"Bác sĩ" giữ nhịp thời gian

09:08, 28/08/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Không cửa hàng sang trọng, không bảng hiệu hoành tráng... chỉ nép mình bên một góc đường, một chiếc tủ nhỏ với những dụng cụ đồ nghề đơn giản là những người thợ hành nghề sửa đồng hồ có thể mưu sinh hàng ngày trên phố. Với đặc thù công việc, những người sửa đồng hồ nhiều được nhiều người mệnh danh như là “bác sỹ” của những “cỗ máy thời gian”.

TIN LIÊN QUAN

Mưu sinh trên phố
 
Nằm trên tuyến đường Quang Trung (TP.Quảng Ngãi), "tiệm" sửa đồng hồ của ông Trần Minh Sang (60 tuổi) nằm lọt thỏm giữ những hàng quán.  Suốt gần 40 năm nay, bất kể trời nắng hay mưa, ngày ngày ông Sang vẫn ngồi sau chiếc tủ kính, nép mình mưu sinh ở góc đường quen thuộc để sửa đồng hồ cho những ai có nhu cầu.
 
Lúc chúng tôi đến, ông Sang với chiếc kính lúp gắn trên mắt đang cần mẫn sửa đồng hồ cho khách. Qua quan sát của chúng tôi, trong chiếc tủ nhỏ của ông cùng với bộ đồ nghề  sửa đồng hồ như: tua vít, kìm, nhíp, chổi quét, chiếc kính lúp... còn có đủ dụng cụ, phụ tùng để phục vụ theo yêu cầu của khách hàng.
 
Dù đang cẩn thận, tỉ mỉ  gắp từng con ốc, cái kim nhỏ xíu để sửa chữa những chiếc đồng hồ, song ông vẫn rất niềm nở trò chuyện với chúng tôi. Nói về nghề của mình, ông Sang trải lòng, đây là một nghề đòi hỏi cao sự tỉ mỉ, khéo léo nên người thợ phải kiên trì, không được nóng vội và khả năng quan sát tinh tường để “bắt bệnh”. 
 
Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi sự chịu khó và tỉ mỉ
Nghề sửa đồng hồ đòi hỏi sự chịu khó và tỉ mỉ.
 
Ông Sang bảo, khách thường mang đồng hồ đến thay pin, thay mặt kính hay chùi dầu bộ máy, cắt nối dây đeo… "Đó là những “bệnh” đơn giản, thợ chỉ cần làm vài phút là xong. Song, có những chiếc “bệnh” nặng thử thách tay nghề và lòng lòng kiên nhẫn của người thợ, có khi phải mất từ vài tiếng thậm chí vài ngày mới xong. Dù gặp không ít ca "bệnh" khó, thế nhưng chưa bao giờ tôi chịu thua bất kỳ trường họp nào."- ông Sang chia sẻ.
 
Đi qua các tuyến phố trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những người thợ sửa đồng hồ, lặng lẽ ngồi sau chiếc tủ kính nhỏ ở một góc vỉa hè để đem lại "sự sống” cho những chiếc đồng hồ.
 
Suốt ngày, bám đường phố mưu sinh từ sáng cho đến tối, thế nhưng, thu nhập hàng ngày của những người thợ đồng hồ cũng chỉ đủ để đắp đổi qua ngày. "Nghề sửa đồng hồ bây giờ thất thường lắm, lúc đông lúc vắng khách, đồng nghĩa với thu nhập cũng bấp bênh theo, thậm chí hôm ngồi cả ngày chẳng có ai ghé đến. Trung bình thu nhập mỗi tháng bình quân khoảng 3- 4 triệu"- ông Sang nhẩm tính. 
 
Một mai nghề sửa đồng hồ...
 
Những năm gần đây, sự “chuyển mình” của công nghệ với việc ra đời hàng loạt các sản phẩm hiện đại, tính năng vượt trội, giá cả hợp lý để chiếm lĩnh thị trường đã khiến nghề sửa đồng hồ không còn hưng thịnh như nhiều năm trước đây. Dọc theo nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Quảng Ngãi, hình bóng của những người thợ sửa đồng hồ cũng vắng dần, thay vào đó là sự những hàng quán kinh doanh các mặt hàng thời thượng khác.
 
Hàng chục năm kiếm sống với nghề sửa đồng hồ, hơn ai hết ông Nguyễn Quang Tân (62 tuổi) ở phường Nguyễn Nghiêm là người chứng kiến sự thăng trầm của cái nghề này. 
 
Ngồi ngắm nhìn đường phố tấp nập dòng người qua lại, bên chiếc tủ kính cũ kỹ, ông Tân tiếc nuối thời kỳ làm ăn phát đạt của nghề này trong quá khứ. Cái nghề mà nhờ nó ông có điều kiện nuôi ba người con của ông ăn học thành tài. "Hơn chục năm trở về trước, đồng hồ được ưa chuộng, hầu như ai có điều kiện kinh tế cũng đều sắm cho mình một chiếc đồng hồ. Vì vậy, những người thợ làm cả ngày không hết việc nên thu nhập rất khá, sau vài năm hành nghề, người khéo tích cóp là có dư tiền để mua xe, mua đất"- ông Tân chia sẻ. 
 
Còn hiện tại, đồng hồ Trung Quốc tràn lan trên thị trường với kiểu dáng đẹp, mức giá khá rẻ chỉ từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng một chiếc. Đồng hồ hư nhiều thì người ta sẵn sàng bỏ vì tiền sửa có khi nhiều hơn tiền mua mới. Cùng với đó, ai ai cũng có điện thoại di động kèm cả chức năng xem giờ và ngày tháng nên đã đẩy bật thói quen mang đồng hồ đeo tay ra khỏi danh sách vật dụng cần thiết của mỗi người. Điều này khiến nghề sửa đồng hồ thịnh hành một thời ngày càng mai một dần. 
 
"Bây giờ người thợ sửa đồng hồ như chúng tôi gói gém lắm mới đủ chi phí sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, nhiều bạn đồng nghiệp không trụ nổi đành phải bỏ nghề kiếm việc khác mưu sinh"- ông Tân cho hay.
 
Hầu hết những người thợ sửa đồng hồ đều lớn tuổi
Hầu hết những người thợ sửa đồng hồ đều lớn tuổi.
 
Dạo quanh các điểm sửa đồng hồ trên phố, điều khiến chúng tôi quan tâm đó chính là phần đông những người thợ sửa đồng đồng hồ không còn trẻ, chủ yếu khoảng trên 40 tuổi trở lên. 
 
Theo các thợ sửa đồng hồ, công việc sửa chữa đồng hồ không mang lại thu nhập cao so với những nghề đòi hỏi công sức, trí tuệ tương tự, nên không mấy người trẻ chọn nghề này để mưu sinh.
 
"Giờ tôi muốn truyền nghề cũng không có ai học, lớp trẻ bây giờ không muốn chọn nghề này, bởi thu nhập không cao. Ngay cả mấy đứa con tôi trong nhà, tụi nó cũng chọn nghề khác để sinh sống, chứ không đứa nào chọn nghề sửa đồng hồ. Không biết, rồi sau lớp thợ sửa đồng hồ như chúng tôi, mai này còn mấy ai theo nghề này... "- ông Trần Minh Sang bộc bạch.
 
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, ông Sang cho rằng, không phải ai cũng quay lưng với chiếc đồng hồ, hiện nay nhiều người trung tuổi vẫn giữ cho mình một thói quen gắn bó với nó và không ít giới trẻ quay lại dùng đồng hồ. Chính vì vậy, theo ông Sang, nghề sửa đồng hồ sẽ vẫn là công việc mưu sinh của mình hàng ngày, dù cho thu nhập không còn được như trước.
 
Nghề sửa đồng hồ trên đường phố đã qua thời hưng thịnh. Tuy nhiên, còn đó những người thợ gắn bó với nghề, cặm cụi tìm lại sức sống cho những chiếc đồng hồ. Với nghề họ đang theo đuổi chỉ là nghề kiếm từng đồng tiền lẻ, thu nhập khá bấp bênh, nhưng với nhiều người đã theo nghề rồi khó thợ nào rũ bỏ để tìm việc khác.  Đã thành thói quen, một ngày không ra “tiệm” làm, họ đều mang một cảm giác… trống vắng.
 
Bài, ảnh: Bảo Ngọc
 

CÁC TIN KHÁC
.