Bún mắm miền Tây "ngon hết sẩy" giữa lòng Quảng Ngãi

09:10, 13/10/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Vào những ngày thu mát dịu, ngồi một góc giữa “phố ẩm thực” ở Quảng Ngãi trên đường Phan Bội Châu, thưởng thức một tô bún mắm mang đậm hương vị đặc trưng của miền Tây thì quả thật không còn gì bằng. Hương vị đồng nội đậm đà, lạ miệng của món bún mắm sẽ mang đến cho thực khách một sự trải nghiệm ẩm thực mới lạ so với bún mắm truyền thống vốn đã quá quen của miền Trung.

TIN LIÊN QUAN

Nhắc đến vùng đất miền Tây, ai ai cũng biết đặc sản của vùng đất này là các loại mắm. Và một trong những món ăn được chế biến từ mắm, đặc biệt nhất không thể không kể đến là bún mắm.
 
Bún mắm từ lâu đã trở thành một đặc sản của vùng sông nước ở đây khiến cho bất cứ ai khi thưởng thức qua một lần đều nhớ mãi hương vị ấy. Và hôm nay bạn không cần phải lặn lội vào Sài Gòn, xuống tận miền Tây mà cũng có thể thưởng thức ngay tại Quảng Ngãi.
 
Từng có nhiều năm mưu sinh ở Sài Gòn, anh Trần Vĩnh Duy, 42 tuổi, ngụ ở xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức đã có một thời gian dài sinh sống cùng những người hàng xóm là người miền Tây. Trong giao lưu văn hoá ẩm thực, anh cùng họ đã chia sẻ với nhau về những món ăn của quê hương mình.
 
Sau nhiều năm tha phương, vợ chồng anh Duy đã về quê quê nhà mở bán bún mắm miền Tây để mưu sinh.
Sau nhiều năm tha phương, vợ chồng anh Duy đã về quê nhà mở bán bún mắm miền Tây để mưu sinh.
 
Nếu như anh hướng dẫn họ về cách nấu món don, cháo lòng, ram bắp, hủ tiếu. Những người bạn tha hương như anh ở miền Tây lại “bày” anh cách nấu bún mắm ngon tuyệt.
 
Quyết định trở về quê hương lập nghiệp sau hàng chục năm tha hương, anh Duy chọn món bún mắm miền Tây để giới thiệu cho bà con quê nhà thưởng thức, phần vì lưu luyến hương vị quen thuộc suốt những năm tháng mưu sinh nơi đất khách quê người. Một quán ăn nho nhỏ, đủ để đặt chục cái bàn hình thành ở đường Phan Bội Châu, TP.Quảng Ngãi.
 
Vợ chồng anh mở quán, bán cũng đã được vài tháng. Giới thiệu về món ăn này, anh Duy cho biết, bún mắm miền Tây vốn có nguồn gốc từ Campuchia và trở thành món đặc sản của miền Tây, dần trở nên phổ biến ở miền Nam.
 
Ngoài nước lèo và rau thì đây là những thực phẩm không thể thiếu trong tô bún mắm miền Tây.
Ngoài nước lèo được nấu từ mắm cá linh, cá sặc và rau thì đây là những thực phẩm không thể thiếu trong tô bún mắm của người miền Tây.
 
 
Món ăn hấp dẫn từ sợi bún trắng trong, tròn, cộng to, mềm; các loại rau tươi ngon, đậm chất đồng nội như bông điên điển, rau nhút, kèo nèo, bông súng, rau đắng, rau muốn chẻ ngọn, bông so đũa…
 
Điểm mấu chốt nằm ở nồi nước lèo được nấu kết hợp từ nồi mắm cá linh và mắm cá sặc thơm phức. Hai loại mắm này đặc trưng chỉ có ở các tỉnh miền Tây, nhiều nhất là vào mùa nước nổi, cá xuất hiện nhiều. Mắm cá thường được anh Duy đặt hàng chuyển từ mối lái ở miền Tây về. 
 
Người nấu sẽ nấu với nước và cho thêm gia vị đậm đà sao cho phù hợp với sở thích và khẩu vị của thực khách. Nấu cho đến khi mắm cá mềm nát sẽ lọc bỏ đi phần xương, lấy phần nước dùng. Khi nấu nước lèo cũng cần phải cho thêm hành, xả và ớt băm nhỏ cho vào chảo dầu đã phi thơm từ trước đó.
 
“Mỗi người nấu sẽ có một bí quyết riêng để gia giảm mùi cũng như vị gắt của mắm mà không làm mất đi hương vị đậm đà đặc trưng của món ăn. Có thể nói, so với nhiều món ăn khác như phở, hủ tiếu, cháo lòng thì món bún mắm này được chế biến khá cầu kỳ”, anh Duy cho hay.
 
Ngoài chuẩn bị nước lèo và các loại rau, người nấu còn chế biến nhiều thực phẩm đi kèm với đủ màu sắc bắt mắt như màu trắng của mực; màu đỏ của tôm, ớt chả cá, heo quay; màu vàng của chả cá; màu tím của cà. Đây cũng là thành phần quan trọng quyết định độ ngon không kém của món bún mắm.
 
Sau khi chuẩn bị xong các nguyên liệu thì cũng là lúc nước lèo bốc hơi, sôi sùng sục trên bếp là có thể dùng được. Bún được trụng qua nước sôi, bỏ sẵn trong tô. Sau đó, người nấu múc nước lèo đang sôi chan vào, gắp bỏ các món tôm, mực, chả cá, chả cá ớt, cà tím, heo quay chế biến sẵn, sắp vào phía trên tô bún và mang ra ngay cho thực khách thưởng thức.
 
Một phần bún mắm miền Tây.
Một phần bún mắm miền Tây.
 
Nếu dĩa rau là thành phần quan trọng làm cân bằng vị mặn của mắm trong món ăn, thì chén mắm me với hương vị chua chua, ngọt ngọt để chấm các thực phẩm hoặc chan vào tô nước lèo sẽ tăng thêm hương vị cho tô bún mắm. Tất cả hương vị hòa quyện vào nhau làm cho món ăn lạ miệng hơn.
 
Nhận tô bún nóng hổi càng khiến thực khách nôn nóng muốn thưởng thức. Mùi mắm thanh nồng xộc vào mũi quá đỗi hấp dẫn, húp trước muỗng nước bún đậm đà mùi mắm mà lại vừa miệng vô cùng.
 
Cách ăn là cứ một đũa bún thì một đũa rau. Sợi bún hòa với rau sống giòn ngon thú vị. Sau đó húp thêm một muỗng nước lèo thơm mùi mắm nhẹ thoang thoảng, rồi quẹt miếng thịt heo vào một ít sốt me cho vào miệng từ từ thưởng thức.
 
Vị ngọt, vị mặn và một ít chua nhẹ hòa cùng hương thơm của thứ mắm sặc, mắm linh đã làm nên cái thú mới lạ cho món bún này. Ăn một tô đến no căng cả mắt mà vẫn cứ thòm thèm hoài. Đặc biệt bạn nào ăn được cay thì nên cho ít ớt tươi vào để vị giác càng được kích thích nhiều hơn.
 
“Nếu ở TP.HCM thì việc mua các loại rau cũng như mắm sẽ dễ dàng hơn. Còn bán ở Quảng Ngãi, tôi phải nhờ các thương lái ở chợ đầu mối trong đó gửi theo xe về Quảng Ngãi. Riêng bông điển phải đợi đến mùa nước nổi khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 mới có hàng gửi về vì mùa đó mới có nhiều bông điên điển”, anh Duy nói.
 
Để hương vị món bún mắm miền Tây dễ ăn và gần gũi hơn với người Quảng Ngãi, anh Duy chọn các loại hải sản tươi sống, ngon ở vùng biển Quảng Ngãi. Ngoài bún sợi to, còn có bún sợi nhỏ mà người Quảng hay ăn bún bò giò.
 
"Đặc biệt, bán cho người dân quê mình thì phải nêm nếm cho phù hợp với khẩu vị người Quảng Ngãi mà không mất đi nét đặc trưng vốn có của tô bún mắm thì mới được nhều người ưa chuộng”, anh cho biết thêm.
 
Giá một tô bún mắm miền Tây bán ở Quảng Ngãi chỉ 25.000 đồng. Nếu có dịp bạn hãy thử thưởng thức một lần. Đặc biệt, nếu bạn là người Quảng Ngãi từng có cơ hội học tập, làm việc ở các tỉnh phía Nam, đây sẽ là địa chỉ để bạn ghé thường xuyên hơn.
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 

CÁC TIN KHÁC
.