Thương nhớ Làng Vờ...

10:12, 06/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Làng Vờ nằm chót vót trên non cao thuộc xã đặc biệt khó khăn Ba Nam (Ba Tơ). Điện quốc gia chưa tới, đường bê tông chưa thông, nhưng ngôi làng có lắm điều thú vị. Nhất là, cái tình người ở đây khiến ai dù chỉ đến một lần sẽ không nguôi thương nhớ...
 
Gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng
 
Từ trung tâm huyện lỵ Ba Tơ đi xã Ba Nam, về Làng Vờ chỉ gần 30km, nhưng phải mất 2 giờ đồng hồ, bởi nhiều đoạn đường chỉ có thể đi bộ. Những con dốc quanh co vắt vẻo trên đỉnh đồi chênh vênh thỉnh thoảng lượn qua đám ruộng bậc thang chẳng khác nào xứ sở Hà Giang ở cực Bắc của Tổ quốc. Đưa chúng tôi lên Làng Vờ, anh Phạm Văn Dẻ, cán bộ văn hóa xã, bảo: "Từ xã về Làng Vờ chưa đầy năm cây số, nhưng phải qua 2 cây cầu treo, 4 con dốc cao và chỉ đi xe máy được 4km, còn lại phải đi bộ. Nhưng Làng Vờ hay lắm". Lời giới thiệu của anh Dẻ - cũng là con rể của Làng Vờ khiến ai cũng háo hức... 
Ruộng bậc thang ở Làng Vờ đang mùa lấy nước.  Ảnh: THANH NHỊ
Ruộng bậc thang ở Làng Vờ đang mùa lấy nước. Ảnh: THANH NHỊ
Giữa trưa mà cung đường về Làng Vờ mùa này dày đặc sương mù, chúng tôi phải bật đèn xe để luồn qua sương lạnh. Và rồi, Làng Vờ cũng dần hiện ra. Ngay dưới lưng chừng đồi, ruộng bậc thang bát ngát đang mùa lấy nước chuẩn bị cho vụ gieo sạ mới. Bao mệt nhọc tan biến trước cảnh sắc thiên nhiên đẹp như tranh vẽ bày ra trước mắt.
 
Già làng Phạm Văn Bích nghe tin có "người ở phố" về thăm làng đã đội áo mưa ra đón chúng tôi. Già Bích đưa chúng tôi đi một vòng quanh làng, đến thăm các gia đình có người già là "người đáng kính trọng, yêu thương nhất của làng" và bảo đó là nếp văn hóa của làng. Không chỉ được gặp gỡ mà chúng tôi còn được chiêm ngưỡng nét đẹp mê mẩn của 60 ngôi nhà sàn trong một không gian không rộng, nhưng sạch sẽ, bố trí xây dựng cao - thấp nhấp nhô hệt như mấy đám ruộng bậc thang của làng vậy.
 
Chúng tôi được mời vào ngôi nhà sàn mới nhất ở cuối làng. Chủ nhà là người đàn ông mới 35 tuổi, nhưng dân làng đã gọi là "người uy tín" hàng chục năm nay. Anh tên Phạm Văn Phúc, đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về làng rồi tiếp tục học và làm cán bộ trong thôn. Cha mẹ, anh chị em của anh Phúc đều sống quây quần ở cái làng này, kinh tế khá giả. Cả đại gia đình hiện còn giữ được rất nhiều chiêng, cồng và chóe cổ. Anh Phúc đem khoe với chúng tôi bộ chiêng 3, chiêng 5 và 2 chiếc chóe quý rồi kể rất nhiều giai thoại về cồng chiêng của làng. 
 
"Tất cả những ngày vui của làng đều phải đánh cồng chiêng. Khi tiếng cồng chiêng vang lên là cả làng quây quần, không ai vắng mặt. Đó là vật quý giá nhất, bao nhiêu cũng không bán, cha mẹ giữ để truyền lại cho con cái. Ngày Tết người già ngồi uống rượu cần, nghe con cháu đánh cồng chiêng sẽ thêm thọ, thêm vui", anh Phúc hào hứng chia sẻ. Anh Phúc bảo rằng vợ chồng anh được cha mẹ chia cho hai chóe quý. Hôm trước có người về làng bảo đổi 2 cái chóe lấy 4 con trâu mà anh lắc đầu. Chính vì giữ được nhiều cồng chiêng, nên Làng Vờ có hẳn đội cồng chiêng rất tinh nhuệ. Ngoài diễn ở làng còn đi xã, lên huyện, về tỉnh khoe tài. Rượu cần muốn ngon, ai cũng nghĩ phải về Làng Vờ ủ trong chóe cổ mới có...
“Tất cả những ngày vui của làng đều phải đánh cồng chiêng. Khi tiếng cồng chiêng vang lên là cả làng quây quần, không ai vắng mặt. Đó là vật quý giá nhất, bao nhiêu cũng không bán, cha mẹ giữ để truyền lại cho con cái. Ngày Tết người già ngồi uống rượu cần, nghe con cháu đánh cồng chiêng sẽ thêm thọ, thêm vui".
 
Anh PHẠM VĂN PHÚC, một người dân Làng Vờ, xã Ba Nam (Ba Tơ)
Làng không sợ trộm
 
Ở Làng Vờ hầu như nhà nào cũng nuôi trâu, bò, dê. Nhà nhiều thì có đến 20 con, ít thì vài ba con. Đã từ lâu, người làng có quy tắc là nuôi trâu, bò, dê phải làm xa nhà. Nhưng theo người làng, việc chăn nuôi cũng không quá nhọc sức. Bình thường, cứ thả chúng vào rừng, nếu không bận thì vài ba ngày đi xem chúng, còn mắc việc thì cả tuần, cả tháng mới lên. Thế nhưng bao đời nay, trâu bò của làng chẳng mất con nào cả. 
Người Làng Vờ “khoe” chiêng quý.                                                        Ảnh: Thanh Nhị
Người Làng Vờ “khoe” chiêng quý. Ảnh: Thanh Nhị
Chợt nhớ, lúc chúng tôi về làng đến đoạn đường không thể đi xe máy được nữa thì để xe lại cùng với hơn 20 xe máy khác của người trong làng. Mỗi chiếc xe đều được che áo mưa kỹ lưỡng. Họ để đấy khi nào có việc phải ra xã, lên huyện thì đi bộ ra lấy xe máy đi, xong việc quay về dựng lại đấy. Ngày nọ qua tháng kia, nhưng cũng chẳng có chiếc xe nào bị mất trộm. "Không mất được. Làng này đều là người thân, ruột thịt của nhau. Trộm cắp là tội lớn với làng, làng sẽ phạt nặng. Còn người lạ về lấy hả, không được đâu, vì làng xa lắm", già Phạm Văn Riêu - người nhiều tuổi nhất Làng Vờ bộc bạch.
 
Làng xa nhưng không tụt hậu 
 
Chỉ còn vài ngày nữa toàn bộ các cánh đồng ruộng bậc thang ở Làng Vờ sẽ gieo sạ. Lịch thời vụ đã được cán bộ thôn truyền đạt đến từng hộ dân rất rõ: "Từ ngày 10 - 15.12 sẽ tiến hành gieo sạ. Nhà nào có ruộng gần suối phải theo dõi thời tiết, mưa to thì chưa sạ". Lý giải về việc gieo sạ sớm hơn ở vùng khác, người dân trong làng thông tin: "Làng Vờ lạnh, lúa chậm lớn, phải sạ sớm hơn". Ở Làng Vờ, bây giờ nhà nhà đều biết dùng phân chuồng, phân lân để bón cho lúa tốt, năng suất cao. Nhà nào cũng có ruộng. Nhà ruộng ít thì đủ ăn, ruộng nhiều làm lúa dư ra phải bán. 
Trẻ em Làng Vờ đến trường. Ảnh: T.Nhị
Trẻ em Làng Vờ đến trường. Ảnh: T.Nhị
Làng Vờ vào buổi trưa thật thích, bởi đây là thời điểm đàn dê trong làng đã kiếm được lá cây ăn no thảnh thơi ra đường nằm nghỉ ngơi bên vệ cỏ. Dê ở đây nuôi chủ yếu là loài dê cỏ bản địa và chủ yếu là dê... đen. Theo người dân thì dê ở đây được những người dân nơi khác đặt mua quanh năm vì thịt ngon. Nuôi dê nhanh lớn, bán chạy đã trở thành phong trào chăn nuôi ở Làng Vờ. "Muốn mua xe máy thì nuôi dê, muốn làm nhà to thì nuôi trâu. Bán 5 con dê là mua được xe máy tốt", anh Phạm Văn Ki, hộ nuôi dê nhiều và lâu đời nhất ở Làng Vờ, cho biết.
 
Làng Vờ chưa có điện lưới quốc gia, nhưng người dân ở đây vẫn có điện thắp sáng kể cả trong những ngày mưa bão. Họ sử dụng sức nước gần làng để làm "thủy điện nhỏ". Cứ 3 hộ chung một máy phát điện nhỏ, họ cùng nhau sử dụng, bảo quản. Trẻ con trong làng không em nào bỏ học sớm. Mầm non được học hai buổi tại làng. Cấp tiểu học, THCS thì học ở xã. Lên THPT, thì ra trường huyện học nội trú. Làng tuy xa trung tâm mà rất nhiều em học hết THPT, có vài em tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng đang làm cán bộ xã... "Chỉ mong con đường 5km từ xã về thôn sớm hoàn thành để trẻ con đi học đỡ vất vả. Cái chữ với người Làng Vờ quan trọng lắm", Bí thư Chi bộ thôn Làng Vờ Phạm Văn Phúc mong mỏi.
 
Chia tay Làng Vờ, các già làng lại tiễn khách ra tận đầu dốc. Thanh âm cồng chiêng mà người làng trình diễn khi trò chuyện với chúng tôi cứ vang lên mãi. Những thanh âm dìu dặt, trầm bổng quyến luyến với Làng Vờ đầy thương nhớ, dù cảnh sắc ngôi làng trăm tuổi ấy đã chìm khuất trong sương chiều...
 
THANH NHỊ
 
 

.