Thương cho phận rùa!

10:08, 27/08/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có giai đoạn, rùa Trung Bộ bò lúc nhúc nhưng người dân các xã Bình Khương, Bình Minh (Bình Sơn) chẳng bận tâm. Nhưng đến khi biết được giá trị thực của rùa Trung Bộ, họ đổ xô săn lùng ráo riết. Số phận rùa Trung Bộ vì thế cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

“Mấy năm trước, rùa vàng, rùa điệp ở đây nhiều lắm! Cứ đến mùa mưa là đầm lầy, ao hồ, thậm chí ven bờ ruộng có rất nhiều rùa mẹ, rùa con bò đi kiếm ăn. Nhưng ba năm trở lại đây, người dân các nơi đổ về săn lùng bằng cách câu, đặt bẫy bắt rùa để bán nên giờ hết rồi”, bà Nguyễn Thị Mãnh, thôn Thanh Trà, xã Bình Khương cho biết.

Giá bán bằng một con bò mộng

Chúng tôi tìm về hố Đá, xã Bình Khương là “ngôi nhà” một thời của rùa Trung Bộ (người dân thường gọi là rùa điệp) vào một ngày nắng như đổ lửa. Khu vực này vốn là một dải đất thấp, cỏ mọc dày, được kẹp giữa ngọn đồi và rừng keo xanh mướt. Xuôi theo vạt cỏ ấy đến hồ Hố Đá, Hố Chuối (Bình Khương) hay Hố Sâu (Bình Minh) từng là nơi trú ẩn của rất nhiều rùa điệp. Thế nên mỗi khi có trận mưa dông, người dân đi làm đồng lại thấy cả đàn rùa mẹ, rùa con nằm phơi mình trên cỏ.

Dạo ấy, rùa nhiều là vì không ai thèm bắt, bởi bắt về cũng chỉ nuôi làm cảnh, chứ bán chẳng ai mua. Nhưng đó là chuyện của ba năm trước, còn bây giờ, tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy con rùa điệp nào cả. “Một con rùa điệp nặng 0,5kg có giá từ 40- 100 triệu đồng thì làm gì mà còn” ông Võ An, thôn Bình Yên giải thích.

Từ một loài nuôi cảnh, nhưng với giá trị của mình, rùa Trung Bộ đã bị săn lùng ráo riết và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Từ một loài nuôi cảnh, nhưng với giá trị của mình, rùa Trung Bộ đã bị săn lùng ráo riết và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.


Như ông An, đến giờ vẫn còn tiếc nuối vì vội vàng bán con rùa điệp với giá quá rẻ! Năm 2013, khi phát dọn vườn chuối ở đập Đức An, xã Bình Minh, ông bắt được một con rùa điệp nặng 1kg. Nghe tin, thương lái lập tức tìm đến trả mua với giá 27 triệu đồng. Nghĩ một con rùa bé tý mà giá bằng con bò mộng, nên ông An gật đầu bán ngay.

Thương lái vừa đi khuất bóng, ông An mới biết giá con rùa điệp ấy đến gần cả trăm triệu đồng. Rút kinh nghiệm từ ông An, sau khi bắt được con rùa điệp chỉ nặng 0,5kg, ông Lê Văn Tiến "hô" đại giá 35 triệu đồng, nhưng không ngờ thương lái gật đầu mua ngay.

Từ dạo ấy, chẳng những ở Bình Khương, Bình Minh mà người dân các nơi cũng đổ về hố Đá, đập Đức An để săn bắt rùa điệp. Hàng loạt bẫy lồng hay cần câu rùa loại lớn được giăng khắp lối di chuyển của rùa, nhất là những nơi thấp trũng, ẩm ướt. Mối quan tâm của người dân xã Bình Khương, Bình Minh khi đó không còn là ruộng lúa, vườn rau mà là rùa điệp. Họ bới tung những gốc cây mục, cắt trụi cỏ ven sông, ao hồ, dọn sạch vườn chuối để tìm bắt rùa. Và danh sách những người “trúng” rùa vì thế cũng ngày một gia tăng.

Chỉ riêng xã Bình Khương đã có cả chục người ít nhất một lần “nhặt” được rùa điệp. Riêng những người chuyên đặt bẫy, câu rùa như ông Vũ, ông Tính, anh Nềm, anh Trộn... cũng bắt được không dưới 5 con rùa điệp. Song, theo ông Nguyễn Đức Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Khương thì: “Đó chỉ là con số bề nổi. Còn thực tế, người dân trong và ngoài tỉnh đổ về các xã Bình Khương, Bình Minh bắt rùa đông lắm. Số lượng rùa bị bắt cũng rất nhiều”.  

Theo người dân, loại rùa mà họ bắt được hầu hết là rùa điệp, chưa bao giờ “trúng” rùa vàng. Điều này cũng trùng khớp với thông tin của nhóm nghiên cứu thuộc Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á về việc họ đã tìm thấy được 13 cá thể rùa Trung Bộ tại hai xã Bình Khương và Bình Minh.
 
Tiếng kêu cứu của rùa

Trước đây, không ai biết tác dụng cũng như giá trị thực tế của những con rùa điệp. Mãi đến khi Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á đề xuất thực hiện Đề án phát triển Trung tâm cứu hộ (TAC) và Khu bảo vệ sinh cảnh loài (SHCA) tại tổ hợp 3 hồ của xã Bình Khương, Bình Minh, Bình Trung (Bình Sơn) thì người dân mới biết được rùa Trung Bộ là loài có giá trị kinh tế cao. Có điều, thay vì chung tay bảo vệ rùa, họ lại ráo riết săn bắt.

Từ một loài vốn được xem là “vô giá trị”, chỉ nuôi làm cảnh, thì bỗng chốc rùa Trung Bộ trở thành “hàng hiếm”, giá bán liên tục được đẩy lên cao. Người dân vì thế cũng ngày đêm săn lùng bằng mọi hình thức. Vì thế, nên chỉ sau một thời gian ngắn, số lượng rùa Trung Bộ giảm mạnh và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Sự suy giảm quá nhanh cá thể rùa Trung Bộ đã khiến các chuyên gia của Chương trình Bảo tồn Rùa Châu Á ngỡ ngàng. Nhất là khi 5 cá thể rùa Trung Bộ được họ gắn chíp điện tử để theo dõi cũng biến mất không dấu vết. Việc xây dựng TAC và SHCA nhằm bảo vệ loài rùa quý này vì thế cũng trở nên cấp thiết. Có điều, với kinh phí đầu tư vỏn vẹn hơn 2,5 tỷ đồng là quá ít so với quy mô một dự án có diện tích đất sử dụng ban đầu lên đến 40- 50ha, nên chưa thực sự hấp dẫn người dân xã Bình Khương.

 Bẫy rùa Trung Bộ được dân săn bắt cho là
Bẫy rùa Trung Bộ được dân săn bắt cho là "êm ái" nhất trong các loại bẫy săn bắt động vật hoang dã.


Đại diện Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) cho biết: “Đề án chỉ mượn tạm đất của dân trong thời gian triển khai xây dựng TAC và HSAC. Sau khi TAC và HSAC hoàn thành và hoạt động ổn định sẽ giúp người dân thu lợi”. Tuy nhiên, người dân không đồng tình với việc này và họ cho rằng, nếu IUCN muốn có đất xây TAC và HSAC thì phải đền bù đất bằng giá mà các dự án công nghiệp áp dụng.

Về phía chính quyền địa phương cũng lo ngại tính hiệu quả của TAC và HSAC. “Hồ Hố Đá hiện đang đảm bảo nước tưới cho hơn 50ha đất lúa của địa phương. Nếu xây dựng TAC và HSAC, liệu hồ có còn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”, ông Nguyễn Đức Sơn đặt vấn đề.

Với những nghi ngại trên, ông Jake Brunner, Giám đốc IUCN cho rằng, vai trò của TAC và HSAC là bảo vệ loài, khôi phục hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Điều này có nghĩa, ngoài việc tạo chốn “an cư” cho rùa, TAC và HSAC còn phục hồi rừng để tăng cường khả năng tích nước, chống xói mòn để giúp các hồ chứa không còn lâm vào tình trạng “trơ đáy” mỗi khi bước vào mùa nắng nóng như hiện nay.

Tuy nhiên, “hiệu quả của TAC và HSAC không thể hiện tức thời như hoạt động của nhà máy, xí nghiệp mà nó cần rất nhiều thời gian. Vì vậy chúng tôi tha thiết mong nhận được sự chia sẻ, thông cảm và hỗ trợ của cộng đồng người dân các xã trong vùng dự án”, ông Jake Brunner giải thích.

Trong thời gian IUCN và người dân trao đổi, thỏa thuận để tìm được tiếng nói chung nhằm xây dựng TAC và HSAC, thì ba năm qua đã có không biết bao nhiêu cá thể rùa Trung Bộ bị săn bắt, buôn bán trái phép. Tiếng kêu cứu của rùa Trung Bộ dường như không khiến nhiều người bận tâm. Bởi họ cho rằng, nó chẳng mang lợi ích gì to lớn! Với tư duy này thì chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, không chỉ rùa mà còn có hàng loạt loài động thực vật sẽ bị xóa sổ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học ở khu vực này.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 


CÁC TIN KHÁC
.