Luật Tố tụng hành chính: Khắc phục những hạn chế trong việc giải quyết khiếu kiện

04:09, 16/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015, đã cải cách thủ tục TTHC theo hướng đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại toà án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước toà án; bảo đảm các bản án, quyết định của toà án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành. Xung quanh việc triển khai thi hành Luật TTHC,  PV.Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Mạnh Thắng.
 

PV: Xin ông cho biết công tác hỗ trợ, tư vấn pháp luật trong các vụ án hành chính thời gian qua được thực hiện như thế nào?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý là một trong những nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm của Sở Tư pháp. Thời gian qua, thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, cùng với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Tư pháp, công tác này ngày càng được triển khai đi vào thực chất, có hiệu quả hơn, nhất là trong lĩnh vực hành chính. Cùng với việc tăng cường tuyên truyền cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh nắm vững các quy định của Luật TTHC, Luật Khiếu nại và các văn bản liên quan để tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, Sở Tư pháp còn chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tăng cường các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho nhân dân miền núi, hải đảo; cử trợ giúp viên pháp lý tư vấn, hỗ trợ, đại diện hoặc tham gia bảo vệ trước tòa án cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý trong các vụ án hành chính theo quy định. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn tích cực tham gia cùng với các cơ quan, ban ngành của tỉnh tư vấn, tham mưu UBND tỉnh giải quyết các vụ việc hành chính, khiếu kiện đông người, phức tạp; tham gia làm người bảo vệ, quyền lợi ích hợp pháp cho Chủ tịch UBND tỉnh trong các vụ án hành chính.

PV: Luật TTHC có ý nghĩa như thế nào trong việc hạn chế các vụ việc khiếu kiện đông người, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Hiện nay, tình trạng khiếu kiện hành chính, nhất là các vụ việc liên quan đến đất đai, thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng xảy ra khá nhiều. Nguyên nhân cơ bản là do người dân chưa hiểu biết các quy định của pháp luật, nên khiếu kiện mà không có cơ sở hoặc không đủ chứng cứ pháp lý; bên cạnh đó, cơ chế giải quyết khiếu kiện cũng chưa thực sự rõ ràng. Chính vì vậy, Luật TTHC đã khắc phục những hạn chế, bất cập trước đây để quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của tòa án, đối tượng bị khởi kiện hành chính, quyền và nghĩa vụ của đương sự, thời hiệu khởi kiện, việc giải quyết vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn, nghĩa vụ cung cấp chứng cứ của các đương sự, việc đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính... Qua đó thiết lập hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch giúp cho cả người đi kiện, cũng như người bị kiện nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia các vụ án hành chính.

PV:  Luật TTHC đã khắc phục tình trạng “ủy quyền” cho cấp dưới ra sao?

Ông Nguyễn Mạnh Thắng: Tại Điều 60 của Luật TTHC năm 2015, đã quy định cụ thể về người đại diện. Theo đó, người đại diện trong tố tụng hành chính, bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Đối với cơ quan, tổ chức thì người đại điện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Luật cũng quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện, chứ không được ủy quyền cho cấp dưới hoặc người khác.

Cùng với quy định về người đại diện, Luật TTHC cũng quy định rõ về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, bao gồm: Luật sư, trợ giúp viên pháp lý, hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý và công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có kiến thức pháp lý, chưa bị kết án hoặc bị kết án, nhưng đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành công an.

PV: Xin cảm ơn ông!


NGUYỄN TRIỀU (thực hiện)
 


.