm trăm nghìn đến 1 triệu đồng, trong khi cúc đại đóa đã 300 – 500 nghìn đồng/chậu.

Tuy nhiên, theo ông Từ thì giá trị của mai phụ thuộc vào thế của nó cùng sự cảm nhận và độ “sành” mai mỗi người. Do vậy, mai của chưa bao giờ bị xếp đứng sau các loại hoa cúc, hồng hay ly. Đó chính là lý do mà gần 40 năm qua, ông Từ vẫn tỉ mẩn chăm bẵm loại hoa này. Từ mai tình, mai thịnh, mai dảo... đến mai bạch, tất cả chúng đều được ông Từ cẩn trọng cắt tỉa, sửa dáng, tạo thế đẹp, độc và lạ để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Thậm chí, ông còn tìm tòi chiết, rồi giâm ghép các loại mai với nhau để tạo những dòng mai ghép có màu sắc rất bắt mắt.

Để sắc mai mãi thắm

Dù là "thủ phủ" của mai nhưng hiện giờ xã Nghĩa Hiệp chẳng còn mấy người theo đuổi nghề trồng mai. Nếu có, cũng chỉ là những người cao tuổi vốn đã gắn bó với loại hoa này từ lâu. Như ông Lê Kiện, ở thôn Thế Bình. Dù đã bước sang tuổi 89, nhưng lúc nào vườn mai nhà ông cũng hơn 100 chậu, toàn những loại có thế độc và đẹp. Đã thế, ông Kiện còn mày mò nghiên cứu nhân giống mai đào – loại mai có màu hồng nhạt đang được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. “Trồng mai nhàn lắm. Chỉ tốn ít công tạo dáng và tỉa lá thôi. Nhưng để có một chậu mai đẹp, người trồng mai phải bỏ vào đấy cả tấm lòng”, ông Kiện chia sẻ.

Còn người hàng xóm của ông Kiện là ông Phạm Phổ, tuy bận rộn với 2.000 chậu cúc đại đóa nhưng vẫn dành thời gian chăm sóc, tạo thế bon – sai cho 300 chậu mai tình, mai thịnh của mình. Trong số này chỉ có 35 – 40 chậu mai kịp đón Tết, nhưng ông Phổ vẫn vui. “Trồng mai là vì cái thú chơi mai. Lắm khi thấy mai nở vàng rực, đẹp quá nên tôi không nỡ bán chậu nào, chỉ để ngắm thôi”, ông Phổ trải lòng.

Gắn bó với mai là thế nên ông Từ, ông Kiện hay ông Phổ luôn đau đáu với chuyện “giữ sắc” cho mai. Bởi, người chơi mai bây giờ không thiếu, nhưng lại thiếu người trồng. Nguyên nhân cũng vì cây mai phụ thuộc quá lớn vào thời tiết, tốn thời gian chăm sóc mà còn đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, đam mê cộng với một chút năng khiếu nghệ thuật. Do vậy, thay vì đánh vật với mai, ngày càng có nhiều người chọn trồng các loại hoa tươi vì dễ làm mà thu nhập lại cao. "Thương lái giờ họ tập trung vào mai của tỉnh Bình Định. Vì ở đó có hẳn một vùng chuyên sản xuất mai nên họ không lo thiếu hàng. Giá như tỉnh mình cũng được thế thì người trồng mai vui biết mấy...”, ông Từ trầm ngâm.   


Bài, ảnh: MỸ HOA

 


.