Bóng hồng... cầm bay

10:09, 19/09/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Leo giàn giáo, bẻ sắt, bê gạch, xây tường... cái nghề tưởng chỉ dành cho sức đàn ông! Vậy mà, giữa công trường dự án Khu dân cư Sơn Tịnh (KDC 577), phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), có một cô gái trẻ ngày ngày đến công trường, cầm bay xây nhà một cách thuần thục khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bóng hồng ấy là Thạch Thị Sô Giê Da (22 tuổi), dân tộc Khmer, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú (Trà Vinh).
 
Giê Da từng làm việc ở nhiều công trình tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, năm 2018 công ty chị làm trúng thầu xây dựng công trình ở Quảng Ngãi và cô gái trẻ người Khmer ấy đến miền đất Ấn - Trà làm việc.
 
Ngã rẽ cuộc đời
 
Thời tiết những ngày đầu thu nắng vẫn còn oi ả. Trên công trường dự án KDC 577, hàng trăm công nhân, thợ xây, kỹ sư tất tả làm việc. Xen lẫn trong ấy là bóng dáng của nữ thợ xây Thạch Thị Sô Giê Da. Cô gái trẻ có khuôn mặt hiền hậu, kiệm lời và nụ cười luôn tươi rói trên môi, dù công việc rất cực nhọc. 
Mới bước sang tuổi 22, nhưng Giê Da đã có 8 năm đi xây những công trình.  ẢNH: LÊ ĐỨC
Mới bước sang tuổi 22, nhưng Giê Da đã có 8 năm đi xây những công trình. ẢNH: LÊ ĐỨC
Đã 8 năm kể từ ngày gắn bó với xi măng, gạch đá, Giê Da bảo, có lẽ nghề này đã chọn mình. Bởi đến giờ chưa khi nào cô gái này thôi nghĩ vì sao mình lại làm thợ xây. “Hồi đó, nghỉ hè năm lớp 8, em theo các cô chú trong xóm đi phụ hồ các công trình xây dựng gần nhà kiếm tiền phụ giúp cha mẹ, hết hè trở lại việc học. Đó là lần đầu tiên trong đời em bén duyên với nghề thợ hồ”, Giê Da kể.
 
Cuộc sống gia đình khó khăn, mẹ đau ốm triền miên, cha không có việc làm ổn định, em trai đang tuổi học. Những ngày đầu trở lại trường lớp để học năm cuối cấp THCS, trong đầu Giê Da lại nghĩ đến tiếng kêu la đau đớn của mẹ khi bệnh tật hành hạ, hay hình ảnh cậu em trai còi cọc vì thiếu ăn mà ruột gan bồn chồn. Rồi khoản tiền nộp học phí học kỳ 1 cũng không có đóng, quần áo thì dùng đồ cũ may từ năm học lớp 8. Những khó khăn ấy bám riết, khiến Giê Da thay đổi suy nghĩ: “Mình là con cả trong nhà, đã lớn rồi thì phải phụ cha mẹ chứ không thể tiếp tục đi học được nữa. Đi học thì cha mẹ thêm khổ mà cũng không có tiền để nộp học phí. Chỉ nhiêu đó thôi, em bỏ dở ước mơ đèn sách và rẽ cuộc đời theo một lối đi khác”, Giê Da tâm sự.
 
Một ngày đầu xuân năm 2013, Giê Da lén cha mẹ xách ba lô ra quốc lộ đón xe đò lên tỉnh Bình Dương làm phụ hồ. Những ngày tháng phiêu bạt trên các công trình xây dựng, lúc rảnh rỗi Giê Da tập tành lấy bay xây tường cho vui. Được các chú thợ xây hướng dẫn, cộng với nhanh trí, nên sau 3 năm phụ hồ Giê Da chính thức trở thành thợ xây. Khi tay nghề ổn và được nhiều “thầy” công nhận, trả lương như các thợ xây nam giới, để đảm bảo công việc ổn định hơn, Giê Da làm đơn xin vào làm việc tại các công ty thi công nhà ở. Từ đó, cô gái người Khmer bắt đầu đến với những công trình mới.
 
Cũng như bao thợ xây nam giới khác, cô gái trẻ bắt đầu một ngày làm việc từ sáng sớm và kết thúc khi mặt trời xuống núi. Ở công trường thi công nhà mẫu KDC 577, hình ảnh nữ thợ xây Giê Da đã trở nên thân thuộc với nhiều kỹ sư, kiến trúc sư và cán bộ kỹ thuật làm việc tại đây hơn 1 năm qua.
 
Giê Da cho biết: Ban đầu làm thợ phụ nên các phần việc như bẻ sắt, trộn hồ, đan rọ, kê giàn giáo nhà cao tầng rất khó khăn, nhưng thời gian “nghề dạy nghề”, nên công việc dần thuận lợi hơn và rồi mình trở thành thợ chính. Nhắc lại kỷ niệm đầu đời khi chính thức cầm bay, Giê Da vẫn không thôi xúc động: Hôm đó cuối giờ chiều, sau khi xây bức tường thứ 2 xong, mọi người ra về hết thì chú thợ cả gọi lại. Trong đầu nghĩ chắc mình làm sai điều gì nên lo lắm. Nhưng đến nơi nghe thợ cả nói "từ ngày mai được cầm bay xây dựng và tháng tới sẽ tính lương thợ xây. “Nghe xong đầu em cứ lâng lâng, vì “lên chức” cũng đồng nghĩa với tiền công mỗi ngày sẽ tăng thêm 100 nghìn đồng. Một khoản thu nhập rất lớn với một lao động nghèo như em. Có tiền tăng thêm là có thêm những viên thuốc cho mẹ uống, mua thêm cuốn sách, quyển vở để em trai an tâm đi học”, Giê Da bộc bạch.
“Ở cái tuổi này, bạn bè có người đã yên bề gia thất, em thì vẫn chơ vơ trên công trường. Buồn lắm! Nhưng đã làm thì phải cố gắng. Ráng làm vài năm nữa, dành dụm ít tiền em sẽ mua miếng đất để cất căn nhà và tìm cho mình một điểm tựa để tựa vai sau này. Đến giờ em chưa biết có trở về quê, hay ở lại Quảng Ngãi, nhưng thật tâm em muốn gắn bó với vùng đất giàu tình người này”.
 
Nữ thợ xây THẠCH THỊ SÔ GIÊ DA
Xây tương lai từ vôi vữa, gạch đá
 
Đôi tay thoăn thoắt, cẩn trọng căng chỉnh tường gạch luôn thẳng thớm, nhỏ nhẹ gọi hồ, gạch từ các cô, chú phụ hồ lớn tuổi, cô gái người Khmer khiến những người làm chung trên công trường đến từ mọi miền luôn quý mến. Không chỉ làm tốt công việc của mình mà Giê Da còn luôn giúp đỡ những đồng nghiệp trong quá trình làm việc, nhất là các nữ phụ hồ làm chung công trình.
 
Con gái làm thợ xây không chỉ chịu cực nhọc, nắng mưa, khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đối mặt với không ít hiểm nguy, tai nạn rình rập. Hơn nữa, do tính chất công việc ăn ngủ ở lán trại, nên chuyện sinh hoạt, ăn ở gặp nhiều bất tiện. Giê Da bảo: Cuộc sống tập thể, phải rày đây mai đó, ăn ở sinh hoạt theo công trình, nhiều lúc cũng thấy nản. Nhưng vì lo cho em trai, cha mẹ, nên em cố gắng làm việc. 
 
Hồi đầu lên làm thợ xây cũng “bầm dập” dữ lắm, vì đứng giàn giáo không quen nên chân run bần bật, đêm về cả người ê ẩm không ngủ được. Nhưng làm riết rồi quen. “Khó khăn mấy em cũng vượt qua được, nhưng buồn nhất là vào các ngày mưa hoặc cuối tuần. Nhìn người ta cả gia đình sum vầy, rồi nhìn các bạn cùng trang lứa đèo nhau đi uống trà sữa, đi xem phim hay làm một việc gì đó vui vẻ, thì em cảm thấy chạnh lòng”, cô gái trẻ tâm sự.
 
Hoàn cảnh khó khăn đã đẩy cuộc đời cô gái trẻ theo một hướng khác biệt so với bạn bè cùng giới tính, trang lứa. Ở cái tuổi 15 - 16, hầu như mọi đứa trẻ khác đều chỉ biết lo việc học, hoặc khó khăn quá thì đi học nghề và được cha mẹ “bao” trọn gói. Còn với Giê Da, vì cuộc sống, vì gia đình, nên chọn cái nghề... của đàn ông. Nhưng Giê Da bảo, bạn bè được đi học trên trường thì mình cũng được đi học trên công trình. Giờ cũng có cái nghề trong tay, cũng đến tháng nhận lương, đủ trang trải cuộc sống và gửi về cho cha mẹ. 
Xen lẫn trong những thợ xây nam giới là một bóng hồng cũng cầm bay xây dựng, tô trát.                  ẢNH: L.ĐỨC
Xen lẫn trong những thợ xây nam giới là một bóng hồng cũng cầm bay xây dựng, tô trát. ẢNH: L.ĐỨC
Nói về đồng nghiệp của mình, người thợ hồ thâm niên Phạm Gia (57 tuổi), xã Tịnh Trà (Sơn Tịnh) quả quyết: Tôi đã có 25 năm làm nghề, cũng xuôi ngược tứ xứ, nhưng chưa khi nào bắt gặp trên công trường xây dựng có nữ thợ hồ cả. Có chăng là các chị em đi phụ hồ thôi. Bây giờ tìm các nam thanh niên chọn cái nghề như này đã khó, vậy mà một cô gái trẻ dám đương đầu vào, dám chọn cái nghề được xem là “ngược đường” với giới trẻ hôm nay là rất đáng khâm phục.
 
Còn kỹ sư Kim Hoành Thái, chỉ huy trưởng công trình xây dựng nơi Giê Da làm việc nói ngắn gọn: Giê Da làm việc chăm chỉ, nhiệt tình, sáng việc. Dù là nữ nhi, nhưng khối lượng công việc chị ấy làm mỗi ngày không thua gì các nam thợ xây. Ngay cả khi công trình cần thêm người khuân vác đồ nặng chị ấy đều xung phong làm.
 
Ngồi thư giãn giữa giờ, ăn vội ổ bánh mì, Giê Da bảo, đã chọn cái nghề thợ hồ là phải chấp nhận bán sức, bán “sắc”, quanh năm phơi mặt giữa trời, làm bạn với sắt, gạch, xi măng. Nhiều hôm công trình hết việc ngồi trong lán trại, nhìn lại mình bỗng giật mình khi thấy tuổi xuân trôi đi nhanh quá. Có đêm cũng tủi thân, khóc một mình, nhưng vì gia đình, vì tương lai nên càng phải cố gắng hơn.
 
Mải mê làm việc, kim đồng hồ đã điểm 11 giờ 30 phút, mọi người rời công trường trở về lán trại, còn thiếu nữ Khmer vẫn ở lại lấy bao tủ đống hồ, chà rửa bay, bàn chà. Từ xa, tôi nhìn ngược lên tầng 3 công trình, bóng dáng ấy vẫn còn ở đó, vẫn cần mẫn với từng bay hồ, viên gạch, bởi với cô gái 22 tuổi ấy cái nghề này đang xây tương lai cho chính mình.
 
LÊ ĐỨC
 
 
 
“Ở cái tuổi này, bạn bè có người đã yên bề gia thất, em thì vẫn chơ vơ trên công trường. Buồn lắm! Nhưng đã làm thì phải cố gắng. Ráng làm vài năm nữa, dành dụm ít tiền em sẽ mua miếng đất để cất căn nhà và tìm cho mình một điểm tựa để tựa vai sau này. Đến giờ em chưa biết có trở về quê, hay ở lại Quảng Ngãi, nhưng thật tâm em muốn gắn bó với vùng đất giàu tình người này”.
Nữ thợ xây THẠCH THỊ SÔ GIÊ DA

.