Đêm nằm lo... đất lở

06:03, 31/03/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là những đêm mà người dân có nhà nằm dọc theo bờ biển xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) chẳng ai dám ngủ. Mọi người cùng thức canh tới sáng và bất lực nhìn những đợt sóng biển khoét sâu vào đất liền hàng chục mét, rồi cuốn phăng ra biển.

TIN LIÊN QUAN

“Phần vì sạt lở, phần vì diện tích mặt nước không ngừng biến động, nên kết quả đo đạc bản đồ hiện trạng vào năm 2016 cho thấy, diện tích tự nhiên của xã Tịnh Kỳ hiện đã giảm hơn 100ha so với thời điểm năm 2005 (từ 445,5ha, giờ còn 343,5ha). Nghĩa là Tịnh Kỳ đã giảm hơn 1/5 diện tích tự nhiên”, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến, chua xót cho biết.

Teo tóp vì biển lấn

Trãi qua 60 năm gắn bó với làng An Vĩnh (Tịnh Kỳ), ông Phạm Ngọc Thanh là một trong những nhân chứng tận tường những thăng trầm của vùng đất hai phía giáp biển, một phía cạnh sông này.

Kè chắn sóng bằng bê tông do người dân thôn An Vĩnh (Tịnh Kỳ) tự làm để ngăn biển xâm thực, bị sóng biển đánh tan hoang trong đợt mưa bão cuối năm 2017.
Kè chắn sóng bằng bê tông do người dân thôn An Vĩnh (Tịnh Kỳ) tự làm để ngăn biển xâm thực, bị sóng biển đánh tan hoang trong đợt mưa bão cuối năm 2017.


Lấy điểm sân vận động thôn An Vĩnh làm “mốc” để mô tả về sự khốc liệt của biển, ông Thanh kể: “Khoảng mười mấy năm về trước, sân vận động An Vĩnh và tòa nhà nằm trên sân vận động, cách mép nước chừng 500 – 600m. Vậy mà bây giờ, từ tòa nhà bước ra biển, chỉ còn cỡ 100m là cùng. Biển đã lấn vào đất làng nhanh dến không thể tưởng tượng nổi”.

“Qua mỗi mùa mưa bão, biển lại gần nhà tôi thêm một đoạn. Không biết đến đời con cháu mình, có còn giữ lại được ngôi nhà, mảnh đất này nữa không?”.
Ông TRẦN VĂN SỰ, ở thôn An Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi).
Hơn nửa đời người sống ngay bờ biển thôn An Kỳ (Tịnh Kỳ), nên mùa mưa bão năm nào, gia đình ông Trần Văn Sự cũng phải di dời tài sản và sang nhà khác trú tạm. “Không có kè chắn sóng, nên mỗi lần bước vào mùa mưa bão, sóng biển có khi đánh vào đến tận cửa nhà. Qua mỗi mùa mưa bão, biển lại gần nhà tôi thêm một đoạn. Không biết đến đời con cháu mình, có còn giữ lại được ngôi nhà, mảnh đất này nữa không?”, ông Sự thở dài.

Không chỉ “ngoạm” đất làng, ngọn núi An Vĩnh, một trong hai ngọn núi thuộc danh lam Thạch Ky Điếu Tẩu, nằm sừng sững ngay mé biển từ bao đời nay, được bảo vệ bởi những khối đá đen vững chãi được hình thành từ dung nham núi lửa hàng triệu năm trước, nhưng nay cũng đã bị biển lấn.

“Cơn bão số 12 cuối năm ngoái, đã làm ngọn núi này bị sạt một đoạn dài khoảng 50m và bị nước biển khoét sâu vào trong lòng núi khoảng 3m. Lúc núi lở, chúng tôi bàng hoàng. Vì đó là nơi rất vững chãi, có cây xanh giữ đất và có các vỉa đá trầm tích bao bọc xung quanh. Vậy mà, biển vẫn khoét được, chỉ sau một đêm”, ông Phạm Ngọc Thanh ở thôn An Vĩnh  bàng hoàng nhớ lại.
 

 

Sóng biển khoét sâu hơn 3m vào lòng núi An Vĩnh, khiến những cây dương liễu mọc trên núi bị tróc gốc và cuốn trôi ra biển.
Sóng biển khoét sâu hơn 3m vào lòng núi An Vĩnh, khiến những cây dương liễu mọc trên núi bị tróc gốc và cuốn trôi ra biển.

Con tuyến đường công vụ nằm dọc theo vành đai biển Tịnh Kỳ, cách biển chừng 30m và cách nhà dân chưa đầy 10m, được xây dựng vào đầu năm 2017, nhưng đến cuối năm, chỉ sau một mùa mưa bão, đã bị xóa sổ không còn vết tích...

“Cuộc chiến” không cân sức

Không đành lòng nhìn đất làng trôi dần ra biển, người dân Tịnh Kỳ rủ nhau bước vào “cuộc chiến” với biển, để giành lại từng tấc đất, mảnh vườn.

Kè biển chờ, kè sông... chậm

Trong khi kè biển chờ, thì 3,5km đê bao ứng phó với biến đổi khí hậu dọc sông Bài Ca đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Trong khi kè biển chờ, thì 3,5km đê bao ứng phó với biến đổi khí hậu dọc sông Bài Ca đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Phía đông và nam của Tịnh Kỳ giáp biển Đông, còn phía bắc giáp sông Bài Ca và sông Chợ Mới, nên Tịnh Kỳ là xã vừa bị sạt lở ven biển, vừa sạt lở ven sông. Trong khi kè ven biển chưa được đầu tư, vì không có kinh phí, thì 3,5km đê bao ứng phó với biến đổi khí hậu dọc sông Bài Ca, dù được Trung ương bố trí vốn để xây dựng theo Chương trình ứng phó với Biến đổi khí hậu SP-RCC. Theo kế hoạch được phê duyệt, dự án này đáng lẽ thực hiện từ 2015 - 2017, nhưng hiện dự án vẫn chưa hoàn thành và chủ đầu tư là Sở TN&MT vừa xin điều chỉnh thời gian đến năm 2019.

Nước biển chỉ còn cách nhà mấy mươi bước chân, nên người dân xóm Kỳ Đông, thôn An Kỳ cùng nhau trồng dừa, dương liễu. Dọc bờ biển, những thân tra, dừa, dương liễu nối tiếp nhau tạo thành một “kè” chắn sóng thiên nhiên. “Trồng cây để ngăn biển lấn, ngăn gió thốc. Nhưng đất đai chật chội, nhà cửa cứ san sát nhau, nên dù rất muốn, chúng tôi vẫn không có đủ đất để trồng nên tầng tầng, lớp lớp cây xanh”, ông Lý Văn Gần, xóm Kỳ Đông trầm ngâm.

Nỗ lực vượt qua sự khốc liệt của thiên nhiên, nhưng trước sự bất lợi về địa hình, lớp cây xanh chắn sóng ven biển Tịnh Kỳ không kham nổi sóng gió, không đủ sức bảo vệ, che chắn cho người dân trước sự tàn phá của sóng biển vào mỗi mùa mưa bão. “Chỉ có cây không, thì đâu có đủ. Đi dọc theo bờ biển Tịnh Kỳ, nhất là ở những đoạn hay sạt lở, có biết bao gốc dừa bị sóng biển đánh đến bật cả gốc”, ông Gần bảo.

Tất bật cùng chồng sửa sang lại đoạn kè xi măng mới bị sóng đánh vỡ tan trước nhà mình, bà Lý Thị Thủy, ở thôn An Vĩnh kể; hồi trước, mép biển ở tít ngoài kia, cách nhà tận 300 – 400m; có một khoảng sân rộng trước nhà, nên cơ sở hấp cá của bà chẳng bao giờ phải lo về phần sân phơi cá. “Rồi biển tiến vào dần, chỉ còn cách nhà tôi mấy chục mét. Đến năm 2009, bão lũ lịch sử, sóng tạt vào tận cửa nhà. Mảnh vườn nhà tôi bị biển lôi ra gần hết. Hoảng quá, tôi mới mua cát, mua đất đổ bù vào, rồi xây kè giữ đất, giữ nhà, kẻo biển lấy hết”, bà Thủy buồn rầu kể.

Đối mặt với nguy cơ biển “nuốt” nhà, năm 2012, bà Thủy tự bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua đá, xi măng để làm kè chắn sóng ngay trước nhà mình. Nhưng rồi sau đợt mưa bão năm ngoái, một phần bờ kè kiên cố làm bằng bê tông của gia đình bà Thủy đã bị sóng đánh vỡ vụn.

Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Trần Đình Tiến trăn trở, đặc thù địa hình của xã là các thôn đều nằm trải dài theo đường bờ biển dài khoảng 4km, nên có nhiều khu dân cư chỉ cách mép biển khoảng 20m, rồi tuyến đường liên xã, có đoạn chỉ cách mép biển khoảng 100m. Trong khi đó, thời tiết thì ngày càng diễn biến cực đoan, nên nếu không được sớm đầu tư công trình kè chắn sóng dọc biển, tình hình sạt lở sẽ tiếp tục lan rộng và đe dọa đến nhiều khu dân cư, công trình và đất đai của địa phương.
 

Bài, ảnh: Ý THU
   
 


CÁC TIN KHÁC
.