Xóm thúng treo

03:08, 18/08/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bao đời bám vùng biển ven bờ để mưu sinh, nhưng trước tốc độ phát triển nhanh của các dự án công nghiệp ven biển, khiến ngư trường đánh bắt của ngư dân đang ngày càng bị thu hẹp. Phía sau những dự án tiền tỷ “đóng đô” ở ven biển là biết bao nỗi niềm của ngư dân, khi những chuyến ra khơi không còn đầy ắp tôm cá như thuở trước.

TIN LIÊN QUAN

Một thời vàng son

Đã 77 tuổi đời và có thâm niên 61 năm đi biển, ông Nguyễn Đậu, ở thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn) từng là chủ Lăng Vạn của thôn (người đứng đầu chuyên lo việc cúng tế thần Nam Hải - PV). Thạo con nước thủy triều, nơi cá tôm sinh sôi, ấy vậy mà giờ lão ngư Nguyễn Đậu đành treo thúng trên bờ. Phần vì tuổi tác đã cao, phần vì biển không còn dồi dào cá tôm như trước.

Ông Đậu kể: Chừng năm bảy năm trước, cứ tầm 17 giờ là ông cùng các ngư dân trong làng túa ra biển đánh bắt cá tôm, đến tận 22 giờ là về. "Biển giả", lúc có lúc không, nhưng trung bình mỗi lần đánh bắt mỗi người cũng kiếm được dăm ba trăm nghìn. Có hôm chèo thúng ra khơi, đánh được cả tạ cá tôm, có tiền sắm ngư lưới cụ và lo đủ cơm mắm cho gia đình.

Các dự án cảng biển mọc lên khiến ngư trường đánh bắt của ngư dân đang dần bị thu hẹp.
Các dự án cảng biển mọc lên khiến ngư trường đánh bắt của ngư dân đang dần bị thu hẹp.

Gặp ông Nguyễn Dui (64 tuổi), ở thôn Tuyết Diêm 2, có kinh nghiệm hơn 45 năm đi biển cũng là một trong những ngư dân điêu luyện ở vùng biển Tuyết Diêm. Trong ký ức của ông Dui, vùng biển Tuyết Diêm 20 năm trước từng là nơi cá tôm quần tụ nhiều vô kể.

Theo lý giải của ông Dui thì nhờ có ghềnh đá, san hô, dọc các triền bờ biển có cánh rừng nguyên sinh xanh tít tắp, điều kiện lý trưởng để thủy sản sinh sôi. “Mỏ thủy sản” gần bờ ấy đã giúp ngư dân Bình Thuận quê ông có của ăn, của để. Họ chỉ cần dùng những chiếc thúng chèo ra khơi khoảng vài hải lý là đánh bắt nhiều loại thủy sản có giá trị, trong đó có cả tôm hùm.

Trong câu chuyện của lão ngư Nguyễn Dui kể cho lớp trẻ bây giờ, thoạt nghe tưởng chừng như chuyện về Bác Ba Phi, nhưng với những người lớn tuổi ở Bình Thuận, thì hầu như ai cũng nhớ về thuở vàng son ấy. Giọng ông Dui rổn rảng kể lại: Khoảng vào đầu thập niên 90, cứ độ từ tháng 2 - 5 dương lịch, ngư dân chèo thúng ra các bãi san hô, hang đá ở bãi sau, thuộc vùng biển của xã để lặn bắt tôm hùm. Ai nấy đều rành kỹ thuật đánh bắt tôm hùm, nên có nhiều hôm trúng đậm, bắt được cả chục con.

Ông Dui không nhớ lúc ấy giá tôm hùm là bao nhiêu, nhưng trung bình mỗi ngày lặn bắt, ngư dân thu nhập khoảng được 200 -300 nghìn đồng/ngày. Khoảng thu nhập “khủng” từ tôm hùm, sau mỗi ngày đánh bắt giúp ngư dân sắm được cả chỉ vàng.

Trước tốc độ phát triển của các dự án cảng biển khiến ngư trường bị thu hẹp ngư dân xã Bình Thuận, chủ yếu đánh bắt ven bờ.
Trước tốc độ phát triển của các dự án cảng biển khiến ngư trường bị thu hẹp ngư dân xã Bình Thuận, chủ yếu đánh bắt ven bờ.
“Bà con đánh bắt nhiều nên dần dần tôm hùm cạn kiệt, nhưng chính thức tuyệt chủng ở vùng biển Tuyết Diêm vào khoảng những năm 2008, 2009, sau khi các cảng biển, nhà máy công nghiệp mọc lên ở vùng biển này. Hang đá, rạn san hô dần bị lấp trong quá trình xây dựng, giờ tìm đỏ mắt cũng không thấy con tôm hùm nào”, ông Dui tiếc rẻ.

"Ngư dân rất muốn vươn ra khơi xa để đánh bắt, vì ngư trường gần bờ giờ quy hoạch cảng biển hết rồi, nhưng khổ nỗi không phải ai cũng đủ tiềm lực kinh tế để đóng tàu lớn vươn khơi xa nên mới mưu sinh ở ven bờ. Nhà nước cần hỗ trợ cho bà con tìm nguồn sinh kế mới, chứ cứ để dăm ba ngày lại nghe chuyện tàu thuyền của ngư dân mình giẫm chân vào vùng biển quy hoạch cảng. Đụng chạm đến quyền lợi của nhau, là điều không ai mong muốn cả!".

Ông TRẦN MINH, thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn).

Hướng đi nào cho ngư dân

Môi trường biển ven bờ bị ô nhiễm, ngư trường cũng dần thu hẹp bởi các dự án công nghiệp xây dựng ngày một nhiều, khiến việc khai thác hải sản của ngư dân đang ngày càng khó khăn. Gặp ông Trần Minh (54 tuổi), ở thôn Tuyết Diêm 2, ông bảo gia đình ba đời đi biển, nhưng đến đời ông thì... đứt gánh. "Phải bấm bụng bán tàu, vì khai thác thủy sản thất thu do nguồn thủy sản ven bờ khan hiếm. Cá tôm nào sống nổi khi các cảng biển, nhà máy ven biển mọc lên như nấm.

Tiếng máy động cơ ầm ầm, rồi môi trường nước ô nhiễm, cá tôm không sinh sôi được. Tôi và nhiều người khác ngày trước làm ngư dân giờ chuyển sang làm công nhân ở Khu Kinh tế Dung Quất, kiếm sống qua ngày", ông Minh cho hay.

 Ông Nguyễn Đậu (77 tuổi) ngụ thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận có thâm niên đi biển, nhưng nay
Ông Nguyễn Đậu (77 tuổi) ngụ thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận có thâm niên đi biển, nhưng nay "treo thúng" khoảng một năm vì cá tôm ven bờ cạn kiệt.

Cách đây chừng một tháng, nhiều người dân đã phản đối việc một doanh nghiệp thi công cảng biển, đổ đất đá án ngữ lối ra biển của tàu thuyền, may có chính quyền đứng ra làm trung gian “hòa giải”, mọi việc mới lắng dịu. Ngư dân Lê Minh Hà, ở thôn Tuyết Diêm 2, chia sẻ: Rất nhiều trường hợp tàu thuyền va vào các cọc nhồi bê tông sắt của doanh nghiệp đóng để neo xà lan, rồi lúc đánh bắt lưới của bà con bị các tàu sắt cuốn đi hết, khiến nhiều ngư dân thiệt hại lớn. Mới đây, lưới của ông Nguyễn Thanh Ba, rồi ông Bùi Văn Công cùng thôn bị tàu sắt cuốn đi. Cộng dồn thiệt hại lại cũng mất cả trăm triệu đồng.

Lật cuốn sổ tay ghi chép, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Tạ Văn Minh cho hay: Năm 2018, toàn xã có khoảng 200 chiếc tàu thuyền, thúng hoạt động khai thác đánh bắt hải sản, với tổng công suất gần 5.000CV, giảm 13 chiếc so với năm 2016. Nghề khai thác thủy sản ven bờ là nghề truyền thống của ngư dân xã Bình Thuận, với khoảng 1.500 hộ dân tham gia, nhưng hiện nay ngư trường ven bờ đang bị thu hẹp khiến nhiều ngư dân bán tàu, treo thúng, bỏ nghề dẫn đến sản lượng thủy sản ngày càng sụt giảm.

Mới đây, Công ty CP cảng tổng hợp Hòa Phát tiếp tục được giao thêm 40,5ha mặt nước ở vùng biển Bình Thuận để làm Dự án bến cảng tổng hợp - container Hòa Phát Dung Quất. Nếu làm cảng khu vực này, thì phần diện tích còn lại sẽ không đủ cho tàu thuyền của xã neo trú vào mùa mưa bão, chưa nói đến chuyện đánh bắt hải sản tại đây.

Tốc độ phát triển nhanh của các dự án công nghiệp ven biển, khiến một bộ phận ngư dân vẫn chưa kịp thích ứng, phải loay hoay tìm nguồn sinh kế mới. Ông Minh cho biết thêm: Mới đây, xã đã có văn bản đề nghị huyện và Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi nhiều vấn đề cần lưu tâm khi xây dựng các cảng biển trong khu vực khai thác truyền thống của ngư dân xã Bình Thuận. Đồng thơi, phải hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho bà con, chứ nếu để họ "tự bơi" thì rất thiệt thòi cho họ.

Nức tiếng "đoàn chèo Tuyết Diêm"

Thời ấy, cư dân ven biển Bình Sơn thường tương truyền câu thơ: "Đoàn nhạc Bồ Bèo, đoàn gươm trên cửa, đoàn chèo Tuyết Diêm”. Những câu ca ấy được hát trong các lễ ra quân đánh bắt đầu năm ở các xã ven biển Bình Sơn. Nói về hát phải kể đến đoàn nhạc Bồ Bèo ở xã Bình Chánh, múa gươm đẹp thì có ngư dân ở xã Bình Đông, còn chèo thúng, ghe điêu luyện thì có ngư dân ở xã Bình Thuận là số một. Ông Nguyễn Đậu bảo: Ngư dân ở đây ai cũng thạo nghề biển, nhưng giờ biển giả bết bát quá...

 
Bài, ảnh: NGỌC VIÊN
 

.