Sửa đổi, bổ sung quy định mức giá một số dịch vụ khám chữa bệnh là cần thiết

08:07, 24/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa qua, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh về việc quy định điều chỉnh, bổ sung các dịch vụ y tế và mức giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế của Nhà nước trên địa bàn tỉnh để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp HĐND lần này. Để hiểu rõ hơn về việc điều chỉnh này, PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Đức-Giám đốc Sở Y tế.


-PV: Xin ông cho biết việc điều chỉnh, bổ sung về mức giá của các dịch vụ y tế lần này như thế nào? Có bao nhiêu dịch vụ và mức giá được điều chỉnh bổ sung?

Ông Nguyễn Tấn Đức: Thời gian qua, ngành y tế thực hiện theo Thông tư liên tịch 04 của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Quyết định 32/2012 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc ban hành quy định mức giá một số dịch vụ khám, chữa bệnh trong các cơ sở y tế Nhà nước. Ngày 12.10.2012, tỉnh Quảng Ngãi đã áp dụng giá viện phí mới cho 604 dịch vụ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có một số vướng mắc do mức giá một số dịch vụ chưa phù hợp với thực tế, như: Có một số dịch vụ vượt khung cho phép của Thông tư 04; một số giá dịch vụ chưa có quy định cụ thể và một số kỹ thuật, dịch vụ mới phát sinh cần điều chỉnh. Cho nên, quy định mức giá một số dịch vụ y tế để trình kỳ họp HĐND tỉnh lần này theo Thông tư 04 được áp dụng ở mức thấp nhất là 57,5% và cao nhất là 73,3%. Xây dựng quy định mức giá cần điều chỉnh lần này, chúng tôi tính đến khả năng chi trả phù hợp với mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh (trong khi một số địa phương khác đã xây dựng quy định mức giá theo Thông tư 04 là 100%).

Cụ thể, tổng dịch vụ khám chữa bệnh đề nghị xem xét quy định mức giá trong lần này bao gồm 677 dịch vụ khám, chữa bệnh với 1.118 mức giá khác nhau. Trong đó, số dịch vụ trong Quyết định số 32 của UBND tỉnh được sửa đổi mức giá theo quy định Thông tư 04 là 65 dịch vụ. Số dịch vụ được bổ sung mới lần này gồm 102 dịch vụ; trong đó có 56 dịch vụ khám chữa bệnh đề nghị HĐND quy định mức giá tạm thời (vì các dịch vụ này chưa được Liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính quy định khung giá trần). Cùng với đó, sẽ loại khỏi 30 danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh theo Quyết định 32, do trong quá trình xây dựng có 8 dịch vụ trùng lặp với các mục khác trong Quyết định 32 và 20 dịch vụ trùng lặp với danh mục đã được UBND tỉnh phê duyệt giá theo Quyết định 1890/QĐ-UBND và 2 danh mục được sắp xếp lại cho hợp lý. Sau cùng là giữ nguyên mức giá của 509/604 dịch vụ khám chữa bệnh đã được quy định mức giá theo Quyết định 32. Tuy nhiên, một số dịch vụ sửa đổi, bổ sung lần này được xây dựng theo hướng cơ cấu chi tiết từng loại/nhóm bệnh; từng phương pháp vô cảm (phương pháp gây mê, gây tê) phù hợp, nên trong số 167 dịch vụ sau khi sửa đổi, bổ sung có tất cả 605 mức giá.

-PV: Vậy mục đích ý nghĩa của việc sửa đổi, bổ sung quy định mức giá các dịch vụ khám, chữa bệnh lần này?

Ông Nguyễn Tấn Đức: Mục đích sửa đổi mức giá một số dịch vụ đợt này để phù hợp với quy định của Thông tư số 04 và phù hợp với thực tế chi phí đã sử dụng cho người bệnh. Đồng thời đảm bảo quyền lợi của các cơ sở khám chữa bệnh, tạo được nguồn kinh phí để tái cơ cấu đầu tư nâng cấp chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.Việc bổ sung quy định mức giá đối với các dịch vụ đã triển khai, đã có kế hoạch triển khai trong thời gian đến nhưng chưa được phê duyệt giá, nhằm tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh tích cực đầu tư áp dụng các kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng dịch vụ khám và điều trị, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Quan trọng hơn cả là do đời sống của người dân còn nghèo, nên quan điểm xây dựng mức giá phải phù hợp với tình hình đời sống của người dân và đảm bảo cân đối kinh phí chi trả từ nguồn BHYT hiện nay.

-PV: Song song với việc điều chỉnh mức giá lần này, ngành y tế có kế hoạch nâng cao chất lượng khám và điều trị như thế nào để phục vụ tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân?

Ông Nguyễn Tấn Đức: Sau khi điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, ngành y tế tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực để cải tạo nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị mới hiện đại, áp dụng những kỹ thuật y học mới trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút bác sĩ, dược sĩ chính quy về tỉnh công tác; đồng thời cử cán bộ đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Đẩy mạnh việc Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt quy tắc ứng xử trong ngành y, nhằm nâng cao y đức, tinh thần thái độ phục vụ tốt đối với bệnh nhân và người nhà người bệnh…

-PV: Xin cảm ơn ông!


 KIM NGÂN (thực hiện)
 


.