Video: Kỹ sư hóa dầu trồng ổi hữu cơ cho thu nhập cao

10:08, 11/08/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Không làm nông nghiệp theo số đông, anh Tô Ngọc Thông (37 tuổi), ở xã Bình Hoà, huyện Bình Sơn đã chọn cho mình một hướng đi mới là trồng ổi sạch ở địa phương thay vì trồng keo như nhiều người. Với tâm huyết của mình trong suốt 7 năm qua, mô hình đã mang lại cho gia đình anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm, bên cạnh nghề nghiệp chính là kỹ sư ở Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.
 
[links()]
 
 
 
Anh Thông hiện đang là một kỹ sư lọc hóa dầu, công tác tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn. Dù kinh tế khá ổn định nhưng với niềm đam mê làm nông nghiệp, vợ chồng anh đã phát triển một diện tích lớn cây ăn quả, trong đó chủ lực là ổi sạch.
 
Tham quan vườn ổi mà anh Thông vừa mới trồng thêm năm nay, tuy mới 6 tháng, thân ổi cao khoảng nửa mét nhưng đã trĩu quả. Các giống ổi chủ yếu là ổi nữ hoàng, ổi trân châu, ổi lê, ổi ruby… cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao. Trung bình mỗi gốc cho hơn 10 quả, được bao bọc rất kỹ nhằm loại trừ sâu bệnh. Vườn ổi được chăm sóc kỹ và hoàn toàn không sử dụng thuốc, phân bón hóa học. Trung bình mỗi năm, anh có thể thu về ít nhất 300 triệu đồng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn 15- 20 lần so với cây keo.
 
Theo anh, trồng những giống ổi này cho chất lượng, năng suất, sản lượng cao. Thời gian thu hoạch sớm, lại rất nhẹ công chăm sóc. Cây keo rủi ro và lợi nhuận kinh tế thấp hơn. Một sào keo mỗi năm chỉ có 700 nghìn- 1 triệu đồng, còn ổi có thể kiếm được từ 25- 30 triệu đồng. Như vậy so về giá trị kinh tế, rõ ràng cây ổi phải cho thu nhập cao hơn cây keo.
 
Anh Thông chăm sóc vườn ổi mới trồng được 6 tháng.
Anh Thông chăm sóc vườn ổi mới trồng được 6 tháng.
 
Anh Thông bắt đầu trồng ổi vào năm 2013. Ban đầu trồng nhỏ, lẻ khoảng 300 gốc với khoảng 3 sào, hiệu quả không cao. Nhờ vào cơ duyên học hỏi từ các tỉnh bạn, những người có kinh nghiệm, rồi áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, thì nay, sau 7 năm, diện tích các vườn ổi đã mở rộng khoảng 2,5 ha (trong đó có 1,5 ha vừa bị ảnh hưởng của cơn bão số 9 đang được anh gầy dựng lại).
 
Theo đánh giá, mô hình này hoàn toàn phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng ở địa phương. So với cây ổi trồng ở các tỉnh, thành khác, cây ổi trồng ở Bình Hòa lại cho quả dòn, ngọt, chua nhẹ và thơm ngon hơn. Lạ thay, quả càng to lại càng ít hạt.
 
“Cây ổi trồng ở đây có lợi thế về điều kiện thời tiết. Thời tiết khắc nghiệt sẽ cho ra quả chất lượng, khác biệt và có tính cạnh tranh. Hiện nay, tôi đang thực hiện mô hình theo tiêu chuẩn VietGap. Tôi luôn chú trọng đảm bảo sản phẩm trồng ra luôn sạch, an toàn, sau cùng mới chú trọng đến yếu tố sản lượng. Tôi định hướng như vậy là để tạo uy tín cho sản phẩm, tạo được thị trường ổn định và lòng tin cho khách hàng”, anh Thông bày tỏ.
 
Anh Thông trồng ổi theo hướng hữu cơ.
Trung bình mỗi năm, anh có thể thu về ít nhất 300 triệu đồng, đem lại giá trị kinh tế cao hơn từ 15- 20 lần so với cây keo.
 
Với thị trường và đầu ra ổn định, tiêu thụ mạnh ở các khu công nghiệp của địa phương và các tỉnh, thành khác, mô hình trồng ổi của anh Thông đang được đầu tư, nhân rộng ra toàn xã với 10 ha. Đây được xem là sản phẩm chủ lực ở địa phương trong thời gian tới.
 
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phan Nuôi, cho biết: Hiện nay xã đã triển khai mô hình này đến 10 hộ dân. Họ đăng ký trồng với diện tích khoảng 10 ha. Chúng tôi đang thực hiện các bước tiếp theo cho mô hình này trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hình thành một vùng liên kết trồng ổi qui mô hơn”.
 
HTX
Mô hình trồng ổi của anh Thông là sản phẩm chủ lực ở xã Bình Hòa trong thời gian tới.
 
“Mô hình trồng ổi của anh Thông, những người như anh Thông là một điển hình ở địa phương để các xã viên hướng đến, học tập và làm theo. HTX cũng đang nỗ lực để phát triển mô hình này, nhất là vấn đề về thị trường tiêu thụ. Chúng tôi đang tìm thêm các doanh nghiệp thu mua để bao tiêu đầu ra một cách bền vững hơn trước khi nhân rộng cho người dân. Có như vậy, việc nhân rộng sẽ hiệu quả hơn”, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Hòa Huỳnh Văn Tám chia sẻ thêm.
 
Xã Bình Hòa (Bình Sơn) có 80% người dân làm nông nghiệp. Từ trước đến nay người dân chỉ biết đến cây keo, làm nông, lâm nghiệp theo số đông, thường đi theo một lối mòn truyền thống. Mô hình trồng ổi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đỏ bazan, địa phương đang mở ra một hướng đi mới cho người dân trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt.
 
 
Thực hiện: THIÊN HẬU