Tập trung sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế

10:06, 18/06/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện quyết định của Bộ Tài chính, Cục Thuế Quảng Ngãi đang tiến hành sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế huyện thành chi cục thuế khu vực. Để có thêm thông tin về vấn đề này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn Cục trưởng Cục Thuế Quảng Ngãi Nguyễn Văn Luyện.

Ông Nguyễn Văn Luyện.
Ông Nguyễn Văn Luyện.


PV: Thưa ông, Bộ Tài chính đang chỉ đạo Cục Thuế các địa phương khẩn trương sắp xếp, sáp nhập một số chi cục thuế các huyện, thành phố thành chi cục thuế khu vực. Vậy, ngành thuế tỉnh đã và đang triển khai như thế nào?


Ông NGUYỄN VĂN LUYỆN: Bộ Tài chính giao cho Quảng Ngãi sắp xếp, sáp nhập từ nay đến năm 2020 từ 14 chi cục thuế còn 8 chi cục. Cụ thể: Năm 2018, sắp xếp lại 7 chi cục thuế thành 3 chi cục thuế khu vực, gồm: Đức Phổ - Ba Tơ; Sơn Tịnh - Sơn Hà - Sơn Tây và Trà Bồng - Tây Trà. Năm 2019, Nghĩa Hành- Minh Long và đến năm 2020, Tư Nghĩa-Mộ Đức.

Thực hiện các quyết định, chỉ thị của Bộ Tài chính, Cục Thuế Quảng Ngãi đã xây dựng đề án triển khai thực hiện, có đề nghị điều chỉnh khác với quyết định của Bộ Tài chính là Chi cục Thuế Sơn Tịnh không sáp nhập chung với Chi cục Thuế Sơn Hà – Sơn Tây, mà được nhập vào Chi cục Thuế TP.Quảng Ngãi vào năm 2020; vì khoảng cách địa lý quá rộng, trên 75km. Hiện nay, Cục Thuế đang chờ phê duyệt chính thức của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.

Để triển khai thực hiện nội dung trên, Cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai và phân công nhiệm vụ cho các Tổ công tác giúp việc theo từng lĩnh vực công tác phù hợp với chuyên môn được giao; báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về đề án, để tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tổ chức làm việc với chi cục thuế thuộc diện được sáp nhập...

PV: Trong quá trình thực hiện, có những thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?

Ông NGUYỄN VĂN LUYỆN: Việc sắp xếp, sáp nhập thành chi cục thuế khu vực là một công việc mới mẻ, phức tạp, nhiều vấn đề phát sinh. Vì vậy, Cục Thuế tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể công chức và người lao động về việc sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế; kịp thời nắm bắt tư tưởng của công chức trong các đơn vị đảm bảo sự đoàn kết, nhất trí cao. Chỉ đạo chi cục thuế báo cáo với chính quyền địa phương kế hoạch thành lập chi cục thuế khu vực.

Bên cạnh đó là kiểm kê, chốt số liệu, giao nhận về tài sản, tài chính, ấn chỉ, hồ sơ lưu trữ, quản lý và sử dụng tài sản của đơn vị có hiệu quả. Xử lý quy trình nghiệp vụ, hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo xử lý thông suốt các nội dung quản lý, không ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách, cũng như không gây khó khăn, ách tắc cho người nộp thuế. Cùng với đó triển khai thực hiện đề án bố trí nhân sự, nơi làm việc. Hướng dẫn về công tác Đảng, đoàn thể đối với chi cục thuế khu vực theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy.

Trong quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ công chức, người lao động.  Tuy nhiên, cũng gặp một số khó khăn như bố trí lại cấp trưởng, sắp xếp cấp phó dôi dư, điều kiện làm việc, ăn ở của một số công chức ở chi cục thuế khu vực; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền địa phương đối với công tác thuế của chi cục thuế khu vực...

PV: Theo ông, việc sáp nhập chi cục thuế khu vực có tác động đến người nộp thuế hay không? Ngành thuế dự kiến sẽ triển khai biện pháp gì để giảm thiểu tác động?

Ông NGUYỄN VĂN LUYỆN: Khi xây dựng đề án, cơ quan thuế đã rà soát tổng thể nhiều yếu tố có tác động đến người nộp thuế (NNT), từ đó phân loại các nhóm yếu tố tác động, như: Nhóm công việc liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; vấn đề pháp lý... Đương nhiên là ít nhiều có sự tác động đến NNT, vì thay đổi tên cơ quan thuế, thay đổi địa điểm giao dịch. Tuy nhiên, yếu tố thuận lợi hiện nay là các doanh nghiệp đã khai thuế điện tử trên 98%, nên ít ảnh hưởng, vì ở đâu cũng có thể khai, nộp thuế điện tử được. Các hộ kinh doanh trước mắt vẫn quản lý theo cơ chế phân công địa bàn như trước đây, nên cơ bản ổn định.

Để tránh những tác động trực tiếp đến NNT khi sáp nhập thành chi cục thuế khu vực, Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị sáp nhập tập trung triển khai các nội dung có liên quan đến NNT, như: Tập trung rà soát danh sách NNT do đơn vị quản lý và sổ bộ thuế để xử lý các tồn tại về đăng ký thuế như NNT đã giải thể, nhưng chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế, NNT chưa nhập vào hệ thống ứng dụng tập trung, hoặc chưa cấp mã số thuế; theo dõi hồ sơ NNT về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, hồ sơ quản lý về thuế đối với cá nhân kinh doanh; số thuế nộp thừa hoặc thiếu, nộp chậm; xử lý nợ; báo cáo hoàn thuế, miễn giảm thuế và kiểm tra thuế và quyết toán thuế...

Nói chung, tất cả các dữ liệu quản lý thuế đối với NNT phải xử lý triệt để trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); đảm bảo khi dữ liệu chuyển đổi cơ quan thuế khu vực không bị vướng mắc, các dữ liệu phản ánh đúng nghĩa vụ của NNT.

Công tác quản lý các khoản thu về trước bạ và những khoản thu liên quan về đất cần phải tiếp cận ngay phương thức quản lý mới, để không gây phiền hà cho NNT ở những địa bàn không có trụ sở chi cục thuế khu vực. Do đó, cơ quan thuế và tài nguyên- môi trường phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 19.4.2018 của UBND tỉnh về quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai trong việc trao đổi thông tin theo hình thức điện tử, để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn Quảng Ngãi.

Đối với khoản thu trước bạ, cũng thực hiện cơ chế điện tử trong giao dịch giữa các ngành, lãnh đạo cơ quan thuế thực hiện chữ ký số vào tờ khai và thông báo nghĩa vụ tài chính cho NNT thay vì ký tên, đóng dấu theo phương thức truyền thống.

Làm được hai nội dung trên sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về cải cách TTHC; giảm thiểu chi phí và thời gian không chỉ cho NNT mà cả cơ quan quản lý. Từ đó sẽ giảm nhẹ các đầu mối công việc để cơ quan thuế vừa tổ chức quản lý thu ngân sách, vừa đảm bảo được mục tiêu mà Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã đặt ra.

PV: Xin cảm ơn ông!


THANH HẢI
 (thực hiện)



 


.