Lan tỏa lòng nhân ái

07:04, 08/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Trong cuộc sống, có rất nhiều hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã, việc giúp đỡ họ vượt qua khó khăn để sống tốt, sống có ích là điều nên làm và đó cũng là mang lại hạnh phúc cho chính mình". Với tâm niệm đó, Đại đức Thích Hạnh Đạt, trụ trì chùa Thủy Long, ở xã Đức Phong (Mộ Đức) đã dang rộng vòng tay với những phận nghèo, lan tỏa tình thương, lòng nhân ái trong cộng đồng.

TIN LIÊN QUAN

Gần mười năm qua, ngôi chùa Thủy Long trở thành mái ấm của hàng chục đứa trẻ mồ côi, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Đại đức Thích Hạnh Đạt, tuổi tuy mới ngoài 40, nhưng lúc nào cũng như một người cha, nhiệt tâm chăm nom những đứa trẻ bất hạnh từ miếng ăn, giấc ngủ, rồi dạy bảo những lẽ sống ở đời. Không những thế, trụ trì ngôi chùa này còn làm nhiều việc thiện nghĩa ở địa phương.

Mang lại cuộc đời mới

Lúc tôi vừa đặt chân đến cổng chùa, lũ trẻ tíu tít chạy ra đón. Đại đức Thích Hạnh Đạt âu yếm nhìn những đứa trẻ, rồi bảo: "Tụi nhỏ thế đấy, rất vui mỗi khi có khách". Nhâm nhi ly trà nóng, Đại đức Thích Hạnh Đạt cho biết, ông quê ở xã Hương Toàn, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế), xuất gia tu hành năm 20 tuổi. Năm 2010, ông đến với chùa Thủy Long như một mối nhân duyên và quyết định gắn bó cuộc đời mình với ngôi chùa này, để tiếp tục hành trình thiện nguyện, sống “tốt đời, đẹp đạo” như tâm niệm mà ông theo đuổi.

Nguyên An đứa trẻ “đặc biệt” ngày nào thì nay đã hoạt bát, vui vẻ trò chuyện với sư thầy Thích Hạnh Đạt.
Nguyên An đứa trẻ “đặc biệt” ngày nào thì nay đã hoạt bát, vui vẻ trò chuyện với sư thầy Thích Hạnh Đạt.


Trong khuôn viên ngôi chùa được xây dựng rộng rãi, khang trang có một khu nhà thoáng mát, nhỏ xinh. Đó là mái ấm dành riêng cho bọn trẻ. Gần 10 năm qua, Đại đức Thích Hạnh Đạt đã nhận nuôi 30 đứa trẻ mồ côi, nghèo khó. Ông đã dành tình yêu thương cho các em như người thân ruột thịt. Sư thầy cho biết, nhiều em đã lớn khôn và lập gia đình riêng, hiện tại ở chùa còn 10 cháu. Mỗi đứa trẻ là một mảnh đời khác nhau, nhưng cùng chung nỗi bất hạnh, có cháu không có bố mẹ, cháu thì bố mẹ bỏ nhau, có cháu nhà quá nghèo...
 

“Trong cuộc sống, có rất nhiều hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã, việc giúp đỡ họ vượt qua khó khăn để sống tốt, sống có ích là điều nên làm và đó cũng là mang lại hạnh phúc cho chính mình".
 Đại đức THÍCH HẠNH ĐẠT

Trong tâm trí của vị trụ trì chùa Thủy Long, ông nhớ như in cảm xúc khi nhận nuôi đứa trẻ đầu tiên. Hơn 7 năm trước, một gia đình ở Quảng Trị vì hoàn cảnh quá khó khăn không thể nuôi con, nên nhờ nhà chùa giúp đỡ. Đó là bé Nguyên Hòa, học lớp 2. Nguyên Hòa tính rất hiếu động, cũng có lúc ương bướng không nghe lời, lúc bấy giờ sư thầy phải học cách làm cha, làm mẹ, nuôi dạy cháu bé bằng tất cả tình yêu thương của mình.

Còn với cậu bé Nguyên An, sư thầy bảo: Đó là đứa trẻ đặc biệt nhất, vì em từng bị bệnh tự kỷ. Cách đây 5 năm, gia đình Nguyên An từ Quảng Nam dẫn em vào chùa và xin gửi em ở lại. Ban đầu, sư thầy vẫn chưa biết tình trạng bệnh tình của em. Nói chuyện với nhà chùa khoảng 30 phút thì gia đình ra về. Sư thầy lúng túng không hiểu chuyện gì đang xảy ra với đứa trẻ 4 tuổi này. Liên lạc với gia đình, sư thầy mới hay em bị bệnh tự kỷ. Nguyên An không thể tự chăm sóc bản thân, dù là những công việc đơn giản nhất. Thế là, sư thầy vừa làm “bố mẹ, vừa là giáo viên và là bác sĩ" đồng hành cùng Nguyên An. Nỗ lực của sư thầy đã giúp cho Nguyên An giờ đây đã có thể hòa nhập với cuộc sống...

Trò chuyện cùng chúng tôi thấm thoắt đến giờ cơm trưa. Sư thầy từ tốn xin dừng cuộc nói chuyện, để ghé sang nhà ăn xem cơm nước cho các con thế nào. Vừa nghe giọng sư thầy, những đứa trẻ chạy ùa ra tranh nhau hỏi đủ thứ. Mỗi đứa trẻ một phần việc, đứa dọn chén đũa, đứa xới cơm, em thì bày biện thức ăn lên bàn...

Có đến tận nơi, mới thấy hết nỗi vất vả, cực nhọc của Đại đức Thích Hạnh Đạt khi chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh. Từ dọn dẹp phòng ở, đến đi chợ, nấu ăn, thậm chí là vệ sinh cá nhân cho những trẻ còn nhỏ tuổi, sư thầy đều đảm đương; tối đến lại kèm các cháu học. Không một lời la mắng, sư thầy dạy bảo những đứa trẻ bằng tình yêu thương. Bởi thế, mái nhà chung của trẻ mồ côi, nghèo khó ở chùa Thủy Long luôn ấm cúng. Dẫu số phận bất hạnh, nụ cười vẫn luôn nở trên môi của những đứa trẻ. Còn với Đại đức Thích Hạnh Đạt, sư thầy rạng ngời hạnh phúc, mỗi khi nhắc đến những em đã tốt nghiệp đại học,  có việc làm ổn định và lập gia đình riêng...

Sống trong đời cần có một tấm lòng

Các em sống ở chùa Thủy Long xem nhau như anh em trong gia đình, cùng phụ giúp nhau những công việc hằng ngày.
Các em sống ở chùa Thủy Long xem nhau như anh em trong gia đình, cùng phụ giúp nhau những công việc hằng ngày.

 

 Mong các em có cuộc sống bình an, hạnh phúc

Những đứa trẻ sống ở chùa đều được Đại đức Thích Hạnh Đạt đặt cho tên mới. Nguyên Hòa, Nguyên An, Nguyên Thân... Tên gọi do sư thầy đặt đều mang ý niệm về sự an lành, tươi đẹp, với mong muốn sau này các em có một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Không chỉ nhận nuôi những đứa trẻ mồ côi, nghèo khó, Đại đức Thích Hạnh Đạt còn là điểm tựa của nhiều mảnh đời nghèo khó. Sư thầy không nhớ rõ mình đã giúp đỡ cho bao nhiêu người, bởi cứ nghe ở đâu có người gặp khó khăn là sư thầy lại tìm đến giúp đỡ. Mỗi tháng vào ngày rằm,  mùng 1, sư thầy nấu 800 suất cơm chay phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Trung tâm Y tế huyện Mộ Đức.

Có được bao nhiêu tiền, sư thầy đều dành dụm, tích cóp để lo cho trẻ mồ côi và những mảnh đời nghèo khó. "Có ít thì ủng hộ những học sinh nghèo hiếu học, người tàn tật. Có nhiều thì đi khắp nơi để giúp đỡ những gia đình khó khăn, người già neo đơn, xây nhà tình thương... Giúp được từng hoàn cảnh, thì niềm vui lại lan tỏa khắp tâm hồn”, sư thầy Thích Hạnh Đạt bộc bạch.

Nhân dân ở địa phương ai cũng quý trọng Đại đức Thích Hạnh Đạt, bởi những việc làm xuất phát từ tâm của thầy. Bà Nguyễn Thị Thế, ở thôn Văn Hà, xã Đức Phong, phấn khởi nói: Không ai như sư thầy Hạnh Đạt, trước kia người dân thiếu ý thức vứt rác bừa bãi, mất mỹ quan ở khu dân cư. Vậy mà, sư thầy đã nhặt từng cộng rác, bao bì các thứ gom lại một chỗ, rồi xử lý.

Nhiều lần thấy sư thầy đi nhặt rác, người dân cũng dần ý thức được việc thu gom rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh chung. Trước đây, vào mùa mưa đường sá sình lầy, người dân đi lại khó khăn. Thấy thế, sư thầy hỗ trợ kinh phí để làm đoạn đường bê tông, lắp thêm đèn điện ở những đoạn đường vắng người qua lại...  

Đại đức Thích Hạnh Đạt đã có những việc làm đầy ý nghĩa, lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng, xã hội. Sư thầy vẫn thường dạy trẻ con ở chùa, rằng: “Mình ăn ít một chút, giản dị một chút, làm nhiều hơn một chút, mà có thể giúp đời, giúp người thì nên lắm!”. Ai cũng cần có một tấm lòng, sư thầy tâm niệm như thế và ông vẫn luôn cố gắng để thực hiện tâm nguyện của mình, để cuộc đời thêm tươi đẹp.


Bài, ảnh: TRUNG ÂN

 


CÁC TIN KHÁC
.