Nơi cuối dòng sông

10:10, 12/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Dòng Trà Giang hòa vào biển mẹ nơi cửa biển Cửa Đại. Con nước mênh mông, nơi giao thoa giữa mặn và ngọt đã nuôi nấng nhiều thế hệ con dân nơi đây, đồng thời chứng kiến biết bao thịnh suy của vùng đất này. Nụ cười của những xóm chài trở mình giàu có. Giọt nước mắt của những ngư dân nghèo khó khi xảy ra những vụ lật đò, chìm ghe cướp đi người thân của họ. Và nay, nơi cuối dòng sông ấy một công trình giao thông hiện đại bậc nhất tỉnh mang tên cầu Cổ Lũy đã hình thành, xóa đi bao nhọc nhằn, cách trở. 
Cầu Cổ Lũy vững chãi nơi cuối dòng sông Trà Khúc.           Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cầu Cổ Lũy vững chãi nơi cuối dòng sông Trà Khúc. Ảnh: Bùi Thanh Trung
Trong sâu thẳm của người dân các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An và Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), ký ức về cách trở đò giang và những biến cố sông nước khó mà phai nhòa được, nhưng cầu Cổ Lũy đã mang những nụ cười dần hiện ra rõ hơn, kéo nỗi buồn tan theo từng con sóng. Họ, thong dong trên cây cầu mới nhìn về tương lai, nơi phía chân trời ánh bình minh đang thức giấc, cầu Cổ Lũy đang dần mang lại sự thịnh vượng...
 
Cổ Lũy không còn “cô thôn”
 
Những ngày cuối thu, con nước từ thượng nguồn đổ về cửa biển Cửa Đại đổi màu vẩn đục khi những cơn mưa rừng chạm ngõ đầu đông. Trên công trình cầu Cổ Lũy, những công nhân, kỹ sư đang miệt mài làm những phần việc cuối để chuẩn bị cho ngày thông xe, gắn biển công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.
 
Nơi cuối của dòng Trà Giang trước khi hòa vào biển mẹ, dẫu đứng bờ bên này gọi sang bên kia nghe thấy trả lời, nhưng để đến được phải qua bao nỗi nhọc nhằn. Với nhiều người sinh ra và lớn lên ở các xã Nghĩa Phú, Nghĩa An và Tịnh Khê, thì câu chuyện về những trắc trở đò giang luôn hằn sâu trong tâm trí, khó có thể phai nhòa. Biết bao người đã khóc cạn nước mắt khi mất người thân vì những vụ lật đò, chìm ghe.
 
Hai bên bờ sông, những lão nông, lão ngư một đời trầm mặc theo nhịp lên xuống của con nước nở nụ cười rạng rỡ. Họ đã bám trụ với làng giữ đất từ thuở xa xưa và mơ một giấc mơ quá đỗi xa xăm, để rồi hôm nay giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực. Những con đường mới hình thành theo nhịp độ của phố thị nơi cửa sông. Nhà cửa cao tầng san sát mọc lên. Phương tiện tấp nập đi lại. Dòng người từ các xóm làng đổ ra đường Trường Sa lên phố và trên phố người người đi về phía biển. Những khu dân cư, khu đô thị hình thành bắt nhịp với cầu Cổ Lũy. Những quy hoạch hiện đại, những con đường mới được đầu tư đã dần lột xác triền đất hai bên sông.
 
Dáng đi chậm chạp ở đời cuối của tuổi thất thập, ông Lê Tài, 78 tuổi, ở thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê vẫn thúc đứa cháu nội dẫn ra mép sông để ngắm nhìn cầu Cổ Lũy lúc chiều tà. Ông Tài nói rằng, nếu có quay ngược kim đồng hồ về thuở lớn lên bên chân sóng để... được mơ, ông vẫn không dám mơ. Bởi lẽ, cũng như bao người dân sống nơi dòng nước chè hai ấy, khát khao về một cây cầu nối đôi bờ cửa Đại khó mà trở thành hiện thực.
 
“Mỗi sáng ra cồn trồng rau, nuôi gà nhìn sang bờ bên kia chỉ ao ước cho... đỡ buồn chứ không dám nghĩ nơi này lại có một cây cầu đồ sộ, hiện đại bắc qua dòng sông đã tắm cả cuộc đời tôi. Nhưng giấc mơ đã có thật. Cổ Lũy cô thôn giờ không còn cô tịch nữa. Cây cầu sẽ đưa vùng đất hai bên sông đều có cùng chung cái tên Cổ Lũy trở mình”, ông Tài bảo.
 
Cách nơi ông Tài đang thả mình cùng niềm vui của quê hương chừng trăm mét, ông Võ Hữu Thạnh cùng vài người khác cũng đang chăm chú nhìn cây cầu dây văng nối đôi bờ. Ông Thạnh bảo, con đò cuộc đời ông sắp neo vào cồn cát sau nhà, nhưng ông mãn nguyện khi nhìn thấy quê hương đổi thay, được tận mắt nhìn thấy nơi cuối sông Trà một cây cầu hiện đại được đặt tên của chính quê hương ông hình thành. Bất chợt, ông quay người nhìn sang phía bên kia bờ nơi ngã ba sông Phú Thọ, Trà Khúc và Biển Đông hòa quyện vào nhau tung những bọt nước trắng xóa, những con đò chở người đang di chuyển những chuyến cuối cùng trước khi hoàn thành sứ mệnh.
 
“Đời chúng tôi biết bao khổ cực, mùa biển động cũng như mùa khô cách trở luôn tồn tại. Đi đường vòng sang bên kia sông quá xa nên những chiếc thuyền, chiếc ghe trở thành chiếc cầu đưa trăm người qua lại kết tình, kết nghĩa và làm ăn. Nhưng cũng tại nơi chia cách này nhiều lắm những giọt nước mắt chia ly, những tiếng khóc xé toang màn đêm tìm kiếm người khi bị lật đò. Nay nỗi lo ấy đã không còn nữa. Đời con cháu chúng tôi sẽ tận hưởng cuộc sống mới cùng cầu Cổ Lũy”, ông Thạnh bồi hồi.
 
Mang thịnh vượng đến
 
Từ cao nguyên Đak Tơ Rôn (Kon Tum) con nước chảy về địa phận Quảng Ngãi hợp lưu từ 4 con sông nhỏ là sông Tang, sông Xà Lò, sông Re và sông Rin chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi trước khi đổ ra Biển Đông, qua cửa Đại Cổ Lũy để hình thành nên dòng Trà Khúc. Không như bao con sông khác cuồn cuộn chở nước về xuôi, sông Trà chảy gấp khúc uốn lượn qua từng ngọn núi, xóm làng. Và nơi cuối dòng, con nước không vội vã hòa vào đại dương mà chậm rãi uốn lượn thêm lần nữa tạo ra những cồn cát giữa sông lập nên làng Ân Phú, xóm Lân rồi mới đổ ra biển. Hai bên cửa sông khắc lên bao ký ức về đời người, đời sông.
 
Ở cuối sông, nơi dòng nước ngọt hòa vào đại dương, nơi lưu giữ nhiều nhất những dấu tích lịch sử, văn hóa, thành tựu giao thông của nhiều miền. Nơi lưu bao ký ức về phố cổ Thu Xà, bến cảng Phú Thọ sầm uất một thời, hay một Cổ Lũy cô thôn chia cách bởi đôi bờ. Dòng Trà giang trầm mặc mang vẻ đẹp cô liêu, màu nước in vào màu trời bàng bạc trong sương khói, đã làm xiêu lòng bao thi sĩ và khắc sâu vào tâm thức những người xa quê. Cầu Cổ Lũy hình thành mở ra tương lai gần cho cung đường nối kết vùng kinh tế trọng điểm phía đông, cùng giấc mơ từ rất lâu của người dân hai bên bờ cửa Đại sắp thành hiện thực. Những đau đáu về bên này, bên kia dần thu hẹp khoảng cách. 
 Cùng với cầu Cổ Lũy, những xóm làng trù phú mọc lên nơi cửa biển báo hiệu sự ấm no đang chạm ngõ nơi này.  Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cùng với cầu Cổ Lũy, những xóm làng trù phú mọc lên nơi cửa biển báo hiệu sự ấm no đang chạm ngõ nơi này. Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cầu Cổ Lũy hình thành, những cách trở không còn nữa, hai bờ Cổ Lũy xích lại gần hơn. Những bước chân thảnh thơi của người dân trở về sau một ngày làm việc ở bãi bồi giữa sông, họ ngắm nhìn cây cầu bắc ngang, bao mệt nhọc dần tan biến. Cổ Lũy cô thôn vẫn còn đây, nhưng cầu Cổ Lũy đã đánh thức vùng đất này dịch chuyển.
 
Dưới chân hai ngọn núi Phú Thọ, Thiên Mã người dân dệt chiếu, đánh cá mưu sinh; dòng Trà giang tĩnh mặc hòa vào biển mẹ. Những ngày biển lặng mặt trời hừng lên tươi đỏ, những con thuyền no gió lại ra khơi. Với nhiều người, cầu Cổ Lũy hình thành không chỉ mang lại niềm vui mà còn đem đến sự kiêu hãnh, tự hào. Cây cầu hiện ra giữa bao ánh mắt rạng ngời, xúc động như thanh âm cuộn trào sóng biển dội vào nơi cửa biển. Họ ước cầu Cổ Lũy sẽ mang lại những đổi thay, biến vùng đất này trở thành trạm dừng chân cho những giấc mơ vĩ đại kế tục. Họ tiếp tục nhìn về tương lai phía trước, nghĩ về viễn cảnh của một phố thị nơi cửa biển sầm uất, nơi đón ánh bình minh và dòng người đi lại tấp nập trên cầu khi tuyến đường ven biển hình thành. 
Người dân thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đang chuẩn bị lưới cho những chuyến ra khơi.
Người dân thôn Phổ Trường, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đang chuẩn bị lưới cho những chuyến ra khơi.
Đêm xuống, ánh đèn vẫn lung linh, để nụ cười và những khát vọng vươn lên nơi cuối sông, đầu biển. Trời vừa sáng, giọt sương ẩm của ngày mới còn chưa tan, mặt trời ló dạng ở đằng đông, những người đàn ông nơi xóm biển hai bên bờ sông lại xua những con thuyền ra đại dương, mặt trời đầu ngày rọi soi xuống mặt biển, Quốc kỳ trên nóc tàu no gió tung bay phần phật, báo hiệu những ấm no đang chạm ngõ mảnh đất này...
Công trình trọng điểm của tỉnh
 
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh nhấn mạnh: Cầu Cổ Lũy được đầu tư xây dựng là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, được Trung ương quan tâm bố trí nguồn vốn. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến công trình này. Cầu Cổ Lũy đưa vào sử dụng sẽ phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và các địa phương trong vùng dự án nói riêng. Kết nối hai bờ nam bắc sông Trà tạo động lực cho sự phát triển TP.Quảng Ngãi mở rộng về phía biển. Cầu Cổ Lũy không những mang ý nghĩa về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, mà còn là chiếc chìa khóa mở ra tương lai phía trước cho ngành công nghiệp không khói của tỉnh bứt phá, khi tuyến đường ven biển hình thành.
 
Ghi chép của LÊ ĐỨC
 
 
 
 
 

.