Dung Quất, "con tàu" mang khát vọng đại nghiệp

03:07, 19/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Quảng Ngãi có bờ biển dài 130km, có "nàng tiên" Dung Quất, nhưng đường ra biển lại chênh vênh sau ngày tái lập tỉnh, đến khi Chính phủ tìm vị trí xây dựng cảng biển và nhà máy lọc dầu (NMLD) để làm chủ một phần an ninh năng lượng quốc gia thì Dung Quất vẫn còn là cái tên khá xa lạ. Nhưng rồi, với tầm nhìn chiến lược, Dung Quất đã được chọn.
Ngày nay, cảng biển quốc tế Dung Quất đã trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đưa KKT Dung Quất trở thành "trái tim" của nền kinh tế Quảng Ngãi.
 
Một thời bị lãng quên
 
Những năm 1990 của thế kỷ trước, khi đất nước chuyển mình, nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa ngày càng cấp thiết, nhất là xây dựng cảng biển để phục vụ những con tàu hàng chục nghìn tấn cập bến xuất, nhập hàng hóa. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà trung ương đặt ra là việc tìm vị trí trọng yếu để xây dựng cảng biển và NMLD đầu tiên. 
Cảng Dung Quất được đầu tư xây dựng đã mở đường cho hành trình tiến ra đại dương của Quảng Ngãi.
Cảng Dung Quất được đầu tư xây dựng đã mở đường cho hành trình tiến ra đại dương của Quảng Ngãi.
Các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách vào cuộc. Rất nhiều vị trí quan trọng được đặt lên bàn nghị sự. Song các lựa chọn vẫn xoay quanh những khu vực mà trước đây từng được nhắc đến ở hai đầu đất nước, còn Dung Quất chưa hề được nhắc đến.
 
Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Trưởng Ban Quản lý KCN Dung Quất (nay là KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi) TS.Nguyễn Kim Hiệu nhớ lại: Trước năm 1990, Chính phủ có ý định cùng với Liên Xô chọn thành Tuy Hạ (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) để xây dựng nhà máy lọc dầu. Nhưng “điểm trừ” ở đây là cách biển quá xa, nên không được lựa chọn. Sau đó, các nhà khoa học đệ trình địa điểm Long Sơn (Vũng Tàu). Song, do không có cảng biển nước sâu, nên Long Sơn bị gạt bỏ.
 
“Lúc này mảnh đất miền Trung mới được nhắc đến, các chuyên gia đã vẽ kín tấm bản đồ bờ biển miền Trung để tìm vị trí. Những cái tên như Vân Phong, Hòn La, Nghi Sơn được đưa ra bàn thảo tại nhiều cuộc họp. Lần này, Dung Quất được nhắc đến, nhưng vẫn cứ xa lạ”, TS.Nguyễn Kim Hiệu kể. 
 
Theo ông Nguyễn Kim Hiệu, thời điểm đó Dung Quất "xa lạ” là vì hơn 100 năm trước người Pháp, Nhật, rồi Mỹ không nhắc đến Dung Quất trong xây dựng cảng biển. Bộ GTVT vào giúp tỉnh cũng không nhắc đến. Còn đoàn của ngành dầu khí đi tìm vị trí xây dựng NMLD gửi công văn cho tỉnh: “Quảng Ngãi không có cảng biển nước sâu, không có địa điểm làm NMLD”. Rồi đoàn 5 nhà khoa học được tỉnh mời vào khảo sát cũng kết luận: Quảng Ngãi có bờ biển dài 130km, nhưng trời không phú cho làm cảng nước sâu. 
“Dung Quất hôm nay không chỉ là “chiếc đòn gánh” trong chuỗi liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, mà còn là "thỏi nam châm" có sức hút lớn của Quảng Ngãi. Đây là thời cơ cần chớp lấy để biến Dung Quất trở thành đại nghiệp. Muốn vậy, tỉnh cần có một tầm nhìn dài hạn, phải quyết tâm xây dựng bằng được cảng Mỹ Hàn để thu hút các nhà đầu tư lớn. Dung Quất muốn thành đại nghiệp phải chấp nhận bỏ qua những cái nhỏ để nhìn thấy điều lớn lao phía trước”.
 
Nguyên Giám đốc Sở GTVT, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất CAO XUÂN THỦY
Lựa chọn của tầm nhìn trăm năm
 
Những ngày này, tàu thuyền từ nhiều quốc gia trên thế giới tấp nập cập cảng Dung Quất sau dịch Covid-19. Giờ đây, cái tên cảng Dung Quất trở nên quen thuộc trên bảng đồ hàng hải quốc tế.
 
Thời gian có thể làm bào mòn ký ức của nhiều người, nhưng với những người từng một thời lăn lộn ở mảnh đất Vạn Tường thì trong sâu thẳm kỷ nguyên tìm đường ra biển cho quê hương núi Ấn - sông Trà như mới hôm qua. Theo TS.Nguyễn Kim Hiệu, để có Dung Quất như hôm nay là quá trình nâng lên đặt xuống của hàng trăm tập hồ sơ. Vậy nhưng, với tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng trình độ, kiến thức uyên thâm của nhà khoa học tài ba, cố TS.Trương Đình Hiển đã khai phá ra Dung Quất, biến vùng đất cát hoang vắng trở thành một đại công trường lớn nhất ở khu vực ven biển miền Trung thời bấy giờ.
 
“Thời đó, tôi làm Giám đốc Sở KH&ĐT, mỗi lần anh Hiển vào là tôi “hộ tống” anh đi dọc theo bờ biển từ Bình Châu đến Thiên Đàng để khảo sát. Đường sá rất tệ, xe ô tô hay xe máy đều đi không được, nên phải "cuốc bộ" qua các đồi cát, băng qua các khu rừng cây bụi. Có hôm đi khảo sát anh Hiển say mê đến mức quên cả trời đã sắp tối, tôi khuyên anh quay về hôm sau ra lại, nhưng anh Hiển kiên quyết bằng mọi cách phải leo lên đỉnh một ngọn đồi ở xã Bình Trị để có tầm nhìn bao quát. Tấm lòng và tầm nhìn của một nhà khoa học cả đời tận tụy phục vụ đất nước đã giúp Quảng Ngãi có "trái tim" kinh tế hôm nay. Đặc biệt là có cảng biển quốc tế, khơi mào cho hành trình tiến ra đại dương của tỉnh nhà”, TS.Nguyễn Kim Hiệu hồi tưởng. 
Cảng Dung Quất sau nhiều năm đầu tư, xây dựng đã trở nên quen thuộc trên bản đồ hàng hải quốc tế.  Ảnh: Bùi Thanh Trung
Cảng Dung Quất sau nhiều năm đầu tư, xây dựng đã trở nên quen thuộc trên bản đồ hàng hải quốc tế. Ảnh: Bùi Thanh Trung
Từ nghiên cứu, báo cáo của TS.Trương Đình Hiển, ngày 19.9.1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã về tận vùng đất cát ven biển Bình Sơn thị sát khu vực dự án cảng biển nước sâu. Hai tháng sau, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Quyết định số 658/TTg về địa điểm xây dựng NMLD và quy hoạch KKT trọng điểm miền Trung. Ngay tức khắc, Chính phủ gửi báo cáo lên Bộ Chính trị về địa điểm xây dựng NMLD Dung Quất, trong đó, một trong những hạng mục quan trọng của công trình là xây dựng cảng nước sâu Dung Quất.
 
Trong cuốn sách “Trương Đình Hiển người mở đường ra biển lớn”, nhiều nhà khoa học khẳng định để có sự thành công của hệ thống cảng biển miền Trung hôm nay, đặc biệt là cảng Dung Quất, thì công đầu là của cố TS.Trương Đình Hiển. Người đã không quản ngại những khó khăn, vất vả trên hành trình đi tìm sự khác biệt cho miền Trung hôm nay, nhất là tìm ra Dung Quất.
 
Nguyên Giám đốc Sở GTVT, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất Cao Xuân Thủy cho biết: Vịnh Dung Quất được chọn lựa để xây dựng hệ thống cảng biển và xây dựng NMLD là một bất ngờ. Bởi thời điểm đó, không một ai nhắc đến Dung Quất, vì nơi đây nhiều nhà khoa học cho rằng không có “thiên thời" hay "địa lợi”. Thậm chí, khi Dung Quất được đưa vào bàn nghị sự quốc gia rồi, nhưng có người vẫn “nói ra”. “Đôi khi sự lãng quên trước đó lại là may mắn cho Quảng Ngãi và cho hành trình mở đường ra biển của tỉnh nhà trong hôm nay”, ông Thủy bồi hồi.
 
Đại nghiệp ở Dung Quất
 
Khi vịnh Dung Quất được lựa chọn để xây dựng cảng biển và NMLD đầu tiên của đất nước, nhiều đoàn chuyên gia nước ngoài được mời đến làm việc đã phải thốt lên khi nhìn thấy vịnh Dung Quất: “Dung Quất chính là nơi để Việt Nam cất cánh trong thế kỷ XXI”. Nhận định của các chuyên gia quả thật không sai. Và để có Dung Quất như hôm nay là một quyết tâm rất lớn của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà. 
Cảng Dung Quất ngày càng phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Tàu cập cảng Hòa Phát Dung Quất.
Cảng Dung Quất ngày càng phát huy hiệu quả. Trong ảnh: Tàu cập cảng Hòa Phát Dung Quất.
Sau hơn 10 năm cảng Dung Quất hình thành đã giúp Quảng Ngãi lột xác một cách ngoạn mục. Từ một tỉnh nghèo, với tổng thu ngân sách chỉ vài trăm tỷ đồng mỗi năm, nay Quảng Ngãi trở thành một trong 16 tỉnh, thành nộp ngân sách về trung ương, trong đó KKT Dung Quất chiếm hơn 2/3 GRDP và thu ngân sách toàn tỉnh. Dung Quất hôm nay là một đô thị công nghiệp sầm uất với hàng trăm nhà máy, xí nghiệp lớn nhỏ. Hàng nghìn con người, kể cả các chuyên gia nước ngoài đang ngày đêm nghiên cứu để xây dựng Dung Quất vươn lên tầm cao mới. Bên ngoài bến cảng, hàng trăm cẩu trục, hàng nghìn thiết bị cơ giới và những con tàu hàng chục nghìn tấn ngày đêm ra vào cảng bốc dỡ hàng hóa.
 
Từ phi trường Chu Lai, chiếc Boeing A321 cất cánh bay lên bầu trời, lượn một vòng ra biển chở theo bao khát vọng. Nhìn qua khung cửa kính, bên dưới cảng Dung Quất như một con tàu hướng mũi thuyền về phía đại dương, nơi biển mẹ mênh mông luôn tiếp nối hành trình mở biển, khẳng định chủ quyền, bờ cõi non sông đất nước của những hùng binh Hoàng Sa năm xưa...
Đê cảng biển lớn nhất Châu Á
 
Cảng Dung Quất có chiều dài toàn đê gần 1.600m, chiều rộng trung bình 11m, chiều cao so với mặt biển 11m. Công trình dùng 1,3 triệu m3 đá, và phủ bên ngoài 21.000 cấu kiện bê tông. Đây là công trình xây dựng đê làm cảng biển lớn nhất Châu Á lúc bấy giờ.
 
Bài, ảnh: LÊ ĐỨC
 
 

.