Dự án thép Hòa Phát: Sử dụng 60% lao động là người địa phương

10:04, 04/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ngãi, ông Đinh Văn Chung - Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất, cho biết: “Hòa Phát đã quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép tại Dung Quất thì sẽ làm những gì tốt nhất. Chúng tôi cam kết sẽ đảm bảo tối đa về môi trường, người lao động và nhiều vấn đề khác mà dư luận quan tâm”.

-PV: Ông cho biết về phương án sử dụng lao động của Hòa Phát tại KKT Dung Quất?

Ông Đinh Văn Chung: Trên địa bàn tỉnh có nhiều trường nghề đã đào tạo đón đầu cho những dự án như Doosan, Lọc hóa dầu, đóng tàu, nên Hòa Phát hy vọng thu hút tối đa lực lượng lao động tại Quảng Ngãi. Ngoài ra, với công nghệ thiết bị Hòa Phát đầu tư ở dự án này hiện đại nhất Việt Nam, nên cũng cần nhân sự có trình độ chuyên môn cao, vì vậy ngoài việc thu hút tối đa lao động địa phương thì cũng thu hút lực lượng lao động có tay nghề cũng như trình độ cao trong cả nước. Nhưng, phải khẳng định rằng, trên 60% sẽ là người địa phương. Tuy nhiên, để vào làm việc tại Hòa Phát Dung Quất, người dân cần phải đi học các lớp căn bản để Hòa Phát có cơ sở tiếp nhận lao động và đào tạo thêm.

-PV: Quy trình sản xuất thép mà Tập đoàn sẽ thực hiện tại Dung Quất như thế nào?

Ông Đinh Văn Chung: Quy trình đang thiết kế và đề xuất với các nhà tư vấn là luyện cốc khô. Quy trình sản xuất này rất tốt. Đối với hệ thống khí thải khác như khói thải, chúng tôi đang liên hệ với đơn vị tư vấn thiết kế của Ý thiết kế tổng công trình, giám sát toàn bộ quá trình xây lắp sau này với công nghệ tối ưu nhất hiện nay. Phía công ty có chuẩn bị phương án tương lai và dự kiến cuối tháng 4.2017 sẽ trình Bộ TN&MT và Chính phủ về báo cáo đánh giá tác động môi trường và xin ý kiến của chính phủ về vấn đề này.

 Phương tiện thiết bị máy móc được Tập đoàn Hòa Phát huy động đến công trường nhà máy, để chuẩn bị cho công tác xây dựng một số hạng mục phụ, phục vụ cho công tác xây dựng nhà máy sau này.
Phương tiện thiết bị máy móc được Tập đoàn Hòa Phát huy động đến công trường nhà máy, để chuẩn bị cho công tác xây dựng một số hạng mục phụ, phục vụ cho công tác xây dựng nhà máy sau này.


-PV: Nguồn nguyên liệu lấy từ đâu? Tác động về môi trường trong quá trình nhập quặng về cảng, Hòa Phát sẽ xử lý như thế nào?

Ông Đinh Văn Chung: Công nghệ sản xuất thép khép kín mà Hòa Phát triển khai tại Dung Quất là mô hình sản xuất dài từ quặng cho đến thép thành phẩm, chủ yếu nguyên liệu chính là quặng và khoảng 10 - 15% thép phế.  Hòa Phát xác định rõ tác động môi trường của nguyên liệu khi bốc dỡ, nên đang đàm phán với tư vấn thiết kế tư vấn cho Hòa Phát hệ thống bốc dỡ bằng băng chuyền khép kín.

Với xử lý nước thải, Dự án Hòa Phát xây dựng trên hệ thống xử lý nước thải khép kín hoàn toàn trong điều kiện bình thường, tức là nước vào và nước ra và nước sau khi xử lý xả ra ngoài cho qua hồ điều hòa. Hòa Phát dự kiến đào một hồ điều hòa có diện tích gần 30ha để xử lý. Hồ điều hòa chia thành 3 lớp ngăn để xử lý, nếu có mưa lớn nước tràn ra mương thoát nước chung của KKT thì chỉ là nước thải sinh hoạt bình thường. Hiện nay Hòa Phát không đăng ký cống xả thải ra biển mà tất cả lượng nước sẽ tuần hoàn trong công ty và tái sử dụng trở lại sau khi được xử lý.

-PV: Ông đánh giá thế nào về quá trình hợp tác với tỉnh?

Ông Đinh Văn Chung: Chúng tôi rất ghi nhận cách làm của lãnh đạo tỉnh khi Hòa Phát tiếp xúc làm việc đặt vấn đề đầu tư, tất cả đều ủng hộ và thực hiện các phần việc liên quan rất nhanh. Lãnh đạo tỉnh có tinh thần nhiệt huyết, luôn ủng hộ và hướng dẫn cho Hòa Phát các thủ tục giấy tờ một cách chuẩn xác và nhanh nhất có thể. Thời gian tới còn nhiều vướng mắc khác, hy vọng tỉnh tiếp tục ủng hộ để Hòa Phát thực hiện đúng tiến độ như cam kết với địa phương và Chính phủ.

-PV: Cảm ơn ông!


LÊ ĐỨC
(thực hiện)


 


.