Thăm Trường Dục Thanh - Nơi ghi dấu chân Người

03:06, 14/06/2016
.

(Baoquangngai.vn)- Trong chuyến công tác đến TP. Phan Thiết (Bình Thuận) mới đây, chúng tôi có dịp đến thăm Di tích trường Dục Thanh- nơi đây, trên hành trình tìm đường cứu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Bác Hồ lúc 20 tuổi) đã dừng chân dạy học. Hơn 100 năm đã trôi qua, ngôi trường giờ đây không chỉ là một di tích lịch sử, mà còn là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ hôm nay và mai sau.

Theo tài liệu lịch sử, trường Dục Thanh với ý nghĩa là trường “giáo dục thanh thiếu niên thức dậy ý thức dân tộc” được xây dựng năm 1907 trên phần đất gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà thơ yêu nước ở làng Thành Đức (nay thuộc địa bàn phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận). Đây là trường tư thục được cho là có nội dung giảng dạy tiến bộ nhất thời bấy giờ, do hai con trai cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Quý Anh và Nguyễn Trọng Lội sáng lập, nhằm truyền bá tư tưởng của phong trào Duy Tân. Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó, trường dạy thêm Hán văn, Pháp văn.
 
Khuôn viên bên ngoài trường Dục Thanh
Khuôn viên bên ngoài trường Dục Thanh
 
Năm 1910, trên đường đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành được cụ nghè Trương Gia Mô (bạn cũ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) giới thiệu đã đến Phan Thiết và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh.
 
Học sinh của trường có khoảng 60 người, do 7 thầy giáo giảng dạy các bộ môn: Hán văn, Pháp văn, thể dục thể thao... Thầy Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy Quốc ngữ, Hán văn. Trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh, ngoài những nội dung được phân công giảng dạy, thầy Thành còn bằng tình cảm người thầy, người anh, truyền bá lòng yêu quê hương đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh.
 
Tháng 2.1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn. Rồi sau đó, ngày 5.6.1911, từ Bến Nhà Rồng, Người đã lên tàu ra đi tìm đường cứu nước. Tuy thời gian dạy học tại Trường Dục Thanh không dài, nhưng Bác đã để lại tình cảm yêu thương, quyến luyến của các đồng nghiệp, học sinh và nhân dân Bình Thuận. 
 
Bên trong ngôi trường khuôn viên khá rộng rãi, thoáng đãng
Bên trong ngôi trường khuôn viên khá rộng rãi, thoáng đãng

 

Khuôn viên trong trường rợp bóng mát cây xanh
Khuôn viên trong trường rợp bóng mát cây xanh
 
Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến năm 1978 - 1980, trường Dục Thanh đã được phục chế, tôn tạo như lúc thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học nhờ những ký ức, kỷ niệm của các cụ là học trò cũ của trường. Khu di tích được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích cấp Quốc gia vào năm 1986.
 
Giờ đây, khu di tích trường Dục Thanh đã trở thành một “điểm son” lịch sử trong lòng mỗi người dân Việt Nam và cả những du khách quốc tế khi có dịp tham quan ngôi trường, nơi gắn liền thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Phòng học được phục chế, tôn tạo như lúc thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học
Phòng học được phục chế, tôn tạo như lúc thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học

 

Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận năm bên cạnh trường Dục Thanh
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận nằm bên cạnh trường Dục Thanh
Bên cạnh khu Di tích trường Dục Thanh là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Khu bảo tàng này hiện trưng bày trên 890 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

 

B.Khánh