Thăm Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại

09:04, 06/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại tọa lạc bên dòng sông Liên thuộc thôn Bắc Lân, xã Ba Động (Ba Tơ) vừa được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Du khách một lần ghé thăm Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại sẽ hiểu hơn lòng kiên trung của người chiến sĩ cách mạng trong những năm đầu của cuộc Khởi nghĩa Ba Tơ.

TIN LIÊN QUAN

Theo hành trình du lịch về nguồn, du khách theo Quốc lộ 24 đến địa phận xã Ba Động rẽ phải khoảng 500m là đến Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại. Nhà lưu niệm nằm trên mảnh đất bằng phẳng, thoáng đãng, xung quanh là những thảm cỏ, cây xanh. Năm 2010, ngôi nhà lợp ngói thay tranh, nhưng cấu trúc bên trong vẫn nguyên vẹn theo kiểu nhà của người dân bản địa ngày xưa.

Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại.                           ẢNH: PV
Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại. ẢNH: PV


Nơi đây, 89 năm trước đồng chí Trần Toại (1890 - 1948), người làng Thi Phổ Nhất, xã Đức Lân (Mộ Đức) lên dựng nhà, khai hoang, trồng dâu dọc bờ sông Liên, nuôi tằm và dạy học, để xây dựng lực lượng chống Pháp. Vợ của đồng chí là bà Huỳnh Thị Trâm chăm lo việc nhà, việc đồng áng. Nguồn lợi thu từ nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải đã giúp ông có nguồn tài chính phục vụ cho việc vận động xây dựng phong trào cách mạng, tổ chức các hội quần chúng.

Tại ngôi nhà của mình, ông đã mở lớp dạy chữ quốc ngữ, khai sáng dân trí. Những “Hội khai hoang”, “Hội đi buôn đường, lá nón”, “Hội trồng dâu nuôi tằm”, “Hội học chữ quốc ngữ”... ra đời từ đây. Đồng chí Trần Toại cùng với các chí sĩ yêu nước Nguyễn Quang Mao, Trần Hàm, Huỳnh Thanh, Huỳnh Cư... tiếp tục đưa dân từ các huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành lên lập nghiệp; đồng thời đi khắp các làng Hrê vận động, giác ngộ đồng bào đi theo cách mạng.

Bên cạnh hiểu về tài trí xây dựng lực lượng, du khách về đây sẽ hình dung lại gần một thế kỷ trước, tại ngôi nhà của đồng chí Trần Toại và bên bãi dâu tằm của gia đình đã trở thành nơi liên lạc và phát hành truyền đơn của Chi bộ Căng an trí Ba Tơ. Tài liệu tuyên truyền xuôi theo dòng sông Liên và theo đường bộ lan tỏa xuống đồng bằng, kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến tay sai...

Cách mạng Tháng Tám tại Quảng Ngãi thành công và thành lập tỉnh Lê Trung Đình, đồng chí Trần Toại được Tỉnh ủy lâm thời cử làm Chủ tịch chính quyền cách mạng đầu tiên của tỉnh. Năm 1948, đồng chí Trần Toại lâm bệnh nặng và mất trong sự tiếc thương của đồng bào Quảng Ngãi.

Công lao cống hiến của đồng chí Trần Toại được Đảng, Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh vào năm 1999. Ngày 25.1.2018, UBND tỉnh có quyết định xếp hạng Nhà lưu niệm của đồng chí Trần Toại là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại còn thiếu nhiều tư liệu, hình ảnh, hiện vật. Bãi dâu tằm ngày xưa bây giờ là những đồng cỏ, bãi dưa.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Huỳnh Thị Phương Hoa cho biết: Việc công nhận Nhà lưu niệm đồng chí Trần Toại là Di tích lịch sử cấp tỉnh là cơ hội để đầu tư, nâng cấp, sưu tầm các hiện vật, tư liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời hoạt động của đồng chí Trần Toại. Trong chuỗi du lịch về nguồn, đây sẽ là điểm đến hết sức ý nghĩa. Khi du khách về đây không chỉ hiểu hơn về con người có tấm lòng với quê hương đất nước mà còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp bên bờ sông Liên thơ mộng.
                    

  MAI HẠ

 


CÁC TIN KHÁC
.