"Máu rừng"... vẫn chảy- Kỳ 1: Đột kích "công trường" khai thác gỗ

10:05, 25/05/2015
.

(Baoquangngai.vn) Với danh nghĩa khai hoang vườn rừng, giao đất cho các hộ dân thuộc dự án hồ chứa nước Nước Trong, hàng trăm cây gỗ tại đây đã bị triệt hạ và vận chuyển về xuôi tiêu thụ. Đáng nói, trong số đó có nhiều loại gỗ quý có giá trị. Việc khai thác gỗ diễn ra từ năm 2014 đến nay đã khiến cho người dân bức xúc.
 
Kỳ 1: Đột kích "công trường" khai thác gỗ
 
Không ai thống kê được mỗi ngày có bao nhiêu cây gỗ bị đốn hạ và có bao nhiêu gỗ được vận chuyển đi tiêu thụ. Tuy nhiên, theo nhiều người dân việc khai thác gỗ ở thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ diễn ra ngày đêm, có ngày có gần chục xe tải vận chuyển gỗ về xuôi.
 
Sau gần 3 tiếng đồng hồ vượt những con đường dốc, lởm chởm đất đá, chúng tôi mới đến thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện miền núi Tây Trà. Nơi đang diễn ra tình trạng khai thác gỗ công khai lâu nay gây bức xúc cho cả chính quyền và người dân. Ngay trên con đường lớn gần điểm dẫn vào điểm khai thác gỗ, hàng chục cây gỗ lớn được chất đống nằm la liệt.
 
Cây Sơn Mộc có đường kính gần 0.8 mét
Cây gỗ sơn có đường kính gần 0,8 mét như thế này không hiếm gặp tại đây.
 
Theo quan sát của chúng tôi, trong số những cây gỗ này có nhiều loại gỗ như chò, sơn, ké... với đường kính từ 0.8 đến 1 mét. Nhiều cây gỗ có chiều dài cả chục mét. Theo một số người dân thì đây là nơi tập kết trước khi cẩu lên xe đưa đi tiêu thụ. 
 
Từ điểm tập kết này, men theo con đường núi do những người khai thác gỗ tự làm để vận chuyển gỗ,  chỉ sau khoảng 30 phút đi bộ, chúng tôi đã nghe tiếng cưa máy cưa cây thi nhau gào rú vang cả một góc rừng. Biết chúng tôi có ý định tiếp cận những điểm khai thác gỗ này, một người dân địa phương cảnh báo, nếu có vào đó thì cũng phải rất cẩn thận, bởi trong rừng mà, không biết chuyện gì xảy ra nếu bị phát hiện. 
 
Nghe lời khuyên của người dân cũng thấy hơi lo, nhưng nhìn thấy cảnh khai thác gỗ quá rầm rộ, không ai trong chúng tôi không xót, vì vậy chúng tôi quyết định liều thâm nhập một chuyến. Một vài phóng viên ở lại để hỗ trợ và cảnh báo khi cần thiết, còn một vài người quyết vào tận nơi điểm khai thác bằng mọi giá. Do không quen đường rừng núi, nên chúng tôi cũng khá vất vả để tiếp cận điểm khai thác. Tuy nhiên chỉ sau 45 phút men đường núi, chúng tôi cũng đến được nơi.
 
Một cây Chò có đường kính hơn 2 mét đã bị triệt hạ còn trơ gốc.
Một cây sơn có đường kính hơn 2 mét đã bị triệt hạ còn trơ gốc.
 
Tại đây chúng tôi thấy cảnh khai thác gỗ diễn ra hết sức chuyên nghiệp. Những cây gỗ to sau khi bị triệt hạ, tỉa cành sẽ được một chiếc xe chuyên dụng (loại xe bánh bằng xích) dùng dây cáp để kéo và dần đưa đến điểm tập kết, và từ đây gỗ sẽ được chuyển lên trên đường lớn để đưa đi tiêu thụ.
 
Đợi những người khai thác gỗ ăn cơm nghỉ trưa, chúng tôi tiến dần vào khu vực bên trong. Khó có thể hình dung được, trước mắt chúng tôi là cảnh hoang tàn của một rừng cây cổ thụ vừa bị triệt phá. Nhiều gốc cây có đường kính đến 2 người ôm, trong đó có nhiều loại gỗ có giá trị...
 
Rời điểm khai thác gỗ, chúng tôi tìm gặp một số hộ dân trong vùng thì được họ cho biết, việc khai thác gỗ này diễn rầm rộ và công khai từ đầu năm 2014 đến nay, khiến người dân rất bức xúc. Ông Hồ Văn Tấn (60 tuổi), thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà dẫn chúng tôi ra nơi có những cây gỗ to đang được tập kết ven đường nói: Mấy cây gỗ này có tuổi cả trăm năm, dân làng mình thấy gỗ bị triệt phá nhiều vậy đau lòng lắm. Họ khai thác vận chuyển suốt ngày mà không thấy cơ quan chức năng nào ngăn chặn, kiểm tra. "Nếu mấy cây này không bị đốn chặt và được bảo vệ thì đồng bào mình hưởng lợi từ nó rất nhiều"- Ông Hồ Văn Tấn nói.
 
Ông Hồ Văn Tấn xót xa vì những cây gỗ tự nhiên cả trăm năm tuổi bị triệt hạ.
Ông Hồ Văn Tấn xót xa vì những cây gỗ tự nhiên cả trăm năm tuổi bị triệt hạ.
 
Còn anh, Hồ Văn Long (29 tuổi), thôn Tre, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà- cũng bức xúc nói: "Mình thường xuyên đi qua con đường này (nơi tập kết gỗ- PV,), thấy họ vận chuyển gỗ nhiều lắm. Có hôm cả đàn xe nối đuôi chất gỗ chở đi, cây nào cây nấy to cả người ôm không hết, thấy xót lắm. Người dân miền núi mình sống dựa vào cây, vào rừng mà... giờ thì còn gì đâu".
 
Không chỉ có ông Tấn, anh Long mà hàng trăm hộ dân ở xã Trà Thọ, huyện Tây Trà rất bức xúc và xót xa trước tình trạng phá rừng và vận chuyển công khai diễn ra suốt thời gian dài nơi đây. Vì sao có tình trạng khai thác gỗ diễn ra như trên?  Mời các bạn đón đọc kỳ 2 : Tất cả là gỗ... tạp?.
 
 
Xem video quy mô khai thác gỗ tại thôn Nước Biếc, xã Trà Thọ, huyện Tây Trà:
 
 
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn-Th.Hậu
 
 
 
 

CÁC TIN KHÁC
.