Sáng ngời niềm tin

02:11, 13/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 20 năm qua, người dân ở thôn Tự Do, xã Tịnh Ấn Đông (TP.Quảng Ngãi) vô cùng quý trọng tinh thần không khuất phục số phận của ông Phùng Văn Vinh (47 tuổi). Câu chuyện về cuộc đời ông kỳ diệu như nghị lực sống của chàng trai không tay, không chân Nick Vujicic.

Tôi thật sự cảm phục khi được nghe ông Vinh kể về những nghịch cảnh trong cuộc đời mà ông lần lượt trải qua, để có một cuộc sống gia đình đầm ấm như hiện nay. Nick Vujicic nói: “Nếu tôi thất bại, tôi sẽ thử làm lại, làm lại và làm lại nữa. Tinh thần con người có thể chịu đựng được những điều tệ hơn là chúng ta tưởng”. Ông Vinh cũng có nghị lực như Vujicic.

Biến cố cuộc đời

Sinh ra trong gia đình đông anh em, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nên học đến hết cấp 2 ông Vinh phải nghỉ học theo anh chị vào Đắk Nông làm kinh tế, phụ giúp gia đình. Vừa làm cho anh chị, vừa khai hoang mở đất, ông Vinh cũng dần có hơn 1ha cà phê cho riêng mình. Làm việc chăm chỉ, tích lũy chút ít vốn, năm 29 tuổi, ông Vinh lập gia đình.

Gia đình nhỏ của ông Vinh luôn ngập tràn tiếng cười và tình yêu thương.
Gia đình nhỏ của ông Vinh luôn ngập tràn tiếng cười và tình yêu thương.


Sau gần nửa năm kết hôn, vợ ông mang thai đứa con đầu lòng và đó cũng là thời điểm giông bão cuộc đời ập đến với ông. “Khi vợ mang thai vài tháng, mắt trái của tôi bắt đầu mờ dần, nhìn hình ảnh không còn rõ nét nữa, rồi những cơn đau đầu cứ xuất hiện liên tục”, ông Vinh nhớ lại. Linh cảm có chuyện không lành, ông vào Sài Gòn khám bệnh và được bác sĩ kết luận bị viêm màng bồ đào, diễn biến bệnh đang tiến triển rất nhanh.

 

"Những người bị khiếm khuyết trên cơ thể, đặc biệt người khiếm thị, đa số đều tự ti, khép mình với mọi người, nên tôi muốn mang lại niềm tin, sự tự tin cho họ bằng việc kể câu chuyện của cuộc đời mình. Đừng bỏ cuộc, hãy sống vì những người thân yêu quanh ta. Đừng bao giờ ngừng cố gắng, đứng yên là chấp nhận để số phận chôn vùi bản thân".
Ông PHÙNG VĂN VINH

Thời điểm đó, bệnh viện không có cách gì để điều trị. Đến khi vợ mang thai tháng cuối, ông Vinh dẫn vợ về quê để sinh nở. Lúc bấy giờ, thị lực của ông đã giảm xuống rõ rệt, không nhìn rõ được gì, nhưng sợ vợ lo lắng, ông giấu kín và tự đối mặt với căn bệnh của mình. Ông Vinh kể: Lúc dẫn vợ về sinh, xe khách ghé vào một quán cơm ven đường. Quán rất đông khách, vợ chồng tôi đang ăn, thì có một em bé gái khoảng 6, 7 tuổi dẫn người cha bị khiếm thị hát rong, xin tiền. Đa số những người trong quán đều lơ đi, rất ít người quan tâm và cho tiền hai cha con. Dẫn người cha đi, cô bé chảy nước mắt. Tự dưng lúc đó, nước mắt tôi cũng rơi. Tôi tự nghĩ về bản thân mình và sợ hãi...”.

Như dự cảm trước về cuộc đời mình, nhưng ông lại không nghĩ căn bệnh biến chứng nhanh như thế. Ngày vợ sinh đứa con gái đầu lòng, ông vui mừng khôn xiết. Thế nhưng trong lòng thì đau như cắt từng đoạn ruột, vì ông áp mặt vào sát con vẫn không thể nhìn rõ được khuôn mặt đứa con gái bé bỏng. Khi vợ sinh được một tháng thì cũng là lúc ông Vinh phải nhập viện và phẫu thuật lần đầu tiên tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn.

Thời điểm phẫu thuật, mắt ông Vinh đã bị bong võng mạc, nên bác sĩ phải mổ áp lại. Thế nhưng, sau mỗi lần mổ, được vài tháng, võng mạc lại bị bong ra, mắt lại không nhìn thấy gì. Sau hai lần phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt Sài Gòn, hai lần phẫu thuật tại Bệnh viện Mắt Trung ương, ông Vinh không còn nhìn thấy chút ánh sáng nào. Ông Vinh, nhớ lại: “Chỉ trong vòng hơn 1 năm, tôi phải phẫu thuật 4 lần, sức khỏe cũng đã bào mòn gần như không còn gì. Nhưng đau hơn cả là, khi bác sĩ tháo băng lần cuối thì mọi thứ vẫn tối đen như mực. Lúc này, dù đã chuẩn bị tâm lý trước, nhưng tôi cũng suy sụp, chán chường đến mức tuyệt vọng”.   

Vượt lên số phận

Theo chân ông ra ruộng, men theo bờ mương chỉ vừa một người đi, tôi trượt chân mấy lần, nhưng ông Vinh thì cứ băng đi thoăn thoắt. Chẳng cần người dẫn đường, không cần làm dấu, ông vẫn đi đến đúng đám ruộng của gia đình. Ông vừa cắt cỏ cho bò, vừa trò chuyện: “Ngày mới tập ra đồng thăm lúa, cắt cỏ, cuốc đất, dọn bờ... cả xóm đều đến xem và chẳng ai tin tôi làm được những việc chỉ dành cho những ai có đôi mắt sáng. Và rồi, theo thời gian tôi cũng đã làm được những điều mà nhiều người không tưởng”.

Dù không nhìn thấy nhưng các công việc đồng áng, ông Vinh đều làm được như người bình thường.
Dù không nhìn thấy nhưng các công việc đồng áng, ông Vinh đều làm được như người bình thường.


Không thể kể xiết những lần bị lưỡi liềm cứa tay, cuốc trúng chân..., nhưng tất cả vẫn không làm ông sợ hãi. Đưa đôi bàn tay chai sần, chi chít những vết sẹo nắm lấy cuốc, ông Vinh bảo: Nỗi đau nào cũng sẽ qua, vết thương nào cũng sẽ lành... Phải tập làm quen với những nỗi sợ hãi đó và tìm cách vượt qua nó. Không vươn lên là tự hại bản thân mình. “Ngày cưới vợ, tôi đã hứa, dù có khó khăn, gian khổ như thế nào cũng luôn nắm tay, che chở cho cô ấy. Không thể vì đôi mắt này mà lại phản bội lời hứa đó. Vợ nhỏ hơn tôi 6 tuổi, con gái cũng vừa thôi nôi, nếu tôi buông bỏ, thì vợ con phải sống thế nào”, ông Vinh trải lòng.
 

Tấm gương sáng

Chủ tịch Hội Người mù huyện Sơn Tịnh Nguyễn Hồng Cúc chia sẻ, tôi rất khâm phục ý chí vươn lên và nhân cách sống của ông ấy. Không chỉ là cán bộ hội tâm huyết, luôn biết giúp đỡ, gần gũi anh em, ông Vinh còn là trụ cột gia đình, làm kinh tế giỏi, là người chồng bản lĩnh, người cha mẫu mực và là người con hiếu thảo, chăm sóc mẹ già gần 90 tuổi bị tai biến nằm một chỗ. Ông Vinh là tấm gương sáng về nghị lực vươn lên và là nhân chứng sống cho câu nói không gì là không thể.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, nhưng đầy ấm cúng, mọi vật dụng được sắp xếp một cách ngay ngắn. Âm thầm nghĩ cho nhau, cả hai ông bà đều cố gắng, nỗ lực vượt qua những giới hạn của bản thân. “Đất ở quê nhiều mà thuê người làm thì không có tiền trả. Sau 4 lần phẫu thuật, mất hơn 100 triệu đồng, một nửa anh chị em cho, còn một nửa thì vay mượn, nên tôi phải cố gắng làm để trả, không thể thêm gánh nặng cho gia đình”, ông Vinh kể. Vượt qua mọi trở ngại của bản thân, ông Vinh cần cù, chịu khó canh tác gần 5 sào lúa, luân phiên trồng sả, đậu, bắp trên 4 sào đất thổ và nuôi thêm 2 con bò sinh sản, đàn gà gần 100 con và mười mấy con heo. Bà Yến, vợ ông, cười tươi nói: Cái gì ổng cũng giỏi cả, chỉ mỗi việc đi xe là phải nhờ tôi làm tài xế thôi!

Giờ đây, ông bà đã có hai người con, một gái, một trai khỏe mạnh và học giỏi. Con gái đầu lòng của ông là bé Phương Ly, năm nay đã học lớp 12 và nhiều năm liền đạt học sinh khá, giỏi, được thầy cô, bạn bè yêu quý. Khi kể câu chuyện về gia đình mình, trong ánh mắt của bà Yến, bé Ly, tôi đã cảm nhận được sự hạnh phúc, niềm tự hào của gia đình dành cho ông Vinh. Mọi sóng gió đã qua đi, nợ nần của gia đình cũng đã trả hết, lời hứa của ông với bà Yến năm xưa đã thành hiện thực và vững bền theo thời gian.

Thắp lửa niềm tin

Tiếp xúc với ông Vinh, điều dễ nhận thấy là trên khuôn mặt ông luôn rạng rỡ nụ cười. Số phận không mỉm cười, nhưng cách ông nghĩ, cách sống và làm việc luôn bằng thái độ tích cực, lạc quan nhất. Nhiệt tình tham gia vào Hội Người mù huyện Sơn Tịnh, ông đảm nhận việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế cho hội viên và trực tiếp đi bán sản phẩm cùng với kêu gọi tài trợ của các mạnh thường quân để giúp đỡ hội viên nghèo. Bằng sự tâm huyết, tận tụy của người Phó Chủ tịch Hội, trung bình mỗi năm, ông kêu gọi được hơn 50 triệu đồng, cá biệt có năm hơn 100 triệu đồng, để trao các phần quà cho những hội viên gặp khó khăn.

Không chỉ là người cán bộ Hội nhiệt tình, giàu tình yêu thương, chính cuộc đời ông Vinh là nguồn cảm hứng to lớn đối với những người cùng cảnh ngộ. Ông Vinh bộc bạch: Những người bị khiếm khuyết trên cơ thể, đặc biệt người khiếm thị, đa số đều tự ti, khép mình với mọi người, nên tôi muốn mang lại niềm tin, sự tự tin cho họ bằng việc kể câu chuyện của cuộc đời mình. Đừng bỏ cuộc, hãy sống vì những người thân yêu quanh ta. Đừng bao giờ ngừng cố gắng, đứng yên là chấp nhận để số phận chôn vùi bản thân.


Bài, ảnh: HIỀN THU
 


CÁC TIN KHÁC
.