Dẻo cay món kẹo gừng

08:02, 28/02/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Những thanh kẹo gừng dẻo, vị cay cay từng gắn liền với tuổi thơ giờ có tiền chưa chắc mua được, bởi lẽ người làm ra nó ngày một ít đi...

TIN LIÊN QUAN

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày còn lẽo đẽo theo ba mẹ đến trường. Thuở ấy, gia đình khá khó khăn, cơm gạo phải chạy lo từng bữa. Tuổi thơ gắn liền với những món ăn dân dã như sắn, bắp, mía… bánh kẹo như những thứ “hạng sang” chỉ con nhà giàu mới được sở hữu. 
 
Có những ngày được điểm cao mà chúng tôi gọi là “những ngày đặc biệt” mẹ mới phóng khoáng mở hào bao “lì xì” cho vài thanh kẹo gừng để khích lệ tinh thần.
 
Rồi thành thói quen, hôm nào đạt điểm 9, điểm 10, tôi lại ra trước sân nhà ngồi chờ mẹ tan buổi chợ chiều để lại được thưởng thức kẹo. Cái vị dẻo, vị cay của kẹo gừng khiến tụi nhỏ như tôi thèm đến chảy cả nước miếng.
 
Kẹo gừng
Gia đình chị Đặng Thị Dung, 41 tuổi, ở thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa là một gia đình còn gắn bó với công việc làm kẹo gừng để bán.
 
Có những buổi ế khách, mẹ tôi chẳng kiếm được mấy đồng lời, chỉ đủ mua mắm muối cho bữa tối. Thế là, tôi đâm ra dỗi mẹ. Thấy con mình buồn, mẹ tôi lại phải ra sau vườn đào từng khóm gừng đem vào giã nhuyễn, rồi hôm sau ra chợ mua thêm bột nếp, đường đen để về chế biến kẹo gừng “bù đắp” cho con. Dần dà, kẹo gừng đã trở thành món “đặc sản” đi cùng tôi qua năm tháng.
 
Kẹo gừng mẹ làm ra không đẹp và ngon bằng kẹo gừng người ta bán nhưng có thể nói nó “độc nhất vô nhị” bởi chất chứa trong đó tình mẫu tử thiêng liêng, tình thương con vô bờ bến.
 
Kẹo gừng bây giờ khó tìm mua hơn ngày trước do thị trường bánh kẹo khá đa dạng về mẫu mã. Chỉ thi thoảng mới bắt gặp.
 
Về Thu Xà-“xứ sở” của nhiều loại bánh kẹo cũng chỉ còn vài hộ còn lưu giữ nghề từng một thời chiếm giữ vị trí “độc tôn”. Gia đình chị Đặng Thị Dung, 41 tuổi, ở thôn Hòa Tân, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa là một gia đình gắn bó lâu năm ở đây.
 
Nhà chị chuyên làm các loại kẹo truyền thống như kẹo dừa, kẹo đậu, kẹo gừng. Kẹo dừa, kẹo đậu chị làm bán quanh năm. Duy chỉ có kẹo gừng chỉ làm để bán vào những đợt lạnh cuối năm, vào xuân nhưng không phải ngày nào cũng làm.
 
Các công đoạn làm kẹo gừng khá kỳ công, từ công đoạn chuẩn bị, nấu các nguyên liệu chính như gừng, bột nếp, đường… cho đến khi ra lò, cắt ra từng thanh nhỏ cũng mất trung bình 5 tiếng đồng hồ. 
 
Lúc trước, ngày nào nhà chị cũng sản xuất 5 chảo đường, gừng kiếm khoảng 500 ngàn đồng/ ngày. Một số tiền không hề nhỏ. Còn bây giờ, dăm ba ngày mới làm một mẻ, rồi tự chở đi bỏ mối cho các cửa hàng tạp hóa gần trường học. 
 
Thế nhưng chị Dung vẫn thỉnh thoảng làm vì muốn lưu giữ lại cái nghề từng giúp mình mưu sinh trong những năm tháng khó khăn nhất.
 
Món kẹo gợi nhớ nhiểu kỉ niệm của tuổi thơ.
Món kẹo gợi nhớ nhiều kỉ niệm của tuổi thơ.
 
Đối với trẻ con bây giờ, món kẹo gừng không phải là hương vị tuổi thơ của chúng nữa mà thay vào đó là “bim bim”, sô cô la, trà sữa và cả những món bánh được đựng trong bao bì sang trọng.
 
Bất chợt có những hôm trời trở lạnh hơn, tự nhiên lòng nôn nao nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ những thanh kẹo gừng mẹ làm, nhớ thanh kẹo mà chị em tôi đã cùng san sớt với nhau...
 
Bài, ảnh: Thiên Hậu
 
 

CÁC TIN KHÁC
.