Ngược dòng lịch sử trên con đường danh tướng

04:03, 13/03/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Tớ đang làm bài nghiên cứu tìm hiểu về các vị tướng tài ba ở miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Cậu làm hướng dẫn viên đưa tớ về thăm quê các vị tướng với nha!”, cô bạn thời đại học nói với tôi qua điện thoại. Tôi gật đầu đồng ý ngay.

TIN LIÊN QUAN


Từ  TP.Quảng Ngãi, đi theo Quộc lộ 24B, chúng tôi về thăm quê của tướng Nguyễn Chánh (1914-1957) ở xóm Vạn Đò, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh). Tại điểm dừng chân đầu tiên, cảm giác bình yên, gần gũi hiện hữu. Những tia nắng vàng đang trải mình trên cánh đồng lúa xanh rì. Những con đường bê tông trải dài, nối làng trên xóm dưới, những ngôi nhà ngói mới mọc lên san sát.

 

Ông Phạm Ngọc Quý giới thiệu những tư liệu lịch sử về Trung tướng Phạm Kiệt.
Ông Phạm Ngọc Quý giới thiệu những tư liệu lịch sử về Trung tướng Phạm Kiệt.

Qua hàng trăm bức ảnh, hiện vật được trưng bày, tất cả như những thước phim quay chậm, giúp chúng tôi hiểu được phần nào về cuộc đời của "Vị tướng không quân hàm". Cuộc đời tướng Nguyễn Chánh gắn bó với Quảng Ngãi và chiến trường Liên khu 5. Đặc biệt, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông làm Bí thư Liên Khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5, góp phần chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ. Nguyễn Chánh đột ngột từ trần ngày 24.9.1957, cận ngày phong quân hàm. Vì vậy, nhiều người gọi ông là "Vị tướng không quân hàm" với tất cả lòng ngưỡng mộ, yêu quý và tiếc thương!

Rời quê hương tướng Nguyễn Chánh, ngược dòng Trà Giang theo Quốc lộ 24B, chúng tôi tìm về thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, quê hương của thủ lĩnh đội Du kích Ba Tơ - Trung tướng Phạm Kiệt (1910-1975). Ông Phạm Ngọc Quý - Trưởng tộc họ Phạm, đưa chúng tôi đi thăm nhà lưu niệm của tướng Phạm Kiệt. Đưa tay chỉ về góc cuối vườn, ông Quý kể: “Đây chính là mảnh đất mà cha mẹ tướng Phạm Kiệt từng sinh sống. Ở góc vườn này là nơi ông tập võ khi còn nhỏ”. Cũng như nhiều nhà lưu niệm khác, bên trong trưng bày khá nhiều ảnh và hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của tướng Phạm Kiệt.

Tên tuổi của ông gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và chiến thắng Điện Biên Phủ. “Anh là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem lại kế hoạch đánh nhanh. Lúc bấy giờ là lúc toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 2 ngày, 3 đêm; sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng lúc đó không ai dám nói lên ý nghĩ thật của mình vì lo ngại cho là dao động. Chỉ có Kiệt mới dám nói như vậy. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt”. Đoạn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về tướng Phạm Kiệt được treo trang trọng trong nhà lưu niệm, khiến cho nhiều người dân đất Quảng như tôi cảm thấy tự hào.

Xuôi theo Quốc lộ 24B về phía biển, chúng tôi về thôn Trường Định, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi), quê hương thiếu tướng Võ Bẩm (1915-2008). Nhà lưu niệm Võ Bẩm được xây dựng trong vườn nhà xưa của gia đình ông, rộng khoảng 1.600m². Đây là ngôi nhà ngói ba gian, hai chái theo truyền thống ở miền Trung. Trong những hình ảnh, hiện vật được lưu giữ tại nhà lưu niệm, nhiều nhất là những hình ảnh kỷ niệm của ông gắn liền với con đường Trường Sơn. Có thể nói, tên tuổi của ông gắn liền với huyền thoại Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh lịch sử, một trong những người có công "đặt nền móng" mở con đường huyền thoại này.

Và còn rất nhiều điểm đến nữa trên cung đường danh tướng này, như nhà lưu niệm trung tướng Trần Quý Hai, tướng Trần Nam Trung..., nhưng vì thời gian có hạn nên chúng tôi đành hẹn dịp khác.
                             
Bài, ảnh: Như Ý


 

CÁC TIN KHÁC
.