Người cựu tù và ký ức vượt ngục

09:09, 04/09/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm ấy, lúc trời bước vào đông, những người tù chính trị yêu nước bị địch giam ở nhà lao Quảng Ngãi bí mật ra rãnh nước ở cạnh giếng, người đứng che, người lật tấm ván đậy trên rãnh để người bạn tù là ông Nguyễn Môn Vĩnh nằm trốn. Ông Vĩnh chờ đến khi trời tối mịt, một mình can đảm vượt ngục...        
 

Ông Nguyễn Môn Vĩnh.
Ông Nguyễn Môn Vĩnh.
Câu chuyện vượt ngục của cựu tù chính trị yêu nước Nguyễn Môn Vĩnh, quê xóm Lá Ngái, thôn An Hải, xã Bình Châu (Bình Sơn) đã được chính ông và đồng đội kể lại trong niềm xúc động. Đó là ký ức không sao quên được về một người cựu tù chính trị yêu nước gan dạ, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Trước ngày vượt ngục  

Trong tiếng sóng biển rì rào ở xóm Lá Ngái, ông Vĩnh bắt đầu câu chuyện từ trận đánh đúng vào ngày 27.7.1967, khi đó ông là chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 83 thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi. Ông bị trúng pháo gãy xương đùi. Không còn trực tiếp cầm súng ra chiến trường vì thương tật, ông chuyển công tác về trại thương binh thuộc Ban Thương binh của tỉnh. Trong một lần đi công tác ở xóm Lá Ngái (tháng 2.1969), ông bất ngờ bị địch bắt, chúng giam ở Chu Lai, sau đó đưa về nhà lao Quảng Ngãi.

“Không được. Chú vượt ngục nếu lỡ địch phát hiện bắn chết, anh đau lòng không chịu được”, anh ruột của ông Vĩnh là Ba Liên, bị giam ở cùng phòng can ngăn khi nghe ông Vĩnh nói ý định vượt ngục.
 
Đó là thời điểm mới chuyển về lao Quảng Ngãi, ông Vĩnh phát hiện có hai lỗ thủng ở tường thành từ trận Mậu Thân năm 1968, lỗ thủng đủ để một người chui qua. Nhưng ý định vượt ngục lúc ấy đành gác lại, bởi địch đã nhanh chóng trám lỗ thủng trên tường.    

Một hôm, tên thư ký an ninh đến cửa phòng giam hỏi: “Có ai làm thợ nề không?”. “Tui là thợ nề đây”, ông Vĩnh đáp. Ông Vĩnh nào có phải thợ nề, ông nói thế cốt để có cơ hội ra khỏi phòng giam tìm hiểu tình hình. Ông vẫn “nuôi” ý định vượt ngục. Địch bảo ông sửa tháp nhà thờ ở trong lao. Từ trên ngọn tháp, ông quan sát tứ phía, phát hiện các ngã đều có trại lính, chỉ có ở phía nam tuy có lô cốt, đồn bảo an, nhưng còn có khe hở để trốn thoát. Lần này ông Vĩnh quyết tâm vượt ngục, để được về với đồng chí, đồng đội tham gia kháng chiến.   
 
Sau này, khi ông Vĩnh và các anh Thái, Sa, Dũng...  gặp lại nhau, họ kể lại cho nhau nghe về cái ngày Vĩnh vượt ngục. Đó là câu chuyện của một thời trai trẻ, một thời đáng để tự hào vì những hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Ông Vĩnh giờ đã 75 tuổi đời, hơn 50 tuổi Đảng. Ngẫm lại cuộc đời mình, ông Vĩnh tâm tình: “Suốt những tháng năm tham gia cách mạng, sau này hơn 21 năm làm giám đốc các xí nghiệp thuộc Công ty thủy sản khu vực II Đà Nẵng và cho đến hôm nay, tôi vui mừng là mình đã làm tròn trách nhiệm người đảng viên, không làm điều gì trái với đạo đức, lương tâm, được thế là vui rồi”.

Một ngày đáng nhớ

Đó là ngày 4.10.1969. Chiều hôm đó, địch tập hợp những người tù ra sân kiểm diện. Nắm chặt tay anh Phạm Hồng Thái, ông Vĩnh nói nhỏ: “Vĩnh biệt anh”. “5 ăn, 5 thua, không vĩnh biệt mà chỉ có Vĩnh”, anh Phạm Hồng Thái động viên. Vĩnh đi về phía giếng nước, ở đó có các anh Đoàn Văn Sa, Nguyễn Hồng, Nguyễn Thanh, Mai Nam đến để giúp ông. “Người cho cái áo màu xám, người cho đôi dép cao su, cho lọ vitamin tổng hợp. Anh em rất tốt, động viên tôi nhiều về tinh thần khi vượt ngục”, ông Vĩnh bùi ngùi nhớ lại.

Đêm hôm ấy, trời mưa rất lớn, gió mạnh, sau thời gian nằm đợi khá lâu, ông Vĩnh nghiêng tấm ván chui ra ngoài. Ông cởi quần dài vùi sâu xuống rãnh nước, lấy áo se lại luồn vào đôi dép cao su, sau đó cột vào bụng. Ông bôi bùn đen khắp người và phủ cỏ chỉ trên đầu, sau đó đi qua 5 lớp rào, đến đoạn đường lính đi tuần thì nằm lẫn trong đám cỏ chỉ.

Trời ngớt mưa, hai tên lính bước ra từ lô cốt, đi tuần được một đoạn thì quay trở lại. Ông Vĩnh nhanh chóng đi về phía lô cốt, leo lên trên và tuột ra bên ngoài theo chân tường thành. Ông đã thực hiện các thao tác nhanh như cắt vào thời điểm hai tên lính gây tiếng động khi bước vào lô cốt. Đi đến đoạn giữa tường thành, ông Vĩnh nghe 9 tiếng kẻng trong lao báo hiệu 9 giờ tối, giờ giới nghiêm như thường lệ.

Ngồi nghỉ một lát, ông Vĩnh dùng tay rà mìn, dùng 2 móc kéo rộng dây thép gai về phía hai bên rồi chui qua, sau đó luồn tay ra phía sau gỡ hai móc, sửa lại rào. Cứ thế, ông chui qua hơn 30 lớp rào mà không để lại dấu vết, chui qua tránh đồn bảo an, ấp chiến lược và cả hàng rào liên hoàn. Ông đã thoát khỏi nhà lao, nhanh chóng bước đi trong màn đêm lạnh buốt, vậy mà lòng cảm thấy ấm áp đến lạ. Ông một mình đi về phía núi, đến ngày 7.10.1969 thì giáp Trạm giao liên của Trà Bồng, từ đó bắt liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động cách mạng.

Trở lại tình hình ở nhà lao, tối hôm ông Vĩnh vượt ngục, anh Phạm Hồng Thái giả vờ lên cơn đau để mọi người chăm sóc cho ông mà không chú ý đến sự vắng mặt của Vĩnh. Sáng hôm sau, anh em đưa anh Thái lên phòng y tế, còn anh Sa thì theo dõi tình hình, thấy im lặng, nên đợi đến trưa sau khi nhà lao mở cửa cho người tù đi vệ sinh, lấy nước uống, anh bàn với anh Thái và thống nhất báo phòng D thiếu 1 người. Địch nhanh chóng tập hợp người tù ra sân kiểm đếm, thì phát hiện thiếu Vĩnh. Chúng đã không biết Vĩnh thoát ra bằng cách nào, an ninh nhà lao quy tội cho lính gác đã ăn tiền và cho Vĩnh đi ra từ cổng chính vào buổi trưa.


   Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ


 


CÁC TIN KHÁC
.