Về Sa Huỳnh, hiểu thêm văn hóa biển

04:04, 20/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tháng 4, vùng biển Sa Huỳnh (Đức Phổ) đầy nắng gió. Du khách về cửa biển Sa Huỳnh thăm miếu Bà, thăm vạn chài Sa Huỳnh, nghe những câu chuyện về cá Ông... càng hiểu thêm dấu ấn văn hóa biển nơi đây.

TIN LIÊN QUAN

Dừng chân nơi cửa biển, du khách tha hồ đón những làn gió mát lành, ngắm nhìn những con tàu sau chuyến xa khơi trở về với cá mực đầy khoang. Thế nhưng, để hiểu về văn hóa của vùng biển này, khách tham quan nhớ ghé miếu Bà và thăm vạn chài Thạch Bi.

Vạn chài Thạch Bi là điểm đầu tiên để đến với cửa biển Sa Huỳnh. Vạn chài xưa tường xây bằng gạch và khung gỗ hiện không còn nữa. Nhờ những chuyến xa khơi làm ăn khấm khá, nên người dân trong vạn đóng góp tiền của xây dựng lại vạn khá khang trang. 
 

 Miếu Bà ở cửa biển Sa Huỳnh.
Miếu Bà ở cửa biển Sa Huỳnh.
Trong vạn đang lưu giữ bộ xương của Thần Nam Hải (cá Ông) khá lớn. Bà con cho hay, năm Thần Nam Hải lụy, cả làng biển dừng việc ra khơi, để rước Ông lên bờ. Do Ông quá lớn, nên dân chài phải đục cả tường để đưa Ông vào bên trong vạn. Rồi cũng như dân chài nhiều nơi ở vùng biển miền Trung, bà con tổ chức lễ an táng Ông. Nhiều năm sau, bà con tiến hành cải táng, đưa xương cốt Ông vào thờ trong vạn...

Từ lâu, Sa Huỳnh đã có lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Đây là lễ hội truyền thống của làng chài, nhưng không chỉ dân làm nghề biển, mà còn có những người làm nghề nông và nghề làm muối tham gia. Từ sáng sớm, những người dân làm lễ cúng ở miếu Bà, rồi sau đó trở về vạn làm lễ cúng Thần Nam Hải. Trong dòng người đi lễ Bà còn có những diêm dân. Họ cũng mong trời nắng to và không có những cơn mưa giông ban chiều để muối Sa Huỳnh kết hạt no tròn, trắng tinh.

Trong khi chờ con nước lên, ở phía bên trong vạn, người dân tổ chức hát sắc bùa với những câu hát thể hiện sự nhọc nhằn của nghề biển khơi, cùng ước mong sự phù hộ độ trì của Thần Nam Hải, của Bà, để vượt qua sóng gió và cho thuyền về bến cá đầy khoang. Đến khi con nước lên, từng con tàu nối tiếp nhau tiến ra biển. Có tàu chỉ đi lấy ngày, có tàu thẳng tiến ra khơi bắt đầu mùa đánh bắt mới.

Sau khi tham quan vạn chài, chờ cho thủy triều rút xuống, bạn hãy theo những dân chài bơi thúng qua miếu Bà. Tiếng là miếu thờ Bà Thiên Y A Na, nhưng trong khu vực miếu còn có tượng Phật Quan Âm.

Lệ thường, cứ mỗi chuyến ra khơi ngư dân thường sắm lễ vào vái các bà phù hộ độ trì và cuối mùa biển thì làm lễ cúng tạ ơn. Một điều rất lạ là ở vùng cửa biển Sa Huỳnh, mùa biển động sóng vỗ ầm ào, nhưng những con sóng không hề gây xói lở ở khu vực miếu Bà. Trong khuôn viên miếu cây vẫn xanh. Thường ngày ông trưởng vạn vẫn luôn lui tới hương khói.

Những nghi lễ, những tập tục của làng biển Sa Huỳnh cứ thế nối tiếp đời này qua đời khác. Bây giờ, ở vùng biển Sa Huỳnh có nhiều nhà xây khang trang, có nhiều con tàu công suất lớn, nhưng bà con vẫn giữ những tập tục, những nghi lễ xưa, tạo nên nét văn hóa hướng biển trong cộng đồng ngư dân Sa Huỳnh.

Bạn hãy một lần đến, không chỉ để hiểu hơn văn hóa của cư dân Sa Huỳnh, mà còn được đắm mình trong dòng nước biếc, thưởng thức cá, mực còn tươi nguyên, nghe thanh âm dạt dào của sóng biển... Tất cả âm thanh, hương vị tổng hòa sẽ làm lòng mình thư thái hơn...  


 Bài, ảnh: TRƯỜNG AN

 


CÁC TIN KHÁC
.