Nhớ mùa đào lộn hột xưa

02:04, 24/04/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Nhiều năm trở về trước, đào lộn hột (còn gọi là cây điều) được trồng khắp các miền quê. Nhưng rồi, những rừng điều cũng dần được thay thế bằng những loại cây đem lại giá trị kinh tế khác. Những quả đào sặc sỡ, mọng nước trở thành hương vị của ký ức, gắn với kỷ niệm xưa của nhiều người.

[links()]

Một buổi trưa nắng gắt ngồi lướt Facebook, vô tình thấy được một bài rao bán đào lộn hột. Hồi ức tuổi thơ với những buổi trưa hè tìm hái đào như hiện lại ngay trước mắt tôi.

Ngày đó, ở Phổ Cường (Đức Phổ) quê tôi mỗi nhà đều có ít nhất vài cây đào lộn hột. Đào dễ trồng, ít phải chăm bón nên đặc biệt thích hợp với vùng đất khô cằn quê tôi. Tết Nguyên đán qua đi, đến tháng 2 âm lịch hằng năm, khi tiết trời ấm dần cũng là lúc cây đơm bông kết trái. Dẫu không ngọt ngào, dễ ăn như những loại trái cây khác nhưng đào lộn hột lại có sức hấp dẫn vô cùng. Để rồi khi hè đến, lũ trẻ chúng tôi lại háo hức trước những chùm đào căng mọng, treo lủng lẳng trên cành.

Quả đào lúc chín tỏa ra mùi hương thơm lừng vô cùng cuốn hút. Nên thay vì mỏi cổ tìm đào, chúng tôi hay đi dạo quanh vườn, đứng dưới những gốc đào hít lấy hít để, chỗ nào có mùi đào thơm là biết ở đó có quả ngon đang chờ chúng tôi thưởng thức.

Đào lộn hột chia ra làm hai phần là phần hột và phần quả. Quả ăn vào sẽ có vị chua chua, ngọt ngọt, hơi chát. Nếu ăn nhiều còn cảm giác xót lưỡi. Đặc biệt là ăn đào rất dễ bị sặc. Mỗi lần thấy tôi cầm cây đi hái đào, bà tôi vẫn hay dặn lúc ăn cắt đào ra từng miếng nhỏ vắt bớt nước bỏ đi để đỡ sặc và đừng ăn quá nhiều kẻo bị tưa lưỡi. Thế nhưng niềm vui của tôi là được cầm nguyên quả đào thật to, chấm vào chén muối ớt cắn một miếng ngập răng để rồi không ít lần sặc sụa vì nước đào.

Dẫu không ngọt ngào, dễ ăn như những loại trái cây khác nhưng đào lộn hột lại có sức hấp dẫn vô cùng.
Dẫu không ngọt ngào, dễ ăn như những loại trái cây khác nhưng đào lộn hột lại có sức hấp dẫn vô cùng.

Quả đào lộn hột lúc đầu có màu xanh nhưng khi chín có thể có màu vàng, hồng cam hay đỏ tùy theo từng giống cây. Dẫu màu gì thì mùi vị đào cũng đều như nhau. Cây đào lộn hột được trồng lấy hột là chính, nhiều nhà trái chín rụng đầy vườn ai muốn ăn quả thì cứ ăn, chỉ cần để hột lại. Vậy nên tụi con nít chúng tôi hồi đó hay túm tụm rủ nhau đi quanh khắp xóm để tìm cho được rổ đào đủ các loại màu đẹp mắt đem về.

Sau khi ăn chán chê rồi, nhiều đứa mới phát hiện không cẩn thận làm nhỏ đầy nước đào lên áo, để rồi no đòn vì quần áo dính mủ đào có giặt đến mấy cũng chẳng ra.

Bên cạnh phần quả thì hột đào cũng là món ăn hết sức cao cấp. Mỗi lần đi quanh vườn phụ bà nhặt hạt đào gom lại chờ ngày cân kí bán, tôi hay xí phần mình một nắm nhỏ vài hạt đào tươi. Đem hạt đào bỏ vào bếp lửa lùi tro. Sau khi từng chút dầu đào đã tươm ra cháy xèo xèo, mùi thơm dần bốc ra là biết hạt đã chín. Dùng cây khèo nắm hạt đào từ bếp lửa rồi đập bỏ phần vỏ bên ngoài là có hạt điều ngon giòn, thơm phức mà người ta vẫn thường chế biến đóng hộp bán với giá khá cao.

Điểm đặc biệt của cây đào mà tôi rất thích đó là cây chảy nhựa. Những buổi trưa hè, bên cạnh đi hái trái, nhặt hột đào, tôi vẫn thường đến bên những gốc đào cổ thụ to thật to, một vòng tay ôm không xuể. Rồi để ý xem có chú ve nào đang ngụy trang trên gốc đào hay có gốc cây nào đang chảy nhựa. Những giọt nhựa đào màu vàng cam, trong suốt lúc đông cứng tuyệt đẹp cũng như những chú ve sầu là thứ quà vô cùng quý giá mà bất cứ đứa trẻ nào hồi đó cũng đều yêu thích.

Bây giờ, lũ trẻ hay đi dạo quanh tìm đào ngày xưa đều đã khôn lớn. Đứa còn ở quê, người đã rời đến những thành phố khác vì cuộc sống mưu sinh. Những vườn đào xưa cũng đã dần thưa bóng, nhường chỗ cho những loại cây ăn quả hay cây gỗ khác. Nhưng những mùa đào năm ấy sẽ mãi còn khắc ghi trong ký ức của chúng tôi với từng vị ngọt, chua, chát và hương thơm thoang thoảng của đào lộn hột.

Thanh Nhàn


.