Video: Các dự án khởi nghiệp gặp khó trong mùa Covid-19

03:08, 31/08/2021
.
(Baoquangngai.vn)- Dịch Covid-19 như một phép thử nghiệt ngã đối với người trẻ khởi nghiệp. Bằng cách này hay cách khác, những người khởi nghiệp đang cố gắng xoay chuyển, thích nghi. Chính những nỗ lực để đổi mới sáng tạo trong thời điểm này sẽ tạo ra những giá trị mới để chủ thể các dự án vượt qua được khó khăn.
 
[links()]
 
 
Công ty TNHH Nấm dược liệu Ninh Trương, xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) chuyên sản xuất nấm đông trùng hạ thảo là một trong những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đầu tiên ở Quảng Ngãi. Trong 4 năm trở lại đây, sản phẩm công ty đã có một chỗ đứng vững trên thị trường.
 
Trước "làn sóng" của dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trở lại, dự án đang gặp không ít khó khăn, nhất là khâu vận chuyển hàng hóa đến khách hàng. Thị trường tiêu thụ chậm, doanh thu giảm sút hơn 50%. Kế hoạch mở rộng cơ sở sản xuất cũng đành hoãn lại.
 
Hiện nay, thay vì đẩy mạnh thị trường ngoài tỉnh, anh Trương Quang Ninh, chủ dự án đang tập trung cho thị trường trong tỉnh, bán nguyên liệu đông trùng hạ thảo tươi, đồng thời hạ giá thành để nhiều đối tượng khách hàng được tiếp cận, đồng thời cắt giảm nhân công.
 
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp khởi nghiệp nấm dược liệu Ninh Trương tạm ngưng mở rộng sản xuất.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, doanh nghiệp khởi nghiệp nấm dược liệu Ninh Trương không mở rộng qui mô sản xuất như kế hoạch trước đó.
 
Anh Ninh cho hay: Trong đợt dịch này, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là khâu vận chuyển hàng hóa. Nhiều khách hàng ở ngoài tỉnh có nhu cầu mua sản phẩm nhưng quá trình vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi không giao được hàng nên mất rất nhiều lượng khách quen. 
 
Dự án Chăn nuôi thỏ kết hợp trồng măng tây của HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi, ở xã Tịnh Hiệp (Sơn Tịnh) từng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong đợt mưa bão khốc liệt năm 2020. Sau bão, HTX phải nỗ lực khôi phục chuồng trại và trồng lại măng tây với kinh phí 600 triệu đồng. Hiện nay, chủ dự án vẫn phải chật vật trả nợ vay ngân hàng hằng tháng.
 
Chưa kịp “thở” thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Có thể thấy, nhiều dự án khởi nghiệp đang lay hoay trong guồng khó khăn khi vướng mắc cũ chưa giải quyết xong thì khó khăn mới liền ập đến và phải nỗ lực gấp đôi để cầm cự trong thời gian này. 
 
Vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của mùa mưa bão năm 2020 với khoảng 600 triệu đồng, anh Phạm Hùng Cường chật vật gầy dựng lại để khởi nghiệp thì nay phải tiếp tục chịu thiệt hại kép với dịch Covid-19.
Anh Phạm Hùng Cường chật vật khởi nghiệp khi phải chịu "thiệt hại kép".
 
Giám đốc HTX Chăn nuôi thỏ Quảng Ngãi Phạm Hùng Cường, cho biết: Kinh doanh giảm sút đến 80%, HTX sản xuất cầm chừng trong giới hạn cho phép chứ không mở rộng qui mô, tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi nhiều hơn là xuất sản phẩm đi. Sản phẩm làm ra nhiều mà không vận chuyển, tiêu thụ được thì thiệt hại rất lớn.
 
Khó khăn chồng chất, buộc các dự án khởi nghiệp phải tìm những giải pháp, hướng đi riêng, tìm cách đổi mới để thích nghi. Thu hẹp sản xuất, hạn chế mở rộng qui mô, đồng thời cắt giảm những chi phí nhân công, đầu tư không cần thiết. Đồng thời, chủ các dự án cũng tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online. 
 
“Tình hình dịch bệnh nên bắt buộc chuyển đổi hình thức bán hàng trên online nhiều hơn. Đối với phân khúc khách hàng online, vì khách hàng không đến trực tiếp để mua nên bản thân cửa hàng phải chú trọng đến chất lượng thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, dành nhiều thời gian hơn để tương tác, chăm sóc khách hàng”, Giám đốc Công ty kiến trúc AC Vũ Ngọc Minh chia sẻ.
 
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, chỉ tính riêng phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện có khoảng 30 dự án. Nhiều giải pháp cũng được chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện để hỗ trợ người mới khởi nghiệp trong điều tốt nhất có thể.
 
Một lớp tập huấn online được Sở KH&CN tỉnh phối hợp cùng Tỉnh đoàn tổ chức để hỗ trợ người khởi nghiệp.
Một lớp tập huấn online được Sở KH&CN tỉnh phối hợp cùng Tỉnh đoàn tổ chức để hỗ trợ người khởi nghiệp.
 
Theo Phó phòng Quản lý Công nghệ, Thị trường công nghệ và chuyên ngành (Sở KH&CN tỉnh) Phan Thị Cẩm Vân, thời gian qua, thấu hiểu những khó khăn của người khởi nghiệp, về mặt cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên về kỹ năng để những người trẻ khởi nghiệp có thể thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp. Song song đó, chúng tôi cũng đã tăng cường kết nối, giới thiệu sản phẩm đến các siêu thị, cũng như các cửa hàng tiện lợi, bán sản phẩm sạch để có thể hỗ trợ các bạn đưa sản phẩm ra các thị trường một cách tốt nhất trong điều kiện có thể.
 
“Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp nói chung và các dự án khởi nghiệp nói riêng. Bản thân những người khởi nghiệp cũng đang nỗ lực để thích nghi được với khó khăn, bằng cách đổi mới và sáng tạo. Tôi nghĩ, chính sự đổi mới sáng tạo trong thời điểm khó khăn này sẽ tạo ra những giá trị mới để người khởi nghiệp có thể vượt qua tình hình chung. Biến nguy thành cơ, đây cũng là giai đoạn vàng để các "start-up" điều chỉnh các qui trình, hoạt động sản xuất chưa hợp lý”, bà Vân nhấn mạnh.
 
Thực hiện: THIÊN HẬU