Ký ức mùa hoa bần

09:08, 30/08/2018
.

 *Ký của Nguyễn Ngọc Trạch


(Báo Quảng Ngãi)- Đôi bờ sông Kinh một thời nổi tiếng là trù phú và thơ mộng. Nơi đây có những dải rừng ngập mặn, với thảm thực vật sinh thái đa dạng, phong phú. ấn tượng sâu đậm nhất đối với nhiều người là mỗi khi mùa cây bần ra hoa, để lại biết bao ký ức không thể nào quên về dòng sông quê nhà.

Từ Cửa Đại, một nhánh nhỏ của sông Trà Khúc chảy qua Cổ Lũy Nam theo hướng đông đến hết xã Tịnh Khê hòa vào sông Chợ Mới hợp thành sông Kinh. Sông Kinh đi qua 3 địa danh Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (trước đây thuộc huyện Sơn Tịnh, nay thuộc TP.Quảng Ngãi) và đến Bình Châu (Bình Sơn).

Từ đây sông đổ ra cửa biển Sa Kỳ. Từ con đập ngăn mặn Khê Hòa cho đến gần cửa biển Sa Kỳ ngày ấy hai bên hữu ngạn và tả ngạn sông Kinh là những làng quê, thuyền bè từ khắp các miền quê tấp nập đổ về chợ Bờ, bến Sa Kỳ buôn bán.

 

Rừng đước ngập mặn ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi).                                              ẢNH: Ý THU
Rừng đước ngập mặn ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). ẢNH: Ý THU


Ngày ấy, tôi theo ông nội đi thuyền từ cửa Sa Kỳ lên đập ngăn mặn Khê Hòa, thường thuyền đi chở lúa, rơm rạ, có khi thuyền đưa cả đoàn người lên đồng Quýt thuộc Tịnh Thiện để cấy hái, thu hoạch. Quê tôi ngày ấy không có nhiều ruộng đất để canh tác, nên người ta phải xâm canh mua ruộng ở các xã lân cận, đến mùa thu hoạch cày bừa phải đi thuyền dọc theo sông Kinh qua Chợ Mới thuyền cập sát chân ruộng.

Ngày ấy, đôi bờ sông Kinh toàn là cây đước và cây bần xanh ngát, trải dài từ Kỳ Xuyên đến hết đồng Cù Len. Cây đước, cây bần mọc theo mép sông người ta gọi là “rừng sác”. Có dịp cùng bạn bè ra sông vào rừng sác tôi không khỏi ngạc nhiên về những gì mà thiên nhiên ưu ái đã ban tặng cho nơi này. Có thể nói, rừng ngập mặn quê tôi diện tích không lớn, nhưng sản vật thì không thua kém bất cứ nơi nào.

Về sau tôi mới nhận ra, có lẽ từ những ngày khai thiên lập địa, người dân ở đây đã trồng cây bần dọc theo mé sông để chống xói lở, xâm thực của thủy triều, dần dà theo năm tháng rừng bần, rừng đước lớn lên, ra hoa có trái tự rụng và từ đó chúng sinh sôi nảy nở, hết năm này qua năm khác. Và cứ thế rừng ngập mặn quê tôi mỗi ngày, mỗi năm lớn lên xanh tốt.

Vào mùa hè, cây bần bắt đầu ra hoa, thời điểm này nếu ai có dịp đi vào rừng bần không khỏi ngỡ ngàng, vì từ gốc đến ngọn bần có mấy tầng sinh thái cùng tồn tại và phát triển. Dưới gốc những cây bần là chỗ trú ngụ của các loài cua, còng, ốc, sìa, đặc biệt là cá bống thòi lòi. Còn rễ và thân cây bần, cây đước là chỗ cho các loài ốc bám vào sinh sống, tìm mồi. Mùa nào cũng có đủ loại ốc, chỉ cần dạo một lát đã có cả rổ ốc đem về.

Những sinh vật sinh sống dưới tán cây bần nằm ẩn mình thích nghi với bùn đất để sinh sôi nảy nở, nhiều vô kể là các loài sò. Ngoài ra, dưới tán rừng sác còn có những đàn còng đu đủ, người ta bắt về chế biến mắm chua. Có lẽ trong các loài mắm ở quê tôi, mắm còng đu đủ là một trong những đặc sản nổi tiếng mà tôi được biết.

Có thể nói không ngoa rằng, dưới tán rừng sác là một thế giới sinh vật vô cùng đa dạng và phong phú mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi nào có rừng ngập mặn. Ngoài những sinh vật, món ăn và những đặc sản, người đi rừng sác còn nhiều thú vui khác mà không rừng nào có được, thích nhất là mùa bắt lịch.

Lịch ở hai bên bờ sông khá nhiều, người ta đi bắt lịch vào mùa thu, vì mùa này lịch mới mềm và béo. Khi bắt về người ta thường chế biến các món như lịch xào măng, um để nấu cháo, lịch còn được các bà nội trợ hấp cuốn bánh tráng rau sống hoặc đem kho “măn mẳn” ăn cơm gạo lúa trì trì vào những ngày mưa dầm gió bấc thì ngon không thể nào tả nổi.

Nếu có dịp đi vào rừng ngập mặn vào mùa hạ, những ngày này cây bần cây đước bắt đầu trổ hoa, hoa đỏ rực thơm ngan ngát hình dáng như cái nơm cá. Đến mùa cho hoa, đi trên thuyền nhìn hai bên bờ sông Kinh hoa đỏ rực núp dưới những tán lá xanh rì, mùa hoa bần, hoa đước còn “gọi mời” những đàn ong từ xa về làm tổ.

Ngày ấy, vào những trưa hè bọn chúng tôi rủ nhau đi tìm tổ ong, có những hôm tìm được tổ ong mật cả bọn chén sạch về nhà có đứa say, mặt đỏ lừ, ruột nóng như đốt. Trên ngọn cây bần vô số những đàn chim đến mùa bay về trú ngụ, có đủ thứ chim, nào là cò trắng, cò ma, vạc, le le, có cả những đàn quạ... Có lẽ xứ sở rừng ngập mặn không gian thật yên tĩnh, chúng không bị ai quấy rầy, có sẵn những thức ăn để các loài sinh vật tồn tại và phát triển.

Vào những đêm trăng sáng đi thuyền theo dọc sông Kinh, mặt sông lấp loáng, nhấp nhô ánh bạc, gió nam thổi hây hây, dòng sông lúc này sao mà đẹp đến nao lòng. Trên dòng sông ta nghe đủ loại âm thanh trầm bổng từ tiếng chim kêu về tổ, đến tiếng lốc cốc của lão ngư đánh lưới gõ đuổi cá trên sông, tiếng hò lả lơi kéo rớ trên chiếc bè trôi theo dòng nước, xa xa văng vẳng tiếng vọng hò lơ của cô thôn nữ đưa đò chở khách sang sông, thuyền đi sát những rừng bần ta còn nghe tiếng kêu lốp bốp của những con sìa mỗi khi hé miệng uống nước.

Thuyền đi qua những bến đò, bến sông ta bắt gặp không khí trên bến dưới thuyền người ghe buôn bán tấp nập. Những đoàn thuyền từ Thu Xà, Sông Vệ, Đức Lợi, Đồng Ké, Ba Gia chở gạo, đường... xuôi về chợ Bờ Bình Châu; ngược lại những chiếc thuyền lắc lư nối đuôi nhau chở cá mắm, đặc sản miền biển quê tôi lên tận các ngã miền cao, chừng như lúc nào dòng sông Kinh cũng xôn xao nhộn nhịp.

Dù có bôn ba khắp chốn phương trời, đến giờ nhớ lại mùa cây bần trổ bông, hương bần thơm dìu dịu, tôi lại nhớ về dòng sông quê một thời lai láng với biết bao ký ức, ở đó có những con người chân quê thật thà chất phác, dãi nắng dầm sương ngày đêm ra sức đắp bồi cho đôi bờ sông Kinh ngày càng trù phú xinh tươi thơ mộng. Và mỗi khi bắt gặp những cánh rừng ngập mặn, ký ức trong tôi lại hiện về, hình ảnh dòng sông Kinh quê nhà ngày ấy với những mùa hoa bần trổ bông thơm ngát đến lạ kỳ./.

 


CÁC TIN KHÁC
.