Sắt son một lời nguyện ước

08:12, 21/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Chiến tranh đã không cho người con gái ấy được mặc áo cô dâu vì người yêu đã hy sinh ngoài mặt trận trước lễ cưới chỉ 3 ngày. Chưa chính thức lên xe hoa, chị chưa thể danh chính ngôn thuận là vợ liệt sĩ. Dẫu vậy, không từ bỏ lời hẹn ước phu thê, chị đã dành cả phần đời còn lại của mình để sống trọn đạo vợ chồng và đeo đuổi hành trình xin được làm vợ của người mình yêu thương, thề hẹn. Người con gái năm ấy giờ là cụ bà Võ Thị Nga (72 tuổi), ở thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn).
 
Lời hẹn thề dang dở
 
Chiều đông, chúng tôi tìm về xã Bình Nguyên mang theo câu chuyện tình cổ tích của hai người lính đã được nghe kể trước đó để tìm gặp người trong cuộc là nữ cựu chiến binh Võ Thị Nga. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ấm áp, quả thật chúng tôi được nghe một câu chuyện tình ngỡ như phim của cô thôn nữ Võ Thị Nga và chàng trai trẻ (liệt sĩ) Đoàn Văn Thinh. 
 Bà Võ Thị Nga trước bàn thờ người chồng liệt sĩ Đoàn Văn Thinh.             Ảnh: Th.nhị
Bà Võ Thị Nga trước bàn thờ người chồng liệt sĩ Đoàn Văn Thinh. Ảnh: Th.nhị
Vào một ngày mùa đông mưa phùn gió bấc cách đây 55 năm, ngay tại mảnh đất Bình Nguyên anh hùng này, có một đám cưới đã vĩnh viễn khép lại, dù tin báo hỉ đã gửi đi trước đó vài tuần. Cô dâu ngày ấy chính là cụ bà Võ Thị Nga, nay đã bước qua tuổi thất thập đang ngồi ngay trước mặt chúng tôi. Còn chú rể là người thanh niên trong di ảnh trên bàn thờ cạnh tấm bằng Tổ quốc ghi công mang tên Đoàn Văn Thinh. Bất chợt, tôi nghĩ về chiến tranh - thứ đã cướp đi của họ niềm hạnh phúc vợ chồng của họ. Nhưng nhìn sang bà cụ Nga, tôi hình dung được một cuộc tình đẹp đến long lanh, viên mãn, vững bền...
 
Bà Võ Thị Nga sinh năm 1948, cùng tuổi với liệt sĩ Đoàn Văn Thinh, cùng là đôi bạn trường làng từ ngày đầu chập chững đánh vần chữ quốc ngữ. Cả hai cùng tham gia kháng chiến năm 1962 trên cùng một chiến hào "anh đào hầm, em làm giao liên, tiếp tế". Tình yêu nảy nở giữa họ đã được hai bên gia đình và tổ chức ấn định ngày cưới là 28.11.1965. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt đã không cho họ có được ngày cưới, khi chú rể Đoàn Văn Thinh đã hy sinh vào sáng sớm ngày 25.11.1965, cách ngày cưới vỏn vẹn 3 ngày.
“Sau bao năm chờ đợi, ngày giỗ tới của anh Thinh (ngày 24.11 âm lịch) tôi được là vợ danh chính ngôn thuận của anh rồi. Giờ có nhắm mắt xuôi tay, tôi cũng thỏa nguyện".
 
VÕ THỊ NGA ở thôn Phước Bình, xã Bình Nguyên (Bình Sơn)
Hạnh phúc với nỗi niềm riêng
 
Kể lại chuyện tình yêu của mình, chuyện dở dang ngày cưới, tâm trạng của cụ bà Võ Thị Nga tươi vui khác hẳn với lo ngại ban đầu của tôi về những câu hỏi có thể vô tình chạm vào nỗi đau riêng tư của bà. Bà Nga kể: "Tôi yêu anh Thinh vì tính tình anh tội lắm. Việc khó luôn xung phong nhận về mình. Anh kiên định, gan dạ trước kẻ thù. Anh hy sinh ngay trên đất Bình Nguyên, gần nơi được hai bên chọn để tổ chức lễ cưới". 
 
Bà Võ Thị Nga đã thỏa lòng ước mong khi được công nhận là thân nhân liệt sĩ Đoàn Văn Thinh. ảnh: Th.nhị
Bà Võ Thị Nga đã thỏa lòng ước mong khi được công nhận là thân nhân liệt sĩ Đoàn Văn Thinh. Ảnh: Th.nhị
Nói về người yêu của mình, đôi mắt bà Nga ngời sáng, chứa chan niềm tự hào. Rồi bà trầm tĩnh trong giây lát, để nói về cảm nhận mất mát của mình khi người chồng sắp cưới hy sinh. "Ngày lo phục vụ chiến trường, đêm về tôi thút thít khóc thầm. Mà khóc cũng không nhiều đâu vì sợ đồng đội nghe được. Mỗi lần lập được chiến công, chỉ ước gì anh ấy còn bên cạnh để kể cho anh nghe, anh vui với mình", bà Nga bộc bạch.
 
Năm 1975, tức 10 năm sau ngày liệt sĩ Đoàn Văn Thinh hy sinh, quê hương Bình Nguyên được giải phóng. Đây cũng là lúc bà Nga cảm thấy mình cô đơn vì dù non sông đã độc lập, hòa bình, thống nhất đất nước, nhưng với bà lại thiếu vắng sự sum vầy đôi lứa. Để kìm nén nỗi buồn riêng và tiếp tục thực hiện lý tưởng cống hiến cho đất nước như đã hứa với người chồng chưa cưới là liệt sĩ Đoàn Văn Thinh, bà Nga xung phong đến mọi miền mà Tổ quốc cần. Bà lên Tây Nguyên tham gia vào công tác khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Bước chân bà in trên nhiều mặt trận phát triển kinh tế như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum. Hơn 15 năm sau, bà Nga trở về quê nhà. Năm 1993, bà dựng được căn nhà nhỏ, có nơi để đặt bàn thờ, "đón anh Thinh" về nhang khói cho cửa nhà ấm áp...
 
23 năm mới được công nhận "vợ liệt sĩ"
 
Gần tàn cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Nga bảo: "Chiều nay cô định nhờ người chở ra thị trấn Châu Ổ mua bộ lư về đặt trên bàn thờ chú. Cô chú yêu nhau, hai bên gia đình đã đồng ý, chuẩn bị cưới thì bất ngờ chú hy sinh, nhưng cô luôn nghĩ cô đã là vợ của chú. Khi xong nghĩa vụ với quê hương, cô sẽ làm một căn nhà riêng, nhỏ thôi cũng được, lập bàn thờ và xin phép gia đình phía chú đưa chú về thờ. Gia đình thương cô, đã đồng ý. Từ năm 1993 đến nay, cô đã đưa chú về chung một mái nhà...". 
 Bà Võ Thị Nga sống vui bên những người hàng xóm tốt bụng. Ảnh: Th.nhị
Bà Võ Thị Nga sống vui bên những người hàng xóm tốt bụng. Ảnh: Th.nhị
Thắp nén hương lên bàn thờ, nữ cựu chiến binh chậm rãi chia sẻ: "Di ảnh của chú bây giờ là tấm ảnh thẻ cùng đi với cô chụp năm 1963. Chụp xong, chú tặng cô 1 tấm. Cô mang theo bên mình mấy chục năm trời, vào sinh ra tử, bao trận bị bắt, tra tấn, đòn roi, may mà vẫn còn giữ được để hôm nay có ảnh thờ. Chứ hồi ấy cô chú chưa cưới, nên cô chẳng có kỷ vật ngày cưới nào cả".
 
Bà Nga kể gia đình chồng mình là gia đình cách mạng tiêu biểu. Mẹ chồng bà là Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh em chồng có 3 người hy sinh. Vào những năm 1994 đến 1996, lần lượt những người ruột thịt bên gia đình chồng qua đời. Năm 1997, bà Nga gửi đơn xin được công nhận là vợ liệt sĩ để danh chính ngôn thuận thờ cúng liệt sĩ Đoàn Văn Thinh. Hàng trăm lần bà Nga ra xã, lên huyện, đến tỉnh; hơn 10 lần dự tiếp xúc cử tri đều bày tỏ nguyện vọng, nhưng rồi lời thỉnh cầu của bà đều rơi vào im lặng.
 
Đến năm 2013, hồ sơ đề nghị công nhận vợ liệt sĩ của bà Nga được lập lại. Và từ đó, bà Nga đeo bám không rời, quyết chí thực hiện trọn vẹn ước nguyện "làm vợ danh chính ngôn thuận của anh Thinh". Cuối cùng, ước nguyện son sắt của bà đã được thỏa nguyện. Ngày 30.10.2020, bà Võ Thị Nga đã chính thức được công nhận là thân nhân liệt sĩ, được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng như hàng trăm nghìn người vợ, con, thân nhân liệt sĩ trên mảnh đất kiên trung Quảng Ngãi này. Nhưng trên hết, đó là một cái kết có hậu cho một cuộc tình dang dở, nhưng thật đẹp của hai người lính vì chiến tranh.
Nhiều người cùng đồng hành
 
Về vụ việc của bà Nga, nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc. Báo Quảng Ngãi số ra ngày 16.9.2016 có đăng bài "Mong ước của cụ bà 70 tuổi", của phóng viên Xuân Hiếu. Bài báo phản ánh niềm khát khao cháy bỏng của một cựu chiến binh, một đồng chí, đồng đội, một cô dâu không có ngày cưới Võ Thị Nga cách đây 55 năm "xin được làm vợ liệt sĩ". Bà Nga bảo rằng nhờ bài báo, đặc biệt là nhờ các cán bộ trẻ ở Huyện ủy, UBND huyện Bình Sơn mà bà có thêm hy vọng để thực hiện tâm nguyện của mình.
THANH NHỊ
 
 
 
 
 
 
 
 
 

.