Xanh thẳm Trà Ôi...

03:04, 06/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nằm biệt lập giữa rừng già. Cuộc sống của hơn 350 nhân khẩu ở thôn Trà Ôi, xã Trà Xinh (Tây Trà) còn hết sức khó khăn. Dẫu vậy, nhiều năm qua, họ chẳng "chạm" đến một tấc đất rừng.

Đường đến Trà Ôi hết sức gian nan, hiểm trở, nhưng nghe nhiều người kể về bản tính thật thà, dung dị và đầy mến khách của người dân nơi đây, tôi quyết đến thăm làng cho bằng được.

Cách trở

Từ trung tâm xã Trà Xinh, đi theo tuyến đường bê tông do Nhật Bản tài trợ khoảng 2km và thêm chừng... 10km băng rừng, lội suối mới đến được thôn Trà Ôi. Quãng đường dài hun hút được phủ kín bởi những tán cây rừng chẳng có lấy một mái nhà bên vệ đường. Hành trình càng lúc càng trở nên khó khăn khi bề rộng nền đường càng lúc càng hẹp lại, những tán cây rừng sà sát mặt đất. Chiếc xe gắn máy như thể kiệt sức khi "bò" qua những con dốc chật hẹp, dựng đứng và nham nhở, với những mương nước chạy ngang dọc do mưa rừng tạo nên.

Những ngôi nhà sàn nằm chênh vênh bên lưng chừng núi, thôn Trà Ôi, xã Trà Xinh (Tây Trà).
Những ngôi nhà sàn nằm chênh vênh bên lưng chừng núi, thôn Trà Ôi, xã Trà Xinh (Tây Trà).


Sau gần 3 giờ leo dốc, băng rừng, lội suối bằng xe máy, cuối cùng Trà Ôi cũng hiện ra trước mắt chúng tôi với những nếp nhà sàn nằm chênh vênh lưng chừng núi. Hàng trăm nhân khẩu sinh sống quần tụ, nhà cửa san sát nhau giữa vạt rừng xanh mướt, những cây rừng cao to vươn lên giữa bốn bề rừng già đẹp như bức tranh thủy mạc. Ở đó, những đám mây vờn trên ngọn cây như thể với tay là chạm trời.  

Nghe người làng thông báo có khách đến, già làng Hồ Văn Ngơn niềm nở đón tiếp. Nụ cười rạng rỡ của già Ngơn với bộ răng đen tuyền của những năm tháng nhai trầu khiến tôi cảm mến. Trải chiếc chiếu được chính người dân trong làng đan từ cây rừng ra sàn nhà đón khách, già Ngơn bảo: Trước giờ bà con muốn ra xã đều phải đi bộ cắt rừng, nhưng phải mất cả ngày trời cho cả đi lẫn về. Sau này có xe máy thì tiện lợi hơn, nhưng cũng vất vả vì đường hư hỏng. Mùa mưa thì xe máy không thể nào đi được. Người dân ở làng tự cung, tự cấp là chính, vì năm thuở mười thì mới có “chợ di động” vào làng.

 “Địa phương băn khoăn nhất là chuyện học hành, khám chữa bệnh cho người dân ở Trà Ôi. Kế hoạch di dời dân ở đây ra trung tâm xã không thành, nên trước mắt để đảm bảo việc đi lại của người dân thuận tiện, thì cần tính đến phương án đầu tư đường giao thông. Ngoài ra, cần hỗ trợ phát triển sinh kế để người dân thoát nghèo”.


Phó Chủ tịch UBND xã Trà Xinh ĐINH VĂN NAY


Thiếu ăn nhưng không phá rừng

Pha chén nước thơm lừng được nấu từ lá của một loại cây rừng, già làng Hồ Văn Ngơn cho biết: "Từ khi tôi sinh ra thì làng đã có rồi và con cháu ở đây ra đời cứ thế sinh sống. Lúa rẫy, cây bắp, cây mì người dân tự trồng và đến kỳ thu hoạch thì mang về nhà treo lên giàn bếp sấy khô rồi ăn dần. Thiếu ăn thì vào rừng hái rau rừng, ra suối bắt con cá".

Dù nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng thanh niên trong làng sau một ngày lao động lại tập trung về nhà văn hóa thôn để chơi thể thao.
Dù nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng thanh niên trong làng sau một ngày lao động lại tập trung về nhà văn hóa thôn để chơi thể thao.


Ngôi làng nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, cạnh làng là những rẫy bắp, rẫy lúa xanh mơn mởn. Thấy chúng tôi đi tham quan làng, những đứa trẻ cứ chạy theo xin được chụp hình. Nụ cười trong veo của lũ trẻ lảnh lót giữa rừng già khi được thấy chính mình trong khuôn máy ảnh. Chúng trầm trồ, khen chê lẫn nhau, rồi cười phá lên.

Hoàng hôn le lói qua những ngọn núi cao rồi chìm hẳn, bóng tối đến rất nhanh giữa rừng già. Bên bếp lửa hồng giữa nhà sàn, già Ngơn và người trong làng đãi khách bằng những món ăn truyền thống, với canh đọt sắn, rau dớn chấm muối, cá niên luộc và rượu đoác. Giọng hào sảng, già Ngơn bảo: Đấy là sản vật mà núi rừng đã ban tặng cho làng, nên nhà nào cũng lấy vừa đủ để ăn. Khi nào hết thì ra rừng hái tiếp, chứ không lấy về nhiều.

Nằm giữa bốn bề rừng xanh ngắt, người dân nơi đây chỉ khai hoang một phần đất để sản xuất. Những tán rừng nguyên sinh được người dân nơi đây bảo vệ như thể đấy là một phần thân thể của họ. Đây có lẽ là nơi hiếm hoi trên địa bàn tỉnh mà rừng nguyên sinh ít bị bàn tay con người tác động. Những cây rừng cổ thụ cao sừng sững, to đến vài người ôm, tàn nhánh vươn rộng như che chở cho dân làng.

Dưới những tán rừng là những loại rau rừng, cây rừng mà người dân nơi đây dùng làm thực phẩm để ăn uống hằng ngày. Trưởng thôn Trà Ôi Hồ Văn Hoàng cho biết: Cả thôn có 88 hộ, với 352 nhân khẩu, 100% là hộ nghèo, cái ăn, cái mặc thiếu thốn. Đa phần người dân sống dựa vào rừng, nhưng tuyệt nhiên họ không phá rừng. Mỗi khi ở làng phát hiện có người lạ xuất hiện và có biểu hiện khả nghi, thì người dân sẽ báo cho chính quyền địa phương biết can thiệp, chứ không tiếp tay cho kẻ xấu.

Người dân thôn Trà Ôi tự đan chiếu từ cây rừng để sử dụng như cách mà tổ tiên họ truyền lại bao đời nay.
Người dân thôn Trà Ôi tự đan chiếu từ cây rừng để sử dụng như cách mà tổ tiên họ truyền lại bao đời nay.


“Cách đây mấy năm có hai người lạ vào làng bán một số đồ dùng và lân la dụ dỗ người dân tiếp tay phá rừng. Ngay lập tức hai đối tượng này bị người dân xua đuổi và thanh niên “hộ tống” ra đến UBND xã. Nhờ đó mà hàng trăm hecta rừng nguyên sinh ở đây vẫn xanh tốt. Từ năm 2011 đến nay, chưa xảy ra vụ phá rừng nào. Người dân nào muốn sửa chữa nhà thì đều có giấy xin phép và chỉ khai thác những cây rừng đã chết, chứ không chặt hạ cây đang xanh tốt. Dù nghèo khó, nhưng người dân rất có ý thức bảo vệ rừng”, ông Hoàng cho hay.

Không muốn rời nơi chôn nhau cắt rốn

Do nằm giữa rừng già, địa hình cách trở, đi lại khó khăn, nên vấn đề y tế, giáo dục ở đây còn lắm gian nan. Để đảm bảo chuyện học của con em, huyện Tây Trà đã đầu tư xây dựng một điểm trường lẻ bậc tiểu học, còn bậc THCS thì các em phải rời làng về trung tâm xã. Hầu hết người dân ở đây đều nghèo khó, cả thôn chỉ có vài chiếc xe máy, do đó học sinh THCS đến trường phải cuốc bộ nhiều giờ liền. Đi lại khó khăn, nên con chữ rơi rụng dần.

Đường về thôn Trà Ôi
Đường về thôn Trà Ôi


Gần đây, huyện Tây Trà đầu tư trường bán trú ở trung tâm xã nên các em không phải đi về trong ngày nữa và người dân thôn Trà Ôi cũng ý thức hơn chuyện học của con em mình, vì thế hầu hết các em học xong tiểu học là ra trung tâm xã tiếp tục học lên THCS.

Trước tình cảnh khó khăn của người dân thôn Trà Ôi, năm 2017 chính quyền huyện Tây Trà và xã Trà Xinh đã tổ chức vào làng họp dân vận động bà con di chuyển ra trung tâm xã ở và trích ngân sách hỗ trợ xây nhà, cấp đất canh tác cho bà con làm ăn. Song những buổi họp dân đều thất bại, vì người dân kiên quyết không rời làng, họ muốn định cư ổn định tại nơi chôn nhau cắt rốn mà tổ tiên truyền lại, cũng như để bảo vệ những vạt rừng nguyên sinh đã nuôi nấng họ bao đời nay.


Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


CÁC TIN KHÁC
.