Bộn bề Ra Pân

08:12, 17/12/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Mưa, bão liên tiếp quét qua thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện miền núi Sơn Tây khiến cho cuộc sống của người Ca Dong nơi đây bị đảo lộn. Nhiều gia đình bỗng chốc mất nhà. Những con đường bê tông phẳng lỳ biến thành suối bùn, đá đặc quánh, chia đôi ngôi làng... Ra Pân tươi đẹp ngày nào giờ đang đối mặt với bộn bề gian khó!
[links()]
Về miền đất lở
 
Hai tháng trước, trận sạt lở đầu tiên ở Quảng Ngãi xảy ra tại cung đường Đông Trường Sơn thuộc thôn Ra Pân vùi lấp nhiều nhà dân, khiến 1 người bị thương, 56 nhà dân xiêu vẹo vì thác nước. Rất may không bị thiệt hại về người, nhưng có đến 15/56 hộ không còn nhà để quay về, dù thời tiết đang dần trở lại bình yên. 
 
Vết sạt lở kéo dài tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây).	Ảnh: Th.Nhị
Vết sạt lở kéo dài tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây). Ảnh: Th.Nhị
 
Chúng tôi về Ra Pân khi trời vừa lập đông. Lạnh như cắt da cắt thịt. Những mái nhà tạm lụp xụp, che tạm vài miếng tôn không đủ ngăn sương đêm, gió chướng. Trẻ con, người già co ro quanh bếp lửa.
 
Vì không đủ mặt bằng dựng tạm 15 ngôi nhà cùng một chỗ, các hộ dân đã tự kết thành nhóm, di chuyển về 2 nơi để quây quần bên nhau sinh sống. Nhóm 5 hộ ở nhờ trên đất của một người cùng làng gần trụ sở UBND xã Sơn Long; nhóm 10 hộ khác về khu dân cư (KDC) Măng Lăng dựng nhà. Nói là nhà chứ thực ra chỉ là những cái chòi nhỏ, diện tích vỏn vẹn 10 - 15m2, chủ yếu là để ngủ, nấu cơm và cất gạo, lúa. Chúng tôi từ trụ sở UBND xã đi bộ vượt đoạn đường đất, băng qua cây cầu lồ ô ọp ẹp, về khu tạm cư của 10 hộ dân ở KDC Măng Lăng. Cả vùng vắng lặng.
 
Nhìn qua khe cửa một ngôi nhà nhỏ đầu đường, bên trong có nhiều người đang quây quần bên bếp lửa hồng. Người đàn ông đứng dậy, mở cửa, chào khách. Anh là Đinh Văn Hời, người mà tôi đã từng gặp hôm vừa xảy ra sạt lở, trông anh hốc hác, gầy rộc hẳn so với 2 tháng trước. Anh Hời bảo: "Nhà tạm, chật lắm, không mời khách vào ngồi chơi được. Mẹ mình đang bị sốt, con thì ho mấy hôm nay, nhưng đường khó đi quá, trời lại mưa, không dám cõng đi trạm y tế xã". Nói rồi, anh Hời nhìn quanh ngôi nhà trống hoác của mình, nhìn sang mấy ngôi nhà bên cạnh, phân trần: "Trời lạnh quá mà nhà thì tạm bợ nên không giữ ấm được đâu. Mấy nhà tạm đều phải đóng cửa, để ngăn mưa gió không tạt vào chứ trong nhà đều có người ở cả đấy".
 
Anh Hời dẫn tôi sang nhà bà Đinh Thị Rê vừa di dời sang Măng Lăng ở tạm. Bà Rê già nhất, nghèo nhất làng và hiện ở cùng người con trai bị câm, điếc. Bà ốm nặng không nói nổi, nhưng con trai bà chỉ biết rót nước, đốt củi sưởi ấm, chứ không thể làm gì hơn. Hàng xóm của bà Rê bảo rằng, khi chưa bị sạt lở vùi lấp nhà, bà Rê khỏe mạnh lắm, đi rẫy mỗi ngày.
 
Khi nhà sập, bà Rê chạy sang đây, người làng giúp đỡ làm cho căn nhà tạm, bà vào ở, nhưng đau bệnh suốt. Mỗi đêm bà nhớ làng cũ, tiếc ngôi nhà sàn tích cóp gần cả đời mới dựng được, bà lại khóc. Người làng thương bà Rê, đã tìm cách giúp đỡ. Bà Đinh Thị Ru cho biết: "Mưa to, đường trơn, cầu tạm, không dám cõng người đi gặp y tá đâu, mà mình phải ra báo và mời họ về tận làng xem bệnh giúp cho bà Rê và cả những người khác đang đau ốm".  
 
“Tỉnh đã đồng ý cho lập dự án TĐC cho 56 hộ dân thôn Ra Pân. Thế nhưng, để dự án hoàn thành ít nhất cũng phải mất 1 - 2 năm. Chắc chắn khi chờ đợi nơi ở mới lâu như vậy thì người dân sẽ rất khó khăn, song huyện cũng chưa biết phải giải quyết như thế nào để người dân an cư trong nhà tạm".
 
Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây ĐINH QUANG VEN
Canh cánh nỗi lo
 
Trời chập choạng tối. Mưa lớn, những nóc nhà tạm leo lét ánh đèn. Bữa cơm tối của các hộ dân tuy đạm bạc, nhưng tạm yên tâm vì hai tháng qua họ được chính quyền, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ gạo ăn, mắm muối khá nhiều. Trong góc mỗi nếp nhà vẫn còn những bao gạo nhỏ chất đống. Trong ngôi nhà tạm, bên mâm cơm, anh Đinh Văn Vé bộc bạch: "Gạo hỗ trợ chắc đủ ăn cho cả nhà khoảng hơn 1 tháng nữa. Lo nhất là mưa, nắng, lạnh bất thường, nhà thấp, mái tôn không đảm bảo để ở. Mưa to cũng sợ, gió to cũng lo, lạnh thì không ngủ được". 
 
Đoàn khảo sát xây dựng Khu tái định cư cho 56 hộ dân bị sạt lở ở thôn Ra Pân. Ảnh: Th.Nhị
Đoàn khảo sát xây dựng Khu tái định cư cho 56 hộ dân bị sạt lở ở thôn Ra Pân. Ảnh: Th.Nhị
 
Về phía chính quyền, trước mắt việc đảm bảo cái ăn cho người dân là tạm ổn. Từ giờ đến trước Tết thì đã có gạo dự trữ. Trong Tết thì xã sẽ cấp gạo "đỏ lửa"; sau Tết có gạo hỗ trợ ngắn hạn cho học sinh đủ ăn khoảng 1 tháng. Còn sau đó thì xã chưa tính toán được sẽ dùng nguồn nào để hỗ trợ tiếp tục ổn định cuộc sống cho số hộ dân này. Thực tế hiện nay là ruộng, rẫy của nhiều hộ cũng bị sạt lở vùi lấp, keo thì chưa đến kỳ thu hoạch. Các gia đình có con nhỏ, khi nhà tạm bợ, cha mẹ cũng không dám để con ở nhà để đi làm thuê kiếm tiền như trước đây.
 
Sạt lở "xóa sổ" ngôi làng lâu năm ở thôn Ra Pân khiến các hộ dân phải di dời đi tạm cư ở nơi xa trường học làm cho việc học của con trẻ trở nên bấp bênh. Trước đây, làng gần trường, các em tự tới trường và về nhà. Hôm nay, dời nhà đi xa, lại phải qua cầu tạm, đường lầy lội, ít em có thể tự đi học như trước. Khi thì cha mẹ đưa đi, lúc thì thầy cô phải về làng đón, đưa học sinh ra lớp. Khó khăn hơn là, do khoảng cách từ nhà mới (nhà di dời ở tạm) đến trường khá xa, nhưng các em không có chế độ ăn ở bán trú. Ngành giáo dục Sơn Tây cũng tính toán đến việc bổ sung chế độ cho các em, nhưng tất cả vẫn phải... chờ.
 
Mong an cư từng ngày
 
Chúng tôi về Măng Lăng đúng dịp lãnh đạo huyện Sơn Tây cùng đơn vị tư vấn tổ chức chuyến khảo sát tìm vị trí xây dựng khu tái định cư (TĐC) cho 56 hộ dân thôn Ra Pân bị sạt lở "nuốt" mất làng. Đó là khu đất rộng, khá bằng phẳng, cách làng cũ một con suối và  gần nơi 10 hộ dân bị mất nhà đang tạm cư. Sau khi bàn qua, tính lại, nhiều ý kiến tán thành việc chọn vị trí này để làm khu TĐC lâu dài cho vùng sạt lở Ra Pân. 
 
Một ngôi nhà tạm của người dân thôn Ra Pân.                            Ảnh: Th.Nhị
Một ngôi nhà tạm của người dân thôn Ra Pân. Ảnh: Th.Nhị
 
Ngay chiều hôm đó, Chủ tịch UBND xã Đỗ Thanh Vượt đã chủ trì cuộc họp, tham khảo ý kiến của các hộ dân thuộc diện TĐC. Ai cũng háo hức nghe trình bày phương án xây dựng nơi ở mới quy mô, khang trang, sạch đẹp, không bị sạt lở như nơi ở cũ. Thế nhưng, câu hỏi "bao giờ khu TĐC xong" chưa được trả lời rõ ràng về mốc thời gian.
 
"Đây thực sự là một câu hỏi khó, vượt ngoài khả năng của xã. Tất cả đang nỗ lực từng ngày nhưng đầu tư xây dựng khu TĐC phải lập dự án, tuân thủ về quy trình, thủ tục. Bà con yên tâm, chính quyền luôn sát cánh để thúc đẩy dự án hoàn thành sớm", Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt trấn an người dân dự họp.
 
THANH NHỊ
 
 
 

.