Hoài niệm những thổ sản xưa...

07:03, 28/03/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Có rất nhiều thổ sản của Quảng Ngãi từng được triều đình nhà Nguyễn xếp vào danh mục thổ sản đặc biệt, mang tính đặc trưng cho địa phương mà không nơi nào có được. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên, đại đa số những thổ sản này đã biến mất, chẳng còn lưu lại dấu tích.
 
Nhớ nghĩa sâm, nhớ gạo trì trì...
 
Lần giở Đại Nam nhất thống chí tập II, khi nhắc đến Quảng Ngãi, Quốc sử quán triều Nguyễn ngày ấy đã thống kê khá chi tiết các loại thổ sản đặc trưng của xứ Quảng. Thế nhưng, nếu soi chiếu vào hiện tại thì phần lớn người dân Quảng Ngãi bây giờ chỉ “quen mặt” với một số ít thổ sản như: Quế, cây báng (hay còn gọi là cây đoác mà người miền núi Quảng Ngãi thường ủ rượu ngay trên cây). Còn lại, các thổ sản như: Nghĩa sâm, cây sáp, cây dầu hương cùng hàng loạt giống lúa bản địa quý đều đã trở thành những cái tên khá xa lạ trong tâm thức người Quảng Ngãi. 
 Theo chia sẻ của nhiều nông dân miền núi, các giống lúa bản địa miền núi như lúa to, lúa cúc, lúa hột cườm, lúa oa cái... đang bị lai tạp dần với lúa nước, nên hạt lúa không còn giữ nguyên kích thước, hình dáng như ngày xưa.                   Ảnh: Đông Yên
Theo chia sẻ của nhiều nông dân miền núi, các giống lúa bản địa miền núi như lúa to, lúa cúc, lúa hột cườm, lúa oa cái... đang bị lai tạp dần với lúa nước, nên hạt lúa không còn giữ nguyên kích thước, hình dáng như ngày xưa. Ảnh: Đông Yên
Theo Đại Nam nhất thống chí, nghĩa sâm (sâm Quảng Nghĩa) là loại sâm đặc trưng của Quảng Ngãi xưa. Loại sâm này xuất hiện nhiều ở các núi ven biển thuộc huyện Bình Sơn. Tầm tháng 2, tháng 3 là nghĩa sâm nở hoa. Người xưa thường đào lấy củ mang đi rửa sạch, cạo hết vỏ thô rồi phơi nắng và sấy than để dùng. Thứ sâm này có đặc trưng là các vằn ngang trên củ, vị ngọt và thanh đạm.
 
Nghĩa sâm từng là sản vật gắn với tên “Quảng Nghĩa”, nhưng ngày nay hỏi những bậc cao niên sống tại các địa phương ven biển của huyện Bình Sơn về loại đặc sản này, mọi người đều lắc đầu trả lời chưa từng thấy loại sâm này.
 
Cũng theo sử sách chép lại, đảo Lý Sơn từng có cây dầu hương - loại cây cho dầu mang hương thơm rất đặc biệt, nên triều đình nhà Nguyễn từng quy định người dân phải nộp thuế dầu. Đến giữa đời Gia Long, cây dầu hương đổ, người dân phải nộp thay bằng dầu phụng. Rồi đến giữa đời Minh Mạng, cây dầu hương sống lại, nên người dân tiếp tục nộp thuế như cũ. Quý hiếm là vậy, nhưng đến nay, “đỏ mắt” tìm khắp đảo, cũng không tìm được chút dấu tích nào về loài cây này. Chỉ còn lại cây dầu phụng may mắn vẫn còn được trồng phổ biến trên đất đảo đến ngày nay.
 
Không chỉ các thổ sản quý hiếm, mà ngay cả những giống lúa bản địa từng được trồng khắp nơi trên đất Quảng Ngãi, nay cũng dần thất truyền.
 
Hoài niệm về một giống lúa được trồng đại trà tại quê hương mình, ông Nguyễn Minh Nghĩa, ở xã Đức Lân (Mộ Đức), bồi hồi: “Ngày xưa, quê tôi ai cũng thuộc làu câu: Trì trì trổ muộn chín mau/ Rủ nhau ở đậu làm giàu Tú Sơn”, “Gái Tú Sơn đầu trơn như mỡ/ Gạo trì trì nứt nở như ươi”. Nói tới Tú Sơn là nhắc lúa trì trì. Bởi đây là giống lúa duy nhất thích nghi được với điều kiện đất đai thiếu nước quanh năm ở quê tôi”.
 
Là giống lúa “chịu thương chịu khó” chống chịu được khô hạn, nên theo lời kể của nhiều lão nông, lúa trì trì không chỉ là giống lúa chủ lực ở Tú Sơn, mà có mặt tại hầu hết các diện tích ruộng thiếu nước trên địa bàn tỉnh. “Đến thời vụ, chúng tôi cuốc đất, phơi cho khô, rồi dùng vồ bằng gỗ đập đất vỡ nhỏ ra để gieo lúa lên đó. Lúa giống không cần trải qua khâu ủ, người dân cứ gieo lúa khô trên mặt ruộng rồi chờ đến khi trời mưa, lúa trì trì sẽ nứt mầm mà lên xanh um. Sắp sửa đến mùa mưa thì gieo lúa, rồi phó mặc cho trời cho đến tháng Chạp, tháng Giêng năm sau thu hoạch. Lúa trì trì là vậy. Tự lực sinh trưởng và phát triển”, ông Nghĩa kể.
 
Giống lúa trì trì chịu hạn rất tốt, nên được hầu hết nông dân vùng thiếu nước tưới tại Quảng Ngãi ưu ái gieo trồng. Nhưng sau khi hệ thống thủy lợi Thạch Nham được dựng xây và đi vào hoạt động, giống lúa trì trì dần bị các giống lúa lai “soán ngôi” và dần vắng bóng trên ruộng đồng.
 
Theo ghi chép tại sách Đại Nam nhất thống chí và lời kể lại của các bậc cao niên, ngoài giống lúa trì trì, Quảng Ngãi xưa còn có rất nhiều giống lúa tẻ, lúa nếp mang đặc trưng của tỉnh mà không nơi nào có là lúa tràng hạt, lúa vung, lúa kéo, lúa lớn và lúa vốc - các loại lúa này hầu hết đều xuất xứ từ miền núi Quảng Ngãi. Ngoài ra, nông dân xứ Quảng ngày trước còn rất chuộng các loài lúa tẻ như lúa nha, lúa muối, lúa tám, lúa ba trăng, lúa cúc, lúa hột cườm, lúa oa cái, lúa đao tiễn, lúa vị, lúa đồi, bông rinh... và nhiều giống nếp quý như nếp hương, nếp ong, nếp than, nếp vân, nếp vu, nếp cò, nếp chuột, nếp oo - boong, nếp bồ câu... Song, điều đáng buồn là, chỉ sau hai thập kỷ kể từ khi thủy lợi Thạch Nham đi vào hoạt động, sau đó là sự xuất hiện ồ ạt của các giống lúa lai, hầu hết các loại lúa bản địa từng chịu được thổ nhưỡng, đất đai, thời tiết ở tỉnh ta từ rất lâu đời đã dần trở thành những cái tên xa lạ.
 
Nhắc chuyện xưa để nhớ chuyện nay
 
Từ câu chuyện về những thổ sản đặc trưng của Quảng Ngãi dần biến mất, đã đến lúc, những lớp người đương đại cần suy ngẫm, bàn tính đến việc tìm kiếm và bảo tồn những thổ sản bản địa cho hôm nay và mai sau.
 
Tìm kiếm và giữ lại không chỉ để con cháu mai này biết cây nghĩa sâm hình dáng ra sao, công dụng ra sao? Hay dầu của cây dầu hương Lý Sơn có hương thơm thế nào? Mà còn tìm kiếm nguồn giống để phát triển, nâng tầm những thổ sản ấy lên một tầm cao mới. Tìm và trồng lại nếp oo - boong để Quảng Ngãi quê mình có thêm một thương hiệu nếp đặc trưng như nếp Ngự Sa Huỳnh. Tìm lại giống lúa muối Bình Sơn khi nấu cơm có vị hơi mặn, có lụa màu đỏ bầm, dùng làm bánh tráng rất thơm, để Quảng Ngãi có đặc sản gạo đỏ “sánh vai” cùng loại gạo tím của nông dân miền Tây.
 
Hay nói đâu xa, như giống lúa trì trì, nếu tìm lại và phục tráng, thì sẽ giúp người dân ở các xứ đồng thường xuyên bỏ hoang ruộng vì thiếu nước như Tịnh Hiệp, Tịnh Bình (Sơn Tịnh), Phổ Cường (TX.Đức Phổ) “quẳng” được gánh lo bấy lâu nay...
 
Tìm và phát huy những giá trị xưa cũ chưa bao giờ là câu chuyện cũ. Đừng để những thổ sản đặc biệt của Quảng Ngãi rơi vào lãng quên!
 
ĐÔNG YÊN
 
 

.