Phía sau cơn lốc vàng sa khoáng (Kỳ 1)

09:08, 26/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo kết quả khảo sát, đánh giá của Liên đoàn Địa chất Việt Nam, trên địa bàn Quảng Ngãi hiện có 1 mỏ khoáng sản vàng,  7 điểm khoáng sản vàng hoặc có biểu hiện có khoáng sản vàng... Đến nay chưa có đơn vị nào được cấp có thẩm quyền cho phép thăm dò, khai thác vàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều đối tượng trong và ngoài tỉnh tổ chức khai thác vàng sa khoáng trái phép, để lại hậu quả nghiêm trọng: Núi rừng bị đào bới, sông suối đục ngầu, ô nhiễm, an ninh trật tự xã hội trên địa bàn phức tạp...
 

[links(35943)]

Kỳ 1: Săn vàng


Không rầm rộ như những địa phương khác, thế nhưng, nhiều năm qua nguồn tài nguyên nằm rải rác khắp nơi dưới lòng đất ở các huyện vùng cao đang bị một số đối tượng lùng sục, đào bới. Theo chân những phu vàng, phóng viên Báo Quảng Ngãi đã chứng kiến cuộc “xẻ thịt” núi đồi, bức tử sông suối thật kinh hoàng…



“Lãnh địa vàng tặc”

Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8.2014, chúng tôi ngược núi tìm về các xã vùng cao Trà Xinh, Trà Khê, Trà Thanh (Tây Trà), Sơn Thành (Sơn Hà) chứng kiến cảnh những người khai thác vàng trái phép xẻ thịt núi đồi, sông, suối để tìm vàng.
 
Cũng như bao vùng quê nghèo khác nơi rừng cao, núi sâu, người Cor ở Tây Trà từ bao đời nay chỉ biết đến cái rẫy, hạt lúa, con bò, con heo… nhưng giờ tất cả như bị lãng quên. Cái mà họ đang hướng tới là vàng. Sức hút từ những ngọn đồi, con suối giữa rừng được giới đào vàng trái phép tung tin có vàng sa khoáng đã khiến những đôi chân chỉ biết lên rẫy, những đôi tay quen làm đồng chuyển sang đi đào đãi vàng. Thấy người lạ, những nông dân chân lấm tay bùn đang hào hứng với câu chuyện về vàng bỗng dưng bỏ lửng và chuyển sang đề tài khác, cùng ánh mắt nghi ngại nhìn chúng tôi.
 
 Cảnh đào đãi vàng.
Cảnh đào đãi vàng.


Dưới chân núi Sũ, giữa đêm khuya, chúng tôi mời những “phu vàng” những ly rượu, điếu thuốc. Khi đã ngà ngà say họ mới “bật mí” về đường đi cũng như địa điểm khai thác vàng. Một trong số những đối tượng khai thác vàng vừa trở về từ ngọn núi cao chót vót kia đồng ý làm người dẫn đường. “Nhiều lắm, mấy hôm nay công an truy bắt nên người đi đãi vàng đã trốn tránh rồi. Vài bữa nữa mọi việc im ắng, đội quân này lại kéo lên thôi!” – một “phu vàng” quả quyết.

Sáng sớm hôm sau, khi núi rừng vẫn còn ngủ yên trong làn sương sớm, chúng tôi được đánh thức để lên địa điểm khai thác vàng trái phép. Con đường mòn giữa rừng già bị “tắc” và con đường do người dẫn đường tự mở đưa chúng tôi tiếp tục vượt rừng. Những ngọn núi dựng đứng, cây rừng nằm la liệt. Thấy chúng tôi thở hổn hển, một “phu vàng” cười khẩy bảo: “Sức khỏe thế này không làm “vàng tặc” được đâu. Phải khỏe mới trụ được giữa rừng sâu nước độc, chống chọi với muỗi rừng, vắt rừng và đặc biệt là… chạy thật nhanh khi có công an truy đuổi”.

 Mất hơn 7 giờ đồng hồ cuốc bộ giữa rừng sâu, chúng tôi mới tiếp cận được khu vực mà cách đây không lâu đã từng có những cuộc săn vàng đến nghẹt thở. Dòng suối nhỏ đục ngầu. Đất đỏ quanh đó được đào tung lên. Cây rừng ngã la liệt. Khung cảnh xung quanh vắng đến lạ thường. Bóng dáng của hàng trăm “vàng tặc” không còn mà chỉ trơ trọi những hầm, hố thinh lặng giữa rừng già.

“Cách đây mấy hôm, nơi đây như một “đại công trường”, có đến hàng trăm người đào, đãi vàng. Ban đầu nghe có vàng tôi cũng đi, nhưng sau hai ngày không tìm thấy gì nên tôi rút. Về đến nhà thì nghe có người gặp nạn. Vàng đâu không thấy, mà đã có người bỏ mạng rồi!” – người dẫn đường cho hay. Rồi người dẫn đường bảo “rút” chứ mưa rừng xuống thì dễ bị “kẹt” lại ở bãi vàng. Trên đôi chân người dẫn đường vắt rừng đu bám dày đặc.

Tan hoang Cà Nhút    

 Không chỉ có Trà Xinh mà ở huyện nghèo Tây Trà, cơn lốc vàng sa khoáng đang là mãnh lực thu hút đội quân khai thác vàng  từ khắp nơi như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hòa Bình, Quảng Nam và người dân địa phương kéo về càn quét. Những nơi “vàng tặc” đi qua, thứ còn lại là cảnh tan hoang, đổ nát.

Đỉnh núi Cà Nhút bị đào bới nham nhở.
Đỉnh núi Cà Nhút bị đào bới nham nhở.


Ngọn núi Cà Nhút ở xã Trà Quân (Tây Trà) trở thành “điểm tập kết” của giới săn vàng từ nhiều năm qua dù lực lượng chức năng liên tục truy quét. Ngược con đường dẫn về xã Trà Quân, chúng tôi tiếp tục chặng đường “săn vàng” trên đỉnh Cà Nhút. Thêm vài giờ trèo đèo, lội suối, nhìn từ xa đỉnh Cà Nhút hiện ra trọc lóc, trơ trọi với những “vết thương” lỗ chỗ. Ngọn đồi rộng chừng 1ha này nhìn từ xa chẳng khác gì vừa trải qua một cuộc oanh tạc của bom đạn Mỹ trong những năm chiến tranh. Những hang sâu hun hút, những lều trại xiêu vẹo nằm chỏng chơ, những “địa đạo” ngầm chạy ngang dọc trong lòng núi chẳng khác nào những giao thông hào trong chiến tranh mà chúng tôi biết đến qua những tập phim lịch sử hay sách báo.

Khi chúng tôi vừa trèo lên đến đỉnh đồi bên cạnh, thì từ phía bên kia đỉnh Cà Nhút, những “vàng tặc” cuối cùng cũng rút lui vì phát hiện có lực lượng chức năng. Những căn chòi ngụy trang của “vàng tặc” còn sót lại nằm giữa rẫy lúa của người dân Trà Quân. “Họ dựng mấy căn chòi này để ở. Người lạ sẽ khó phát hiện được đây là nơi ở của “vàng tặc” bởi ai cũng nghĩ đó là chòi canh rẫy của người dân địa phương. Đường sá đi lại khó khăn nên việc truy quét cứ như trò cút bắt vậy. Khó vô cùng!”, Đại úy Huỳnh Đức Mẫn - Đội phó Đội Cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Trà nói.

Các đối tượng khai thác vàng trái phép khoét vào lòng núi những đường hầm dài hun hút. Hầm  không có bất kỳ cửa thông gió hay vật chống đỡ nào bên trên. Dẫn chúng tôi đi sâu vào trong căn hầm, một chiến sĩ Công an huyện Tây Trà bảo, chắc mình lên kiểm tra nên họ tháo chạy quanh đây thôi...

Từ ngọn núi vừa bị cày xới nhìn về phía chân núi giáp xã Trà Thanh, cả một vạc rừng đã bị cạo trọc và đào bới tan tành. “Cà Nhút bây giờ phải thay bằng cái tên khác thôi chứ không còn cây nữa thì gọi núi sao được! Truy quét mấy cũng không ăn thua!”, ông Hồ Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Trà Quân nói.
                  

Bài, ảnh: LÊ ĐỨC


*Kỳ 2: Những cái giá phải trả


>>> Xem thêm Video: Vấn đề - Sự kiện trong tuần (tuần 4 tháng 8/2014)

 
 

CÁC TIN KHÁC
.