Video: Nâng tầm sản phẩm truyền thống Mộ Đức

09:10, 18/10/2021
.
(Baoquangngai.vn)-  Thời gian qua, từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện Mộ Đức đã thực hiện có hiệu quả việc xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu, đầu tư bao bì, nhãn mác cho các sản phẩm truyền thống và xem đây là một trong những việc cần được ưu tiên hàng đầu để nâng tầm cho sản phẩm. Chính vì thế, ngày càng có nhiều sản phẩm của huyện Mộ Đức, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản địa phương dần được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sử dụng.
 
[links()]
 
 
Bánh mè Cô Mận, ở xã Đức Hiệp là một trong những đặc sản ở huyện Mộ Đức được khách hàng tin dùng trong những năm gần đây. Bánh thơm ngon, mang đậm hương vị truyền thống với những bí quyết chế biến riêng của chủ cơ sở. Tuy nhiên, trong những năm qua, mẫu mã của sản phẩm chưa được chú trọng nên bánh mè cô Mận chủ yếu tiếp cận thị trường ở chợ truyền thống, các cửa hàng, cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ. 
 
Bánh mè
Bánh mè "Cô Mận" là một trong những sản phẩm được huyện Mộ Đức hỗ trợ xây dựng thương hiệu
Nhằm nâng tầm cho sản phẩm, phát triển thương hiệu, cơ sở được địa phương hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng. Hiện nay, sản phẩm được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, có mã vạch truy xuất nguồn gốc. Bao bì, hộp đựng bánh, nhãn mác được đầu tư trang trọng, bắt mắt. Giờ đây, bà Mận tự tin với sản phẩm do chính mình làm ra, có thể mang đi tiêu thụ ở nhiều nơi.
 
Ông Trần Văn Thú, chủ cơ sở tương ớt Cô Huệ, ở thôn An Mô, xã Đức Lợi, một trong những cơ sở được địa phương hỗ trợ kinh phí trong năm 2021, chia sẻ: Do quy mô sản xuất còn nhỏ, lợi nhuận kinh tế chưa cao, bản thân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với những quy định về sở hữu trí tuệ, vì lẽ đó mà cơ sở chưa có điều kiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Được địa phương khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện, cơ sở cố gắng hoàn thành sớm các thủ tục đăng ký. Khi tên của cơ sở được bảo hộ, tôi rất an tâm, bởi đây là thương hiệu đã gắn liền với nghề làm tương ớt rim lâu đời của gia đình. 

Bà Lê Thị Mận, chủ cơ sở bánh mè Cô Mận, cho biết: Thương hiệu “Cô Mận” được đăng ký bảo hộ, có mã vạch truy xuất nguồn gốc, tôi tự tin gửi sản phẩm đi đến nhiều nơi phân phối, thậm chí mang ra nước ngoài mà không phải lo lắng. Từ khi có mẫu mã mới, sản phẩm được tiếp cận thêm các phân khúc khách hàng mới. Nhiều khách hàng sẵn sàng bỏ thêm 10.000 đồng để sở hữu hộp bánh có nhãn mác được thiết kế nhã nhặn, trang trọng, có tem truy suất nguồn gốc, thay vì mua bánh được đóng gói đơn giản trong túi nilon.  

Năm 2021, huyện Mộ Đức đã hỗ trợ gần 400 triệu đồng để tư vấn, xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm cho các thương hiệu như bánh mè cô Mận, trà túi lọc Linh Chi, rau truyền thống An Mô, tương ớt cô Huệ, bánh tráng Trích Nhị, mạch nha Thy Thảo, bánh tráng Hoàng Hiên, dầu lạc, dầu mè Đức Vĩnh. Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương đã khuyến khích, tạo điều kiện để các tập thể, cá nhân được xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, tạo động lực để mở rộng quy mô sản xuất.
 
Từ năm 2019, huyện Mộ Đức đã xây dựng kế hoạch phát triển khoảng 32 sản phẩm truyền thống của địa phương, đặt mục tiêu đến năm 2025 các sản phẩm này sẽ đạt chuẩn OCOP, thấp nhất 3 sao. Tuy nhiên, quy mô sản xuất nhiều cơ sở còn nhỏ, không có kinh phí để bảo hộ nhãn hiệu, đầu tư nhãn mác, thiết kết bao bì cho sản phẩm, trong khi đây là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá tiêu chuẩn của OCOP. 
Hằng năm, từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện Mộ Đức đã phân bổ từ 400 - 500 triệu đồng để hỗ trợ cho các sản phẩm truyền thống ở địa phương bảo hộ nhãn nhiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác
Hằng năm, từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện Mộ Đức đã phân bổ từ 400 - 500 triệu đồng để hỗ trợ cho các sản phẩm truyền thống ở địa phương bảo hộ nhãn nhiệu, thiết kế bao bì, nhãn mác
Chính vì thế, hằng năm, từ nguồn kinh phí khuyến công, huyện Mộ Đức đều tập trung phân bổ khoảng từ 400 - 500 triệu đồng để hỗ trợ cho khoảng 4 -5 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, mã vạch truy xuất nguồn gốc, thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng các quy trình đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm. Tính đến nay, huyện Mộ Đức đã hỗ trợ được 12 sản phẩm.
 
"Đăng ký nhãn hiệu, đây cũng là một hình thức bảo hộ độc quyền cho sản phẩm, giúp các cơ sở tự tin hơn trong phát triển sản phẩm, khẳng định quyền sở hữu. Nếu chủ thể đăng ký chậm trễ sẽ có trường hợp đơn vị khác đăng ký, cơ sở sẽ mất tên cũ và phải tìm một phương án khác để thay thế", chị Phạm Thị Luyến, đại diện Công ty TNHH MTV tư vấn, quản lý T.A.E, đơn vị tư vấn, chia sẻ. 
Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mộ Đức Nguyễn Thanh Cường, cho biết: Việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, đầu tư nhãn mác, bước đầu sẽ giúp cho các sản phẩm truyền thống của địa phương được nâng tầm, có cơ hội tham gia cạnh tranh tại các thị trường lớn, đăng ký tiêu thụ trên các sàn giao dịch điện tử. Địa phương mạnh dạn hơn khi mang sản phẩm đi trưng bày, giới thiệu ở các nơi. Người tiêu dùng thuận lợi trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn những sản phẩm có chất lượng cao của địa phương.
 
Thực hiện: THIÊN HẬU