Nghị lực của một bác sĩ trẻ mắc bệnh ung thư

07:11, 25/11/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vóc dáng nhỏ bé, nhưng khi kể về cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư giai đoạn 4 của mình, Lê Thị Thu Hân (26 tuổi) vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh đến kỳ lạ. Ánh mắt Hân vẫn đong đầy niềm lạc quan về tương lai.


Thu Hân hiện đang là bác sĩ khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi. Và hành trình 2 năm vừa làm việc, vừa tự điều trị bệnh của Hân đã truyền niềm tin, sự lạc quan cho nhiều người.



Tin vào những điều phi thường


Nhà ở tổ dân phố 1, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn), một ngày mới của Hân bắt đầu từ lúc 4 giờ sáng.  Cô dậy sớm để ngồi thiền, sau đó tự tay pha chế các loại đồ uống từ rau củ, thảo dược... nguồn năng lượng cho một ngày làm việc đầy bận rộn tại nơi mình công tác. Thói quen ấy lặp đi lặp lại gần hai năm qua, kể từ ngày các bác sĩ chẩn đoán cô bị bệnh ung thư cơ vân (Sarcoma mô mềm dạng hốc), một dạng ung thư hiếm gặp, nghi giai đoạn 4, gồm khối u ở cơ tứ đầu đùi, xương đùi và nhiều nốt ở 2 phổi.

 

Bác sĩ Hân khám bệnh cho trẻ em.
Bác sĩ Hân khám bệnh cho trẻ em.


Theo phác đồ điều trị tại bệnh viện, Hân cần trải qua 6 đợt hóa trị và 35 lần xạ trị. Tuy nhiên, sau 3 lần hóa trị, Hân nhận thấy bệnh tình kém đáp ứng với hóa trị và hạ quyết tâm lên kế hoạch điều trị cho bản thân mình bằng chế độ kiêng hoàn toàn tinh bột và đạm động vật. Hân nhịn ăn và chỉ uống nước ép từ rau củ quả, sữa làm từ hạt, cùng với luyện tập thể thao và thiền đều đặn.

Gặp Hân sau giờ làm việc, nụ cười lạc quan, chân thành và đầy khát vọng sống, tôi cảm nhận được một nội lực sống tràn trề ẩn sâu trong cơ thể gầy gò vì bệnh tật. Hân bảo, năm 2016, lúc nhận ra những dấu hiệu bất thường từ cơ thể, em đi khám bệnh và được bác sĩ báo tin rằng em chỉ còn sống được vài tháng. Lúc đó Hân sốc nặng và sợ, vì chỉ mới 24 tuổi, lại vừa mới ra trường, còn gia đình với bố mẹ già và biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão vẫn chưa thực hiện...

Nhớ lại mỗi lần hóa trị trở về, vài hôm sau nhìn vào gương, thấy mái tóc đen mượt dần ngã màu, bắt đầu rụng thưa dần làm Hân luôn ám ảnh, tự ti với mọi người xung quanh. Hân kể rồi lấy ra cho chúng tôi xem tấm hình in trên thẻ bác sĩ mà Hân đeo trên cổ khi chụp vào thời điểm sau kết thúc hóa trị vài tháng.

Mái tóc vừa mọc lại, thưa, ngắn ngủn. "Thời điểm đó, em không dám đứng trước gương, vì em còn không nhận ra mình nữa, xanh xao và gầy yếu, sút gần 10kg (cười). Nhưng giờ thì anh thấy đấy, tóc em nay đã dày và xanh như những ngày đầu chưa từng có chuyện gì xảy ra, sức khỏe cũng đã khá hơn rất nhiều. Hằng ngày, em vẫn làm việc như bao y, bác sĩ khác. Mặc dù lãnh đạo và đồng nghiệp đã ưu ái cho em rất nhiều, gánh vác cho em hết những phần việc nặng, song em tự nhủ phải sống sao cho trọn vẹn từng giờ, từng phút trong những ngày em được sống", Hân tâm sự.

Không thôi nuôi hy vọng vào điều thần kỳ sẽ đến, chính điều đó đã giúp Hân mạnh mẽ vượt qua những ngày ủ dột của đời mình và cô bác sĩ nhỏ bé dành được tình cảm đặc biệt của những người xung quanh. Trên trang facebook cá nhân của Hân, nhiều bạn bè đã không ngớt lời khen, nể phục, ngưỡng mộ trước tinh thần chiến đấu ngoan cường trước bệnh tật của Hân. Dù vậy, trước mắt nữ bác sĩ trẻ này là một chặng đường đầy chông gai...
 


Mơ về một mái ấm


Năm 2016, Hân tốt nghiệp loại giỏi chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Dược Huế, vinh dự nằm trong diện được tỉnh thu hút về làm việc tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi. Làm việc chưa được bao lâu, Hân phải tạm gác công việc, ngược xuôi đi điều trị bệnh tại Đà Nẵng rồi TP.Hồ Chí Minh. Hân bảo rằng mình có một tình yêu thật đẹp. Người yêu của Hân cũng là bác sĩ. Thời sinh viên Hân học ở Huế, còn "nửa kia" thì học ở TP.Hồ Chí Minh.

 

Thu Hân và người cha của mình khi tốt nghiệp đại học y khoa.
Thu Hân và người cha của mình khi tốt nghiệp đại học y khoa.
 
 
Sau khi tốt nghiệp, cả hai đều về công tác tại Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi. Hân thổ lộ, có mạnh mẽ đến nhường nào thì trong những ngày bệnh nặng, con người ta cũng cần một điểm tựa, bên cạnh gia đình thì anh ấy là một điểm tựa vững chắc trong cuộc chiến giành giật lại sự sống của em. Căn bệnh này đã cướp đi của em rất nhiều thứ, nhưng ân tình mà anh ấy và rất nhiều người khác đã dành cho em thì mãi đong đầy theo ngày tháng.

Không dám ước mơ hay nhắc nhiều đến tình yêu trong những ngày tháng phía trước, vì thấy mình còn nhiều nỗi lo. Chi phí chữa bệnh, rồi sức khỏe, Hân bảo không muốn người mình yêu phải khổ theo. Không khổ sao được, khi ba mẹ Hân nay đã gần 60 tuổi. Nhà chỉ có hai chị em, kinh tế gia đình chẳng có gì ngoài số tiền lương hưu ít ỏi của ba mẹ và số tiền lương hằng tháng mà Hân nỗ lực làm việc để có được.

Gia đình Hân đã tốn khá nhiều chi phí để giành lại sự sống cho Hân trong hai năm qua, vì thế kinh tế cũng lâm vào khó khăn. Chưa dám xây dựng một tổ ấm cho mình, nhưng chia sẻ về chuyện tương lai, Hân nói bằng khẩu khí chắc nịch: “Nhớ lại những ngày tháng đầy gian nan và khó khăn đã qua, em cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều những bệnh nhân ung thư khác, khi bên cạnh em vẫn còn có gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và rất nhiều người tốt trong cộng đồng ủng hộ, tiếp sức. Em sẽ không bao giờ buông xuôi. Em vẫn nuôi dưỡng ước mơ được đi làm, được khám và chữa bệnh cho mọi người, vượt qua khó khăn tài chính lẫn tinh thần, để chống chọi với bệnh tật, để được sống, được có thêm nhiều cơ hội. Đó cũng là cách để em tri ân những tấm lòng đã luôn sát cánh bên mình”.
 

 “Cuộc chiến thầm lặng” là diễn đàn trên mạng xã hội Facebook mà Hân đang tham gia. Trên diễn đàn này, Hân đã học hỏi tinh thần mạnh mẽ của rất nhiều người, nhận được sự động viên của mọi người và chia sẻ những thông tin về kinh nghiệm chữa bệnh ung thư mà Hân đúc kết trong quá trình tự tìm tòi, nghiên cứu những phương pháp chữa bệnh từ dân gian đến hiện đại để chữa bệnh cho mình. Phương pháp của Hân nhận được phản hồi tích cực từ rất nhiều bệnh nhân khác.


Bài, ảnh: NGỌC VIÊN

 


CÁC TIN KHÁC
.