Thăng trầm cuộc đời 'chị Hồng ve chai'

03:11, 27/11/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Những tưởng sau khi may mắn nhặt được 5 triệu yên Nhật vào năm 2014 ở TP.HCM, gia đình chị Hồng sẽ được “đổi đời”. Thế nhưng, cái “lộc” trời ban ấy đã không thể cho gia đình chị một cuộc sống sung túc, thư thả hơn. Giờ đây, khi nhắc đến nó, người con gái quê gốc Quảng Ngãi ấy lại thấy chạnh lòng.
 
 
Chị Hồng tiếp chuyện với tôi bên một quán nhỏ ven đường tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP.HCM. Ký ức tuổi thơ vất vả, năm tháng mưu sinh nơi đất khách quê người lần lượt được chị trải lòng giữa phố xá tấp nập người xe qua lại.
 
 
Cơ duyên với ve chai
 
Chị Hồng “ve chai” tên đầy đủ là Huỳnh Thị Ánh Hồng, 39 tuổi, sinh ra tại một vùng quê ở huyện Mộ Đức. Tuổi trăng rằm, chị là một thiếu nữ nhan sắc cũng thuộc hàng có tiếng tăm ở đây. 
 
Thế nhưng, chị lại không được may mắn, hoàn hảo như người ta, bởi lẽ hoàn cảnh gia đình bộn bề gian khó. Cũng chính vì lẽ đó mà chị Hồng không được đi học, không được đến trường như bạn bè cùng lứa, phải bươn chải ra đời sớm, cùng mẹ và em gái tất bật ở những bến thuyền mua lại cá của người ta mang ra chợ bán, kiếm tiền trang trải chi tiêu.
 
Nhưng rồi, những đồng tiền ít ỏi kiếm được cũng chẳng đủ đắp đổi qua ngày. Tròn 18 tuổi, chị Hồng quyết định vào Nam lập nghiệp, bỏ lại đằng sau cả một trời ký ức tuổi thơ vất vả ở xứ sở của mạch nha.
 
Ngày mới bước chân vào Sài Gòn, với một cô gái chẳng có tí chữ lận lưng, chẳng rành cái nghề nào cho ra hồn, chị Hồng khó xin được cho mình một công việc ổn định. Có chăng, chỉ được nhận vào làm ở các hàng quán bán thức ăn. Chị có thời gian dài gắn bó với việc làm thuê cho quán bán lẩu trên đường Tân Kỳ - Tân Quý.
 
Sau khi nhận được
Sau khi nhận được "lộc" trời ban, chị từng là bà chủ vựa ve chai, cưu mang những người thu mua ve chai nghèo khổ, cùng cảnh ngộ. 
 
Chị phải trải qua cả tá công việc khác nhau, từ lau nhà, rửa chén, nhặt rau, chạy bàn… và phải quần quật từ sáng đến tối khuya mới được nghỉ. Công việc vất vả nhưng chỉ được chủ trả với mức lương vài trăm ngàn trong tháng nên cũng chẳng thấm vào đâu so với mức sống được ví như “trên trời” nơi thành phố hoa lệ.
 
Rồi ai cũng phải có đôi có cặp. Chị Hồng trúng tiếng sét ái tình với người đàn ông đánh giày và gắn duyên với nhau từ thuở đó đến nay. Chồng chị cũng là người Quảng Ngãi, ngụ ở xã Đức Phong, huyện Mộ Đức. Trời sinh một cặp, ví như câu ca dao tôi thường nghe ông bà nhắc đến, rằng “Ta về ta tắm ao ta/Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Cái nghề thu mua ve chai cũng bắt đầu từ ngày định mệnh khi hai người về chung một mái nhà.
 
“Buôn ve chai không cần nhiều vốn, chỉ cần chăm chỉ, cần cù là có thể làm được, nên người ở Quảng Ngãi khi vô đây đa phần đều chọn nó để gắn bó. Riêng mình đỡ hơn vì có họ hàng bên nhà chồng dẫn đường chỉ lối làm ăn. Gia đình chồng có nhiều người đã gắn bó với nghề hàng chục năm”, chị kể.
 
Hằng ngày, trên chiếc xe đạp tròng trành, chị Hồng rong ruổi khắp các con đường, ngõ hẻm ở Tân Bình nhặt nhạnh từng vỏ chai nhựa, phế liệu mà người Sài Gòn vứt đi. Cứ nơi nào có ve chai, phế liệu là chị có mặt. Chẳng nề hà nắng mưa hay mùi hôi từ các bãi rác. Ngày nào cũng như vậy, chị cứ sáng chạy đi, chiều chạy về xóm trọ trên đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình.
 
                                                            
Được “lộc” trời ban
 
Một người bạn của tôi từng nói, mảnh đất Sài Gòn rất thích hợp cho những ai biết kiên trì, nhẫn nại, cố gắng và không bao giờ có suy nghĩ bỏ cuộc. Bất kể nghề nào cũng sẽ được đền đáp xứng đáng nếu có đủ các yếu tố đó. 
 
Nghề ve chai cứ thế gắn bó với người phụ nữ này hơn nửa đời người. Chị Hồng như cánh chim không mỏi, tần tảo quanh năm suốt tháng với nghề. Đến năm 2014, trong một lần chồng chị mang chiếc loa thùng ra đập nát để cân phế liệu bán thì bất ngờ được “lộc trời” ban với 5 triệu Yên Nhật được giấu trong đó.
 
“Mình cứ nghĩ đó là tiền âm phủ hoặc tiền không có giá trị nên tặng hàng xóm mỗi người một vài tờ kỷ niệm. Đến khi có người phát hiện là tiền Yên Nhật, có giá trị cao gấp nhiều lần so với tiền Việt thì mình mới ngộ ra”- chị Hồng chia sẻ.
 
 
Vựa ve chai phá sản. Chị phải làm lại từ đầu.
Vựa ve chai phá sản. Chị phải làm lại từ đầu và không nề hà bất cứ việc gì.
 
Vốn thật thà, vợ chồng chị đã đem toàn bộ số tiền đó giao nộp cho Công an quận Tân Bình, những mong sẽ có người mất đến tìm lại. Mãi sau hơn một năm trời, chẳng có tung tích gì về chủ nhân nên theo luật định, vợ chồng chị được toàn quyền sở hữu. Lúc đó, chị Hồng vui đến nỗi chẳng thốt nên lời. Cuộc sống gia đình bắt đầu có sự thay đổi và xáo trộn.
 
Chị Hồng cho hay, nhiều người đồn đại, thậm chí có vài tờ báo nói chị đổi được cả tỷ đồng nhưng thật ra thông tin đó không chính xác. Thực tế, chị chỉ nhận được 700 triệu. Vợ chồng quyết định trích ra 300 triệu đồng tặng cho họ hàng hai bên có hoàn cảnh nghèo khó; chi 50 triệu đồng sửa lại căn nhà ở quê và đi làm từ thiện hơn 100 triệu nữa, chỉ còn giữ lại một ít vốn làm ăn, vì nghĩ “của thiên phải trả địa” nên cần phải biết sẻ chia niềm vui ấy cho thật xứng đáng.
 
Số tiền còn lại chị Hồng gửi một ít vào ngân hàng xem như “của để dành” phòng khi đau ốm, phần lớn đầu tư mở vựa thu mua ve chai trên đường Trần Văn Quang. Nơi đó đã từng trở thành chốn cưu mang những phận đời khốn khó cùng quê, cùng nghề với chị, bên cạnh việc làm ăn kinh tế.
 
 
 “Nghèo lại hoàn nghèo”
 
Dấu mốc ấy đã không thể giúp cuộc sống gia đình chị sung túc hơn. Làm bà chủ tuy có khỏe, sướng cái thân, thoát khỏi cảnh rày đây mai đó, nhưng vì chưa có kinh nghiệm nhiều trong quản lý mà tiền của lần lượt “đội nón” ra đi. Đỉnh điểm là cách đây chưa đầy một tháng, chị Hồng phá sản. Những giọt nước mắt đã lăn trên gò má hằn những vết sạn thời gian khi câu chuyện buồn ấy được kể.
 
Lý do dẫn đến kết cục đau lòng đó là do vựa ve chai của chị không thể cạnh tranh với các vựa khác. Họ giàu, sắm được xe tải lớn nên không tốn nhiều chi phí vận chuyển, thu vào bán ra với giá cao, còn chị thì chỉ ở mức nhỏ lẻ.
 
“Giờ cái gì có giá thì họ mang đi cân cho những vựa lớn, còn cái gì rẻ tiền, không có giá trị mấy thì họ mang đến bán cho mình, dần dà thì mất hết mối. Làm ăn không hiệu quả, riêng tiền thuê mặt bằng một tháng 16-17 triệu đồng, lại tốn tiền trả lương cho người làm, nên gia đình quyết định từ bỏ tất cả để làm lại từ đầu”- chị Hồng bộc bạch.
 
 
Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng chị chẳng nề hà.
"Ngã ở đâu, đứng lên ở đó", chỉ có đồng tiền làm ra bằng mồ hôi nước mắt mới thật sự tồn tại được lâu, chị vẫn đang cố gắng từng ngày để vượt qua thời điểm khó khăn. 
 

Điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ tới “tổ ấm” của chị, thậm chí làm xáo trộn mọi thứ. Đứa con gái lớn phải gác lại việc học ở Sài Gòn và ra Hà Nội bán mỹ phẩm thuê cho một công ty; đứa con trai thì cũng chẳng hy vọng gì bởi lạ trường, lạ bạn nên việc học ngày một trì trệ. Còn chồng chị bỗng dưng thất nghiệp từ cái ngày vựa ve chai không còn. Phần lớn chi tiêu đặt hết lên đôi vai của người phụ nữ cần được chở che ấy.
 
Chị rầu rĩ, tiền trên trời rơi xuống chẳng khi nào bền, có chăng nó chỉ giúp được mình trong một lúc nào đó thôi. Nhưng chẳng nghĩ rằng nó lại lấy đi của mình nhiều thứ quá. Đồng tiền làm ra bằng mồ hôi nước mắt mới thật sự tồn tại được lâu. 
 
“Lộc” trời ban cho không còn nhiều. Bây giờ, chị chỉ cầu mong sức khỏe thật tốt. Chị thầm nhủ “ngã ở đâu sẽ đứng lên ở đó” nên quyết định trở về lại với cái nghề đã gắn với chị mấy chục năm qua- nghề lượm ve chai, đồng nát. Chỉ có khác một điều là, thỉnh thoảng khi có “mối lớn”, chị đã biết liên kết với vài ba người nữa hùn tiền thu mua và chia lợi cùng nhau.
  
Thương chị, nhiều phụ nữ từng được chị “nhường cơm xẻ áo” đã đồng tâm giúp đỡ. Bà Bảy, một người gắn bó thân thiết với chị Hồng cho biết, cứ tưởng con Hồng phất lên từ khi nhặt được tiền Yên Nhật nhưng đời mà, ai biết trước được điều gì. Số nó thật gian truân.
 
Uống vội hớp nước mía, chị Hồng lại trở lại với công việc thường nhật tại kho phế liệu. Nhìn cảnh người đàn bà khiêng vác những vật dụng có trọng lượng nặng mà tôi cảm thấy xót thương thay. Chẳng ai nghĩ, chị lâm vào cảnh ngộ như thế. Sau nhiều năm nhận được "lộc trời", chị vẫn sống trong căn nhà thuê tạm bợ trên đường Trần Văn Quang, với những lo toan nơi đất khách quê người. 
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
 

CÁC TIN KHÁC
.