Video: 'Thót tim' những chuyến ra khơi mùa sóng dữ

03:11, 30/11/2020
.
(Baoquangngai.vn)- Mùa sóng dữ, những chiếc ghe vượt sóng ra khơi liên tục bị sóng hất tung lên rồi ném xuống như một trò chơi của biển cả. Dù biết nguy hiểm, nhưng vì cuộc sóng mưu sinh, không ít ngư dân vẫn liều mình “thi gan” với những con sóng lớn, đưa ghe thuyền vươn khơi, với hy vọng những mẻ cá đầy khoang. 
[links()]
 
>> Xem Video:
 
 
Trưa đứng bóng. Thời điểm này, những ngư dân vùng bãi ngang ven biển xã Đức Minh (Mộ Đức) đang cố gắng vượt cơn sóng lớn đưa ghe thuyền cập bến trở về sau mấy giờ đồng hồ đánh bắt ngoài biển.
 
Ngồi trên mui, người đàn ông ngót nghét 50 tuổi ngó xung quanh xem chừng đến con sóng rồi giục bạn thuyền kéo ga, tăng tốc hướng ghe vào bờ. 
 
Ghe vừa cập bờ, những người vợ của ngư dân đã nhanh chóng ra hỗ trợ chồng đưa chiếc ghe vào sâu trong bờ để tránh những con sóng lớn. 
 
Mùa biển động nên phải ‘trầy trật’ lắm, ngư dân mới đưa những chiếc ghe nan ra khơi và cập bờ an toàn. Dù khó khăn, nhưng bù lại, mỗi chuyến ra khơi trong mùa biển động luôn đầy ắp cá nên trên từng gương mặt khắc khổ của những ngư dân lộ rõ niềm vui.
 
Chỉ những ngư dân có kinh nghiệm mới dám ra khơi trong mùa biển động
Chỉ những ngư dân có kinh nghiệm mới dám ra khơi trong mùa biển động
 
Chỉ với chiếc ghe nan nhỏ có công suất 8-15 mã lực và đánh bắt cách bờ chừng vài hải lý nhưng mỗi ngư dân có thể kiếm được vài trăm ngàn đồng đến tiền triệu mỗi chuyến phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Thậm chí nhiều ghe trúng đậm “lộc biển” và đem lại thu nhập cao.
 
“Nghề đánh bắt gần bờ nó tréo ngoe lắm. Mùa biển động lại là thời điểm cá tôm nhiều hơn hẳn các tháng biển lặng. Biển động, nhiều loại tôm cá thường dạt vào gần bờ và những ‘cây chà’ ngư dân dựng trên biển trú ngụ nên mỗi chuyến ra biển chỉ từ 4 - 5 tiếng nhưng đánh bắt được rất nhiều hải sản. Hơn nữa, thời gian đánh bắt ngắn nên hải sản vẫn còn tươi sống, bán được giá cao hơn hơn những ngày bình thường. Bình quân mỗi chuyến đánh bắt, mỗi ngư dân cũng thu về từ 1-2 triệu đồng”, ngư dân Nguyễn Tấn Sương (50 tuổi) ở xã Đức Minh nói. 
 
Những ngày biển động lượng cá đánh bắt được gấp nhiều lần so với ngày biển lặng nên nguồn thu nhập của ngư dân cũng khá hơn
Những ngày biển động lượng cá đánh bắt được gấp nhiều lần so với ngày biển lặng nên nguồn thu nhập của ngư dân cũng khá hơn
 
Dù mức thu nhập sau những chuyến ra khơi trong mùa biển động cao hơn những ngày trời yên biển lặng rất nhiều, nhưng không phải ngư dân nào cũng dám ‘thi gan’ với sóng dữ, bởi những bất trắc luôn rình rập. 
 
“Dẫu biết ra khơi mùa này thường gặp nhiều bất trắc nhưng vì miếng cơm nên ngư dân chúng tôi đánh  liều vậy thôi”, lão ngư Tấn chia sẻ. 
 
Đã có không ít những vụ tai nạn lật ghe, thuyền thúng gây thiệt hại tài sản, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng do ngư dân đánh bắt gần bờ chủ quan và liều mình ra biển đánh bắt trong những ngày biển động. 
 
Mới đây nhất là trường hợp 2 ngư dân ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), trong lúc đưa thuyền thúng ra biển đánh bắt, vì sóng lớn nên 2 thuyền thúng bị sóng đánh chìm, ngư dân phải phát phát tín hiệu cứu hộ khẩn cấp. Rất may, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương ứng cứu kịp thời nên 2 ngư dân này được đưa vào bờ an toàn. 
 
Vì cuộc sóng mưu sinh nên không ít ngư dân liều mình thi gan với với sóng dữ
Vì cuộc sóng mưu sinh nên không ít ngư dân liều mình thi gan với với sóng dữ
 
Khi chúng tôi thắc mắc về việc tại sao, trong mùa biển động, ra biển đánh bắt rất nguy hiểm nhưng ngư dân vẫn liều mình vượt sóng dữ ra khơi, nhiều ngư dân cho rằng, dẫu biết có nhiều bất trắc, nhưng nỗi lo cơm áo nên ngư dân các làng chài ven biển phải chấp nhận đối mặt với sóng to, gió lớn. Và cũng bởi, xa biển ngày nào thì cuộc sống khó khăn ngày đó. 
 
Chính vì vậy, trong mùa biển động những con tôm, con cá mang về từ biển dường như cũng mặn chát vị mồ hôi, nước mắt của người đi biển.
 
PV- CTV